Cõi đời

 

Uyên Sồ

 

 

Chiếc xe ôm dừng lại trước một ngôi nhà to lớn. Cánh cổng sắt nặng nề đóng im ỉm. Bức tường cao hơn hai mét bên trên lởm chởm những mảnh chai, lại còn thêm mấy vòng dây kẽm gai nữa. Gã chạy xe ôm bảo lão:

- Nhà ông viện trưởng đó, chú. Ở vùng này ai mà không biết tiếng ông viện trưởng.

 

Lão trả tiền. Thấy lão cứ lóng ngóng ra vẻ như không biết  cách gọi cổng, anh xe ôm liền chỉ cho lão:

- Chú bấm vào cái chuông này này thì người ta sẽ ra mở cổng cho chú. Chứ chú chỉ đứng kêu thì không ai nghe thấy đâu.

 

Lão cám ơn anh ta.

- Không có chi.

 

Nói xong, anh ta rồ ga chạy đi cái vèo. Lão kiễng chân để bấm chuông. Bên trong vọng ra tiếng sủa của một bầy chó. Tiếng sủa nghe rất hung dữ. Lão giật mình lo sợ. Nếu cánh cổng mở ra thì rất có thể lão sẽ bị lũ chó này xé xác. Có tiếng người quát mắng. Lũ chó vẫn không ngớt sủa. Rồi có tiếng chân người đi ra. Từ một cái ô nhỏ nơi góc cổng sắt xuất hiện  một cặp mắt đen láy cùng với câu hỏi:

-  Chú tìm ai?

- Cô ơi! Đây có phải là nhà của ông viện trưởng X không?

- Dạ, phải. Mà chú muốn gặp ai? Giờ này ông bà viện trưởng đi làm hết rồi.

- Cô mở cổng cho tôi vào đi!

- Chú là ai? Con không thể mở cổng khi ông bà không có nhà.

- Tôi là ba của nó.

- Ba của ông viện trưởng?

- Phải. 

 

Im lặng một lúc. Cặp mắt nhìn lão soi mói. Cuối cùng, người phụ nữ trả lời:

- Chú chịu khó chờ đến chiều vậy.

 

Vuông cửa nhỏ đóng lại. Người phụ nữ đi vào. Lão băn khoăn, nhìn quanh quất. Nơi đây toàn là những ngôi nhà to lớn như thế này, chẳng có lấy một quán nước hay một hàng cơm nào cả. Biết làm sao bây giờ? Chắc là phải đi bộ ra ngoài đường lớn thôi. Lão sẽ tìm một cái quán nào đó ngồi nghỉ đỡ để chờ gặp đứa con trai lớn. Đã lâu lắm rồi cha con không gặp nhau. Lão vừa quay gót thì một chiếc xe hơi bóng loáng từ ngoài chạy tới và dừng lại trước cổng ngôi biệt thự. Chiếc xe chạy thật êm. Tài xế nhanh nhẹn xuống và chạy ra phía sau mở cửa xe. Từ trong xe, một đứa trẻ nhảy xuống. Nó chừng sáu tuổi. Lão nhận ra ngay đây là đứa cháu đích tôn của lão. Thằng bé giống cha nó như đúc. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh mà. Lão nhủ thầm với niềm kiêu hãnh. Anh tài xế bấm chuông. Thằng bé nhìn lão. Một thoáng thật nhanh, nó chạy lại phía lão, miệng reo to:

- A! Ông nội! Ông nội!

 

Rồi nó chạy ào tới, ôm chầm lấy lão. Lão sung sướng đến chảy nước mắt. Lão bế nó vào lòng. Ôm nó thật chặt như thể sợ nó biến mất. Tay lão run run sờ nắn người nó. Lão run run:

- Cháu ngoan của nội. Nội nhớ con quá. Con có nhớ nội không?

- Dạ, có. Con nhớ nội lắm.

 

Anh tài xế mở to mắt nhìn cảnh này. Trong ánh mắt ấy có chút gì đó thắc mắc, nghi ngại. Cánh cổng mở rông. Chiếc xe chạy êm ru vào trong cái sân rông rãi. Lão đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Lão không thể tưởng tượng được ngôi nhà của con lão lại to lớn cỡ này. Khuôn viên của khu đất  rộng có cả đến trên mấy ngàn  mét vuông. Lũ chó vẫn tiếp tục sủa và sủa dữ dội hơn khi nhìn thấy lão đi cùng đứa trẻ vào bên trong cổng. Chúng lồng lộn lên. Nếu không bị xích, chắc chúng đã nhảy bổ vào lão mà xé xác lão ra. Nhìn những chiếc răng nanh nhọn hoắt của chúng, lão thấy ớn lạnh tới xương sống. Bỗng lão kêu lên:

-  Thôi chết, ông nội quên.

-  Ông nội quên gì vậy?

- Quà của ba má con và của con.

- Quà gì vậy, nội?

- Mấy con gà nội nuôi và ít trái cây ngoại trồng.

- Ồ! Tưởng gì chứ, mấy thứ này ở nhà con thiếu gì?

 

Lão nghe tưng tức trong lòng, nhưng không tỏ phản ứng. Lão khệ nệ vác  mấy bao quà vào nhà cùng với cái lồng nhốt vài con gà. Lão nhờ chị người làm đem vào bếp dùm.

 

Thằng cháu dẫn lão vào nhà. Lão choáng ngợp trước gian phòng khang trang bày biện toàn những thứ quý giá- những thứ mà lão từ hồi cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa bao giờ được đến gần mà chạm tay vào. Lão không ngờ con trai lão giàu có đến như vậy. Lão tự nhủ. Có học có khác. Nhờ cái bằng tiến sĩ mà cuộc đời nó mới được như ngày nay. Lão cảm thấy hài lòng vì vợ chồng lão đã đầu tư đúng hướng cho con cái. Lão có ba thằng con trai. Người đời hay nói “tam nam bất phú.” Gia đình lão trước đây không giàu có gì, chỉ đủ ăn ngày ba bữa. Thế nhưng, vì hiểu được giá trị của việc học, nên vợ chồng lão quyết chí nuôi cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thằng con lớn của lão mới có mười bốn tuổi, thằng thứ hai mười  hai và thằng út lên chín. Những năm đầu sau giải phóng, cuộc sống vô cùng gian nan vất vả. Ăn độn khoai mì, khoai lang, bo bo. Một hạt cơm cõng cả nắm khoai, nắm bo bo là thường. Nhà nào cũng như nhà nấy. Mặt mày ai ai cũng xanh mét như tàu lá. Tụi nhỏ một buổi đi học, một buổi phụ vợ chồng lão kiếm sống. Ấy thế mà chúng rất ham học. Dần dần, chúng đều thi đậu vào các trường đại học trên thành phố. Rồi chúng ra trường. Chúng lại học tiếp qua các lớp chuyên tu, tại chức để có được những bằng cấp sau đại học. Thằng lớn và thằng thứ hai có bằng tiến sĩ, thằng út có bằng thạc sĩ. Tất cả bọn chúng đều là những cán bộ cao cấp của nhà nước. Họ hàng cùng bà con lối xóm tất thảy đều tấm tắc khen ngợi gia đình lão. Nhờ có địa vị cao nên các con lão đều nhà cao cửa rộng. Như thằng con lớn này. Nó làm tới chức Viện Trưởng cơ mà.

 

Tâm hồn lão đang bay bổng trên chín tầng mây trước cảnh giàu sang tột bậc của con thì đứa cháu đích tôn kéo lão về với thực tại:

- Nội ơi! Nội có điên không?

 

Lão sửng sốt trước câu hỏi của thằng cháu:

- Tại sao con lại hỏi nội như thế?

- Con nghe chú Út nói chuyện với ba má và chú Ba.

 

Bữa tiệc kéo dài cũng khá lâu. Hôm nay là sinh nhật của cu Tý- con trai ông Viện trưởng. Thằng nhỏ nhận được cả một núi quà. Hình như nhân viên của viện không ai vắng mặt cả. Đi làm thì có thể vắng, nhưng những buổi tiệc như thế này thì hầu như ai cũng cho rằng đó là vinh dự và là bổn phận thiêng liêng không thể bỏ qua được. Ai nấy đều  ăn uống hết mình. Bia khui liên tục. Những chiếc lon rỗng nằm lăn lóc trên sàn nhà. Những tiếng hô:  “Dô! Dô! Dô!” không ngớt vang lên kèm theo những tràng cười sảng khoái. Mấy bà cũng chẳng kém cạnh gì. Cũng “dô…dô...dô..,” cũng cụng ly như những đấng mày râu. Người nào người nấy mặt đỏ như gấc chín. Những câu chuyện đều xoay quanh những mánh khóe kiếm tiền. Ai cũng tự phụ ta đây là kẻ cao tay ấn, biết đến đúng chỗ, biết vào đúng nơi, biết gặp đúng người. Vì thế, đường công danh của họ lên như diều gặp gió. Và tất nhiên, của cải của họ cũng cứ mỗi ngày một tăng lên theo cấp số nhân. Có tiền có  bạc dư thừa thì tất nhiên phải biết “sành điệu.” Và thế là lại thi nhau khoe khoang những kiểu “sành điệu” của mình. Kẻ tám lạng, người mười cân; chẳng ai chịu nhường ai. Và thế là họ thưởng nhau  những lon bia, thưởng qua thưởng lại. Điệp khúc “dô…dô…dô” khiến cho buổi tiệc sinh nhật của thằng nhỏ vui không thể tả được. Sinh nhật của trẻ con, nhưng người lớn lại hớn hở mừng vui hơn con trẻ.

 

Cuộc vui nào cũng phải có lúc tàn. Khi khách khứa đã về hết, mấy anh em tiếp tục” chiến đấu.“ Họ cố gắng uống cho kỳ cùng những thùng bia mà khách mang đến để góp phần mừng sinh nhật cu Tý- ngoài những gói quà thật chất lượng được gói ghém công phu và đẹp mắt dành tặng cậu quý tử của ông Viện trưởng. Anh Hai-tức ông Viện trưởng nốc cạn lon bia rồi bóp dẹp nó trong lòng bàn tay, vứt mạnh nó vào một xó nhà, mắt nhìn chú Út, hỏi:

- Ông già độ này ra sao, Út?

 

Út chưa kịp trả lời thì vợ đã lên tiếng:

- Hết thuốc chữa rồi mấy anh mấy chị ơi!

- Hết thuốc chữa là sao? Nói cụ thể xem!

 

Út đưa mắt nhìn vợ. Cô vợ dẩu mồm lên:

-  Thì mình phải nói rõ ra để anh mấy chị  hiểu cho nỗi khổ của vợ chồng mình chứ.

 

Rồi cô ta lấy tay chậm chậm vào mắt. Nước mắt cô ta chảy ra hồi nào chẳng ai biết. Hai người đàn bà kia nháy mắt với nhau và che miệng cười. Im lặng. Anh Hai cầm lon bia lên tu một hớp mạnh. Anh Ba lẩm bẩm điều gì đó trong miệng. Chú Út rút thuốc ra hút. Khói thuốc làm mấy bà ho sặc sụa. Bầu không khí nặng nề bị phá vỡ khi chị Hai lên tiếng giục thím Út:

- Có gì khổ sở thì nói ra hết đi cho nhẹ nhõm tấm lòng.

 

Cứ theo lời kể của chị ta thì quả là lão hết thuốc chữa thật. Này nhé! Lão cứ bỏ nha đi lang thang ngoài đường ngoài xá suốt ngày. Lúc ở nhà thì lão cứ lẩm bẩm nói một mình như người bị tâm thần vậy. Có một lần, khi đi làm về, chị ta bắt gặp lão nằm ngủ ngon lành dười một gốc cây nhiều  bóng mát. Chị ta còn kể nhiều “tội”của lão nữa.  Mà cái “tội“ nào cũng đáng bị nguyền rủa cả. Cuối cùng chị ta kết luận:

- Theo em, có lẽ ổng điên.

- Điên?

 

Mấy người kia bỗng dưng như bị một bàn tay vô hình nắm tóc kéo mạnh khiến họ muốn dựng đứng người lên. Và không ai bảo ai, tất cả đều thốt lên một tiếng.

 

Nếu vậy thì mất mặt anh em tụi mình quá. Tụi mình đều là cán bộ lãnh đạo mà ổng lại như vậy thì không thể nào chấp nhận được. Lỡ có nhân viên cấp dưới nào của mình thấy những hình ảnh ấy thì mình biết ăn làm sao nói làm sao với họ đây.

 

Anh Hai bực bội nói sẵng giọng.

- Phải đó. Phải đó.

 

Những tiếng biểu đồng tình vang lên cùng một lượt. Thím Út nhìn khắp lượt với vẻ mặt đắc thắng, hả hê.

- Bây giờ mình phải tính sao?

 

Chú Ba lên tiếng. Lại im lặng…Những cặp mắt nhíu lại. Họ đang tìm kế sách hay họ đang tránh né trả lời câu hỏi? Ai sẽ trả lời trước đây? Thím Út phá tan sự im lặng:

- Chưa hết đâu.

- Cái gì nữa? Cái gì nữa?

 

Mọi người nhao nhao lên. Với giọng úp úp mở mở, thím Út nói:

- Chuyện này khó nói quá hà.

- Gì mà khó nói?

- Thôi, hay ta bỏ qua chuyện đó đi.

- Đâu có được. Em phải nói ra cho hết để còn tìm biện pháp chứ.

 

Hai bà chị bạn dâu với thím Út giục giã.

-  Nhưng…nhưng…em thấy kỳ kỳ sao ấy.

-  Kỳ là kỳ thế nào? Nói rõ ra đi! Toàn là người trong nhà cả, việc chi phải ngại.

 

Ra bộ đắn đo một lát, thím Út mới thủng thẳng:

- Thực ra thì em cũng chẳng muốn nói ra đâu; thế nhưng, em nghĩ ngĩ kỹ rồi, nên hôm nay mới dám …

- Ỡm ờ mãi! Nói ngay đi!

- Lúc này em thấy ổng kỳ kỳ thế nào ấy. Ổng cứ nhìn em lom lom, cặp mắt trông thấy mà phát sợ. Đôi lúc em nghĩ dại: ngộ nhỡ ổng… thì em chắc chết mất.

 

Một bầu không khí nghẹt thở vây bủa họ. Chú Út cọ quậy, mắt nhìn đâu đâu

- Hay tại em ăn mặc…

 

Chị Hai bỏ lửng câu nói. Mặt thím Út đỏ bừng, vội vàng chống chế.

- Thì em cũng ăn mặc bình thường thôi mà, như hôm nay nè.

 

Cái ‘như hôm nay’ của thím Út là cái jupe ngắn quá gối, cái áo khoét cổ trễ khá sâu. Hai bà chị đồng thanh:

- Hèn chi!

 

Anh Hai đập bàn:

- Thôi, không nói nữa.

 

Chú Út đứng lên, mặt tím lại:

- Đi về! Để đó tôi tính cho!

 

Đến lúc này thì buổi tiệc mới thật sự chấm dứt. Mỗi người ra về với những suy nghĩ riêng nặng nề.

 

Lão nhìn đứa cháu bằng cặp u sầu và ngân ngấn lệ. Im lặng một lúc lâu, lão hỏi cháu:

- Thế cháu có nghĩ là ông bị đi điên không?

- Dạ, không. Ông có điên gì đâu.

 

Lão cười như mếu:

- Cám ơn con. Ông yêu con lắm. Con có muốn nghe truyện cổ tích không?

 

Thằng bé nhảy cẫng lên:

- Dạ, có Ông kể cho con nghe đi!

- Ừ, ông kể nhé!

 

Thằng bé nép người vào ông nội. Mắt lão lim dim:

- Ngày xửa ngày xưa…

 

Bỗng ở cửa xuất hiện một bóng người. Và một tiếng quát vang lên:

- Cu Tý!

Cả hai ông cháu giật bắn người. Thằng bé nhìn ra cửa. Nó reo lên:

- A! Má về! Má về! Ông nội tới nhà mình chơi nè Má! Ông nội kể truyện cổ tích cho con nghe đó.

 

Người phụ nữ ấy chính là vợ ông viện trưởng, nghĩa là bà ta là con dâu cả của lão. Mặt bà ta đanh lại. Tiếng nói của bà ta như có gang có thép:

- Ra đây với má! Ra ngay!

- Không, con muốn nghe ông nội kể chuyện kia.

 

Tiếng quát mạnh hơn và quyết liệt hơn:

- Không được! Má bảo con ra với má!

 

Thằng bé líu ríu bước ra phía má nó, mắt vẫn hướng về phía ông nội với vẻ tiếc nuối. Khi nó đi đến nơi, má nó đánh vào mông nó mấy cái. Nó sửng cồ lên:

- Sao má đánh con? Con có làm gì sai đâu?

- Má đã dặn con như thế nào?

- Nhưng ông nội đâu có điên.

 

Má nó lộ rõ vẻ luống cuống. Nhưng bà ta vẫn cương quyết;

- Con cái không được phép cãi cha mẹ.

 

Thằng bé cúi gầm mặt xuống. Lúc ấy, lão mới từ từ lên tiếng:

- Nó không có lỗi gì hết. Người có lỗi là ba. Ba xin lỗi con. Ba biết ba đến đây là không đúng. Nhưng vì ba nhớ cháu nội của ba quá nên ba đã…

 

Nước mắt lão ứa ra, lăn dài trên cặp má nhăn nheo. Thằng bé nhìn ông nội, mắt nó đỏ hoe. Người phụ nữ mặt vẫn lạnh như tiền. Giọng đanh thép, bà ta bảo lão:

- Mời ông ra khỏi nhà tôi ngay. Tôi không muốn con tôi bị lây cái bệnh nguy hiểm của ông.

 

Lão ra sức năn nỉ con dâu:

- Ba xin con. Con cho phép ba lâu lâu lại được đến thăm cháu nội của ba một lần.

- Đã nói là không được mà.

- Trời ơi là trời! Chẳng có đứa nào cho tôi được ẵm bồng cháu của tôi hết. Thằng Hai, thằng Ba, thằng Út. Chúng nó về hùa với nhau để tước đoạt quyền làm ông của tui nè trời.

 

Lão khóc hu hu như một đứa trẻ. Rồi lão lủi thủi đi ra. Cánh cổng đóng lại tàn nhẫn. Lão vẫn nước mắt ngắn dài. Thế này thì sống để làm gì nữa? Tình máu mủ ruôt thịt đã đứt đoạn chia lìa! Một chiếc xe tải đang bon bon chạy lại. Lão lấy tất cả sức bình sinh lao đầu vào…

 

Lão giật mình tỉnh dậy và thấy mình đang nằm dưới sàn nhà. Thì ra lão mơ. Toàn thân ê ẩm Trên má lão vẫn còn ươn ướt. Lão lần mò lên tấm phản cũ. Cổ  chân lão nhói đau. Lão chợt nhớ ra mình đang bị xiềng. Lão đang nằm trong nhà kho, nơi chứa những thứ đồ phế thải. Lão bị vứt vào đây như một  đồ phế thải. Lão nằm chung với bàn ghế gãy chân, những cái thùng các-tông rách nát... đủ thứ hầm bà lằng. Lão nằm chung với chuột, gián, nhện…

 

Trong thứ ánh sáng nhờ nhờ của ngọn đèn tròn cũ, trông lão như một cái xác ướp thời cổ đại bên Ai Cập. Lão ở đây đã gần hai năm rồi. Hai năm bị giam cầm tù hãm nhục nhằn trên  chính mảnh đất mồ hôi nước mắt của vợ chồng lão. Cuộc đời này quả là bi hài. Trong hai năm qua, lão luôn luôn tự vấn: Phải chăng kiếp trước lão đã gây ra cái nghiệp như thế nào để đến bây giờ lão phải trả như vậy? Cái kiếp nạn này bao giờ mới hết?

 

Bây giờ là mấy giờ rồi nhỉ? Kể cũng lạ. Ở vào hoàn cảnh như lão  thì thời gian nào có ích chi. Ngày hay đêm. Sáng hay tối. Tất cả cũng như nhau thôi. Ấy vậy mà  thỉnh thoảng lão vẫn cứ lẩm cẩm hỏi bây giờ là mấy giờ rồi? Hỏi rồi lại tự trả lời: chắc sáng rồi; chắc trưa rồi; chắc chiều rồi…Cánh cửa nhân sinh đã đóng lại từ lúc thằng Út vác lão xuống vứt vào cái xó xỉnh này và lấy xích xích chân lão lại để: “Từ nay ông hết có cơ hội gây rối, gây phiền phức cho chúng tôi. Hãy ở yên đây chờ ngày đi gặp bả nhé!”. Câu nói cuối cùng của nó lúc nào cũng văng vẳng bên tai lão cùng với vẻ mặt hầm hầm tức giận của nó. Hôm đó…

 

Sáng sáng, lão đứng ở cửa phòng nhìn đứa cháu gái- con thằng Út- tung tăng theo ba má đi học. Lão muốn được đưa nó đi học lắm, nhưng vợ chồng nó không cho lão đụng vào con chúng. Không biết chúng nó nói với con bé như thế nào mà con bé tỏ ra rất sợ lão. Mỗi lần lão đến gần nó là nó tim cách lẩn trốn; đôi khi còn thét lên khiến cho ba má nó phải lên tiếng quát nạt lão. Vì thương con  thương cháu, nên lão nhịn nín cho qua, không bắt bẻ gì. Sáng nay, lão không chịu đựng được nỗi thèm khát được tỏ lòng thương yêu cháu nội, nên đã lại gần con bé. Lão đưa tay ra để vuốt tóc cháu thì con bé la toáng lên và ù chạy. Chẳng may, nó vấp té. Thế là má nó bù la bù loa lên là lão xô con bé. Thằng chồng nó ở trong nhà, chẳng biết ất giáp gì cũng về hùa với vợ la hét lão. Tức giận quá, lão mắng té tát vào mặt tụi nó:

- Tụi bay là con tao hay là cha mẹ tao? Tao thương cháu nội tao mà chúng mày cũng không cho ư? Đồ con bất hiếu.

- Tôi không cho ông đụng vào con tôi đó. Ông làm gì tôi?

- Tao thì đập vỡ mặt mày chứ làm gì à?

 

Nó sấn sổ lại bên lão, giọng hùng hổ:

- Mặt tôi đây. Ông có giỏi thì đập xem.

 

Thấy tình hình căng thẳng quá, vợ nó chạy lại kéo tay nó và giục:

- Thôi, trễ giờ học của con rồi đó. Đi đi anh!

 

Thằng chồng nó vùng vằng bỏ đi ra cổng sau khi buông lời đe dọa:

- Tối nay ông sẽ biết tay tôi.

 

Sau khi vợ chồng con cái nó đi khỏi, lão cảm thấy một nỗi buồn vô tận xâm chiếm cõi lòng. Không phải chỉ hôm nay lão mới thấy buồn. Lão buồn triền miên từ khi vợ lão bỏ lão trơ trọi trên trần gian này để chứng kiến hằng ngày những bộ mặt vô ơn bạc nghĩa của lũ con ruột thịt. Chúng làm như chúng từ lỗ nẻ chui lên vậy. Để trốn chạy nỗi buồn thấm tới tận cùng xương da, lão chỉ còn biết lấy đường xá, quán chợ, bạn già làm nguồn ủi an. Thế nhưng, những nơi chốn ấy, những người bạn ấy cũng chỉ là mấy cái phao cứu sinh trong nhất thời thôi. Tới đâu lão cũng bắt gặp những ánh mắt thương hại. Những ánh mắt ấy lại càng xoáy sâu vết thương nơi đáy hồn lão. Lão càng chạy trốn nó thì nó lại càng tấn công lão. Đã có những lúc lão nghĩ tới giải pháp cuối cùng là cái chết để giải thoát. Tuy nhiên, lão chưa đủ can đảm để thực hiện. Lão cũng chẳng hiểu tại sao.

 

Thế là lão lại đi tìm quên buồn tủi theo thường lệ. Bước chân lão cứ lê đi trên những nẻo vô định. Lão không để ý đến thời gian. Khi nào bụng lão  đòi ăn thì lão tấp váo một xe bánh mì nào đó hay mua một gói xôi rồi ngồi bên vệ đường, dưới một tàng cây hoặc một mái hiên nhà nhai trệu trạo cho qua cơn đói. Lão có thể nằm ngủ ở bất kỳ chỗ nào. Nói là ngủ chứ nào có ngủ nghê gì. Đó chỉ là những giấc ngủ chập chờn đầy mộng mị- mà toàn là ác mộng thôi. Những thằng con lão luôn luôn là những hung thần của những cơn ác mộng ấy.

 

Khi lão về đến nhà thì trời đã tối. Lão vừa bước lên thềm để trở về phòng thì thằng Út lao vù xe vào trong sân. Nó dựng xe nghe cái “kịch.” Nó lảo đảo bước nhanh đến bên lão. Miệng nó thở ra toàn hơi men. Mặt nó bừng bừng. Lão nhìn nó và nhẹ nhàng bảo:

- Lại say sưa nữa rồi.

 

Nó lè nhè:

- Say thì đã sao? Ông muốn gì?

 

Biết nó say nên lão lẳng lặng đi về phòng. Đột nhiên nó quát lớn:

- Ông đứng lại đã. Bây giờ tôi sẽ giải quyết chuyện hồi sáng. Giải quyết triệt để.

 

Lão vẫn nhỏ nhẹ:

- Thôi, đi nghỉ đi, con!

 

Nó đứng không vững, nhưng vẫn cứ nằng nặc đòi lão phải đứng lại để nghe nó nói. Sự chịu đựng của lão đã tới giới hạn. Lão nói sẵng:

- Nói gì thì nói lẹ lên! Tao còn về phòng nghỉ. Mệt lắm rồi.

- Được. Tôi sẽ nói. Từ ngày mai trở đi, ông không được bước chân ra khỏi nhà nữa. Ông bêu xấu con cái như thế là quá đủ rồi. Ông biết các con ông là ai không? Là các cán bộ lãnh đạo đó, Ông cứ tối ngày lang thang ngoài đường ngoài xá thì còn ra thể thống gì nữa. Bởi vậy, từ ngày mai trở đi, ông sẽ không có mặt ở bên ngoài nữa nhé.

 

Đến lúc này thì lão không thể nhịn được nữa. Lão gầm lên:

- Đồ con mất dạy! Tao nuôi cho mày ăn học để bây giờ mày đối xử với cha mày như thế à? Mày có quyền gì cấm tao đi? Chúng mày có bao giờ thèm hỏi han gì đến tao đâu. Tao với vợ chồng con cái mày có khác chi người dưng nước lã. Mà còn tệ hơn người dưng nước lã  nữa kìa.

- Người dưng nước lã nào đối xử tốt với ông thì ông đến ở với họ đi! Ở đây làm gì cho thêm bực mình.

- Mày nói với cha mày như thế hả? Cút ra khỏi nhà tao ngay!

 

Nó cười mũi:

- Tôi nói cho ông biết nha: người phải ra khỏi căn nhà này là ông đó- Nó gầm lên- là ông đó!

 

Không kềm được cơn giận, lão tát cho nó một cái nên thân.

- À! Lão dám đánh tôi à? Tôi sẽ cho lão biết tay.

 

Nó hướng vào nhà trong quát lớn:

- Chị Tư đâu? Ra tôi biểu.

 

Chị người làm chạy ra, mặt mày xanh lét, run run giọng:

- Dạ, cậu Út muốn sai bảo gì ạ?

- Chị lấy chùm chia khóa mở cửa nhà kho ra cho tôi!

- Để làm gì ạ?

- Để làm gì là chuyện của tôi. Lấy ngay đi và mở nhà kho ra ngay lập tức.

- Dạ.

 

Nói xong, chị chạy ngay đi. Một lát sau, chị trở lại, thưa:

- Dạ, nhà kho mở rồi ạ.

- Được. Chị đưa chùm chìa khóa cho tôi.

 

Nó bỏ chìa khóa vào túi quần và tiến về phía lão:

- Kể từ giờ phút này trở đi, ông không có quyền ở trong căn phòng cũ nữa. Nơi ở của ông sẽ là nhà kho. Ông biết chưa?

 

Vừa dứt lời, nó sồng sồng sộc chạy đến bên lão, bế sốc lão lên vai và chạy xuống nhà kho. Lão vùng vẫy, giãy giụa, la hét. Nhưng sức già làm sao cự  lại với sức thanh niên. Đến nơi, nó gần như ném lão xuống nền xi-măng. Sau đó, nó lấy sợi dây xích đã chuẩn bị sẵn, xích chân lão lại. Nó trở ra, dóng cửa cái “rầm” và khóa lại  bằng một cái khóa to đùng. Trước khi đi khỏi nhà kho, nó nói vọng vào:

- Ông cứ nằm đây mà la mà hét. Ông có la hét đến ngày tận thế cũng chẳng có ma nào đến cứu ông đâu. Đừng có mà mong. Ở cái địa phương này không ai dám đụng đến cái thằng Út này đâu. Hãy nhớ kỹ đấy.

 

Lão la hét, chửi bới thằng con bất hiếu. Rồi lão ngồi khóc thảm thiết.

 

Thế rồi, lão thiếp đi lúc nào không hay.

 

Trong suốt cuộc ’hỗn chiến‘ giữa cha con lão, vợ nó nằm trong phòng máy lạnh trên lầu, thản nhiên coi TV.

 

  Khúc phim bi thảm ấy cứ chiếu đi chiếu lại mãi trong tâm trí lão. Lão chỉ còn biết khóc, biết than vãn mà thôi, cho dù chẳng ai đoái hoài đến số phận hẩm hiu của lão. Nhà lão chỉ cách Ủy Ban Nhân Phường chưa đầy năm trăm mét, vậy mà suốt gần hai năm qua người ta chẳng hay chẳng biết tí gì cả. Kể cũng lạ thật. Và lão thấy câu nói của thằng con trời đánh kia không ngoa chút nào: “Ông có la hét đến ngày tận thế cũng chẳng có ma nào đến cứu ông đâu. Đừng có mà mong. Ở cái địa phương này, không kẻ nào dám đụng vào một sợi lông chân của thằng Út này đâu.” Vậy là ông đã thực sự bị xóa tên trong sổ bộ đời rồi. Sao ông trời lại bất công với lão như thế nhỉ? Ông đã làm gì nên tội chứ? Lão hỏi để hỏi. Hỏi để cho qua ngày đoạn tháng. Hỏi để thấy rằng mình vẫn còn hiện diện trên cõi trần ai- cho dù không được thừa nhận.

 

Khi tiếng kêu cứu của kẻ sa cơ thất thế không được hồi đáp thì hố thẳm tuyệt vọng là nơi náu ẩn đương nhiên. Và từ đáy sâu hố thẳm tuyệt vọng, con người dễ nảy sinh lòng oán  hận tha nhân. Từ đáy sâu ấy nhìn lên, người ta chỉ nhìn thấy hình thù những con quái thú. Chúng đang nhai ngồm ngoàm, ngấu nghiến thịt xương đồng loại. Chúng dốc từng can máu người vào họng rồi hú lên những tràng hú man dại. Tiếng hú ấy vang vọng xuống vực thẳm và thôi miên kẻ khốn cùng để y trở nên ngu đần, khờ khạo như đứa trẻ bị thiểu năng trí tuệ.

 

Lão đang dần dần trở thành một đứa bé bị thiểu năng trí tuệ. Lão bắt đầu quên. Quên mình là ai. Quên mình từ đâu tới. Quên mình tên chi. Quên. Quên. Quên và quên. Biết đâu đó cũng là một thứ hạnh phúc mới của lão. Và rất có thể lão đã quên rằng mình đã từng là người, đã từng làm người như bao nhiêu con người khác.

 

Chúng ta thử đưa ra một cái kết cục về cuộc đời lão như thế này:

Một buổi sáng nọ, người làm công cho gia đình chú Út mở cửa nhà kho để đưa cơm cho lão thì thấy lão nằm bất động, co quắp như con tôm trên nền xi-măng lạnh lẽo. Miệng lão méo xệch như đã trải qua một sự kinh động ghê gớm lắm. Rồi lão được con cái làm đám ma thật linh đình. Trên tờ cáo phó gửi đến các bộ phận trong cơ quan và các giới chức địa phương, người ta đọc thấy chức vụ của những người con lão. Khách đến phúng điếu nườm nượp đến phát sốt. Nhà lão chứa chật ních những vòng hoa cườm đủ  loại, đủ mọi dáng vẻ. Quanh quan tài lão, lúc nào cũng có những đứa con túc trực để  lạy tạ khách đến phúng điếu người cha già đã một đời tận tụy vì con, vì cháu. Và lúc nào cũng có tiếng khóc lóc thảm thiết – thảm thiết đến độ khiến cho người đa cảm phải sụt sùi rơi lệ. (Đó là tiếng khóc của người chuyên khóc mướn được thu băng sẵn) Và, về đêm, khi khách viếng thăm đã vắng, mấy đứa con ngồi lại với nhau để chia tiền phúng điếu. Những nụ cười hoan hỉ khi bì thơ dầy. Những cái nhíu mày, tặc lưỡi khi bì thư mỏng. Kiểm điểm những vòng hoa rồi gật gù đắc ý.

 

Trong lúc ấy, ở một góc bếp, người ta nghe có tiếng nức nở. Một người phụ nữ đang gục đầu trên gối. Đôi vai chị rung lên theo từng tiếng nấc. Đó là chị làm công của gia đình chú Út. Đã gần hai năm qua- và trước đó nữa, lúc lão chưa bị ném vào nhà kho - chị là người duy nhất an ủi lão, săn sóc lão khi trái gió trở trời, giặt giũ quần áo cho lão, chăm lo cho lão bát cơm, ly nước. Với thân phận một kẻ tôi đòi, chị chỉ làm được có bấy nhiêu thôi. Chị coi lão như người cha ruột thịt của mình vậy.  Mồ côi cha từ tấm bé, nên chị  luôn khát khao có được một người cha để nương tựa về mặt tinh thần. Vì thế, khi nhìn thấy cảnh bất hạnh của lão, lòng chị vô cùng xót xa. Bây giờ lão đã đi theo người bạn đời của lão, chị buồn lắm, nhưng từ đáy lòng chị, chị vui mừng cho lão vì đã thoát được những đau khổ trần gian. Chị thầm cầu nguyện cho linh hồn lão sớm về cõi tiên cảnh. Và chị tin rằng, những người như lão chắc chắn sẽ được  đền bù xứng đáng ở thế giới bên kia.

 

Trên  một căn phòng ở lầu hai, người ta cũng nghe có tiếng la ú ớ của một đứa trẻ. Đó là thằng cháu đích tôn của lão. Nó vừa nằm mơ được ngồi trong lòng ông nội nghe chuyện cổ tích. Lão kể cho nó nghe câu chuyện của cô bé bán diêm ở  tận phương trời Tây xa tít. Nó thích nhất là cái chết  đẹp của cô bé. Cô chết đi với nụ cười nở  trên môi. Khi cô bé bay lên trời, nó đã nhảy lên để níu chân cô lại. Và  thế là nó tỉnh giấc. Tỉnh rồi, nó nằm nghe tiếng khóc thảm thiết từ cái máy ghi âm ở dưới nhà, nước mắt nó trào ra. Nó gọi trong tiếng nức nở: “Nội ơi!”

 

 

Uyên Sồ

 

 

Tin Tức - Bình Luận     Vinh Danh QLVNCH     Audio Files     Tham Khảo     Văn Học Nghệ Thuật     Trang Chính