BÀ NGOẠI VILLORESI
Tùy bút:
*** Ý Nga ***
Vân thương,
Hôm nay thứ tư rồi phải không Vân?
Thứ nào mình cũng chẳng có chuyện chi vui để kể Vân nghe hết, mà thuyền nhân chúng mình sao khi buồn thì nỗi buồn nó cứ hành hạ tụi mình nhức cả tim thế này?
Vân có thời gian nghe mình kể chuyện bà Ngoại không nè? Không, thì cứ để dành đó đi nha, hôm nào rảnh hãy lấy ra đọc, để biết về một bà Ngoại rất thương những thuyền nhân trắng tay như tụi mình.
&&&
Bà Ngoại ruột của mình mất hình như năm mình mới vừa 19 tuổi.
Má mình là đứa con gái út thứ 11 của Ngoại nên Ngoại thương con gái thế nào thì thương cháu gái cũng… y như vậy. Từ đó, mình không còn dịp gọi “Ngoại ơi, Ngoại à!” nữa và cũng không còn dịp được Ngoại gọi lên phòng vào tuổi bắt đầu lú lẫn của Ngoại, rồi Ngoại dí vào tay mình những gói quà to thật to, được gói ghém kỹ lưỡng trong những tấm giấy khung cưỡi, mở hoài vẫn chưa nhìn ra là quà gì? Cứ hết lớp giấy này đến lớp giấy khác, cho đến khi mỏi cả tay thì mới thấy cái kẹp tóc bé tí ti, lỗi thời, của các chị con dì đã vất đi. Nhưng những món quà “cũ người” nhà giàu ấy lại rất “mới ta” nhà nghèo này nên nó cứ kẹp… trong tim mình hoài mấy chục năm qua, mỗi khi nhớ lại tình thương cháu của Ngoại.
Ngày Ngoại mất, mình buồn đứt ruột khi thấy ngày Tết mà Má mình khóc sưng cả mắt.
Cũng như Ngoại, mỗi lần thấy Má mình buồn bao nhiêu thì mình cũng buồn bấy nhiêu. Từ đó, mình không còn ai để gọi “Ngoại à, Ngoại ơi” nữa.
Bà Ngoại thứ nhì của mình họ Villoresi, người Ý.
Ngoại có 2 đứa con gái và 1 con trai, người con trai thì mình không thân nên không biết nhiều nhưng cả 2 người con gái đều thương dân VN mình lắm Vân ạ, chẳng những thương tụi mình mà còn thương những người VN khác nữa (họ đã gửi tiền về giúp các trại tỵ nạn ở Đông Nam Á rất nhiều lần, mỗi khi tụi mình tổ chức lạc quyên giúp thuyền nhân, vào thập niên 1980-1990; họ cũng giúp đỡ những bạn bè người Việt của tụi mình định cư bên Ý hoài). Họ thương cả những người nghèo khó vô gia cư trong và ngoài nước Ý nữa.
Trong những bữa cơm trưa hàng ngày, nhà của Ba Má Nino lúc nào cũng có khách dùng cơm chung, mà đa số là những vị khách nghèo tả tơi như thân phận thuyền nhân chúng mình thời đó, bị ông bà níu lại dùng cơm cho bằng được.
Có một dạo mình phải làm việc ở Milano (Milan) mấy năm. Xa nhà, nên ban đêm nhiều khi lạnh quá, họ bắt mình ngủ lại nhà Má Nino, thấy hai chị em bà Nino hàng tuần mua thịt thà về nấu thức ăn sẵn, ngon thật ngon, để trưa mai đem tới câu lạc bộ phân phát cho người nghèo khó ăn, mình cảm động và kính phục họ ghê nơi. Họ không để cho 3 người giúp việc nấu đâu nha Vân, họ đích thân nấu nướng và gói ghém trịnh trọng, như sợ Thiên Chúa từ trên cao kiểm soát từng cử chỉ của họ vậy.
Má Nino là con gái lớn của Ngoại và là người đã cùng chồng con, trực tiếp bảo trợ tụi mình từ trại tỵ nạn. Hình bìa của cuốn sách Lục Bát đấu Tranh là hình của Ba Nino, mà mình đã bày tỏ lòng kính phục.
Ba Nino Luigi mất rồi! Ông là người mà nhà văn Nguyễn thị Vinh đã vinh danh bằng 4 câu thơ cảm động năm 2000:
“Cảm ơn Người đã vì Người Con tim thấu hiểu bao đời khổ đau Dù màu da có khác nhau Vẫn vui chung góp, vẫn sầu xẻ chia”
Villoresi thuộc dòng dõi quý tộc của Ý ngày xưa (nghe đâu là công tước hay bá tước chi đó?), dù thuộc thành phần trí thức và thượng lưu của xã hội Ý nhưng họ lại chịu khó chia cơm, xẻ áo với người nghèo
Những ngày mình mới sang tỵ nạn tại Ý Đại Lợi thì Ngoại còn trẻ hơn con gái của bà bây giờ 10 tuổi, con gái bà chính là Má Nino trong hình này, năm nay cũng đã 86 ruổi rồi.
30 năm trôi qua với biết bao nhiêu là thay đổi, mỗi lần có dịp thăm lại Ngoại là mỗi lần hai vợ chồng giật mình vì Ngoại còn minh mẫn hơn… mình nữa. Lần nào Ngoại cũng mắng yêu:
- Ma guarda un po! Sembra di essere cosi felice lei! Ma …sempre!!! (Con nhỏ này lúc nào cũng vui vẻ! Luôn luôn)
&&&
Tháng 7-2007, từ Canada trở về, trong cái nóng hừng hực của mùa hè Ý, mình đẩy hành lý ra khỏi cổng, còn đang ngơ ngác tìm bóng dáng thân yêu của Má Nino thì đã thấy dáng lom khom 102 tuổi của Ngoại đứng chờ sẵn sàng nơi góc phi trường, mình ứa nước mắt xúc động, ôm Ngoại mà 2 tay mình run lẫy bẫy trong khi Ngoại vẫn đứng yên với nụ cười trông rất khỏe mạnh, vừa vuốt tóc, lau nước mắt cho mình, bà vừa dịu dàng:
- Avete visto che Vi ho portato una sopresa? (Thấy bà dành cho tụi bây một sự ngạc nhiên chưa?)
Hình này chụp ở ngoài vườn của Ngoại, trước bữa ăn chiều trùng phùng, sau 7 năm rời Ý sang định cư ở Canada hôm ấy đó Vân.
Hồi năm 1980, mình đã từng ngồi ở phòng ngủ căn nhà này của Ngoại mà viết thư cho Vân đó, dĩ nhiên là trước khi mình mất liên lạc nhau 30 năm trời ròng rã.
Nhìn thoáng qua hình, Vân đã biết ngay ai là bà Ngoại mà mình đang kể rồi phải không? Vâng! Bà là Villoresi đó. Hình này là tấm cuối cùng mình được đứng bên Ngoại.
Hôm chia tay, giữa đám con, cháu, chắt ruột thịt từ Milano và Hòa Lan quây quần lại thăm tụi mình, trong căn nhà ồn ào bao nhiêu là âm thanh vui nhộn thì Ngoại lại ngồi buồn hiu một góc bàn, có lẽ linh tính cho Ngoại biết sẽ không còn có dịp gặp lại tụi mình nữa chăng? Tụi mình chào Ngoại ra về, mặt Ngoại buồn hiu làm chân mình bước đi không nỗi luôn…
Mà không thật đó Vân!
Sáng nay mình vừa được Má Nino báo tin từ Ý, lúc 5g30 sáng, rằng hôm 17-11-2010 bà Ngoại thứ 2 của mình đã đi ngủ và… không thức dậy với đời nữa. Ngoại thọ 105 tuổi, không mang chứng bệnh nào nặng cả nhờ tập yoga đều đặn.
Thế là từ nay mình thật sự không còn ai để gọi “Nonna! Nonna!” (Ngoại ơi! Ngoại à!) nữa rồi!!!
&&&
Kể chuyện này cho Vân nghe, như một lời tâm sự, như một ngọn nến thắp cám ơn Ngoại đã săn sóc mình những lúc bệnh hoạn, buồn bã bên Ý; và như một đóa hồng vàng, ghi lại lòng tri ân chung của những người VN đã được Ngoại giúp đỡ.
Ngoại là người đã dành cho những đứa cháu Việt Nam bơ vơ, lạc lõng một vòng tay thật ấm áp trong 20 năm qua.
Ngoại đi ngủ, rồi không thèm thức nữa Tuổi “bách niên giai lão” hưởng đủ rồi Ngoại rời xa những bụi bặm cuộc đời Chỉ mây khói! Ngoại chẳng thèm tiếc nuối!
Buồn quá Vân ơi!
Tháng này mình đã có 2 cái tang từ VN, bên họ Nội, và hôm nay thêm một cái tang của Ngoại, một người ngoại quốc, một Ân Nhân, tuy không họ hàng, nhưng đã thương yêu và an ủi những người VN như tụi mình rất nhiều trong 20 năm tạm cư nơi đất Ý.
Ngoại tuy là người châu Âu xa lạ, nhưng vẫn thương người mình hơn bọn VC đồng chủng ác đức xứ mình, phải không Vân?
Ý Nga, 24-11-2010.
|