Dòng nhạc với trái tim Việt

 

Trần Thị Lan Anh

 

 

Sự chiến thắng của đảng cộng sản Việt Nam trong ngày 30-4-1975 đưa đến cái chết của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và cái chết của nhạc được sáng tác trong 20 năm dưới chính quyền miền Nam.

 

Cái chết của nhạc miền Nam trong những năm tháng đầu sau ngày miền Nam bị thất thủ không phải vì nhạc không có giá trị nhân bản mà vì chính sách tiêu diệt văn hóa của cộng sản, họ cấm tất cả những văn hóa dính dáng đến chính quyền miền Nam.

 

Văn hóa có trái tim luôn luôn sống mãi và mấy chục năm sau, nhạc miền Nam được sống dậy với cái tên là Nhạc Vàng. Không hiểu tại sao từ Nhạc Vàng ra đời. Phải chăng vì nó liên quan đến cờ vàng ở miền Nam? Hay nó nói lên nhạc một thời vàng son ở đất nước tự do (có giới hạn) trong tình cảnh chiến tranh?

 

Dù nhạc vàng mang ý nghĩa nào thì một điều khẳng định, những nhạc sĩ sáng tác nhạc trong khoảng hơn 20 năm tự do đó -- thực sự sáng tác bằng trái tim, tự do sáng tác chứ không phải sáng tác để phục vụ chiến tranh, phục vụ tuyên truyền.

 

Bất cứ bản nhạc tuyên truyền hay phục vụ chiến tranh đều không có giá trị lâu bền cho nên sẽ bị quên lãng. Ngược lại bản nhạc nào mang tính nhân bản, tình tự dân tộc sẽ sống mãi theo thời gian.

 

Bản nhạc Xuân Này Con Không Về diễn tả tâm trạng người lính ngoài chiến trường không thể về trong dịp tết với mẹ bởi phải bảo vệ biên cương cùng với đồng bạn. Dù biết mẹ buồn, không ai sửa mái nhà cho mẹ, những đứa em mong gặp anh trong ngày xuân; nhưng nhu cầu bảo vệ đất nước trước sự xâm lăng của cộng sản Bắc Việt phải đặt ưu tiên. Tình cảm của người lính dành cho người mẹ, cho gia đình, cho đất nước, cho dân tộc tràn đầy. Nó diễn tả thực sự tâm trạng của một người lính trong mùa xuân của dịp tết thời chiến tranh lúc ấy.

 

Cũng với bản nhạc Xuân Này Con Không về được áp dụng của thế kỷ 21, không phải cho người lính mà cho những người tù, bị đi tù vì lên tiếng chống lại cái ác, cái giả dối, cái phi nhân của đảng cộng sản Việt Nam. Khác chăng là người tù lương tâm bị bắt buộc nằm trong tù với chủ trương của kẻ cầm quyền; nhưng tâm trạng của người tù lương tâm đều như tâm trạng của người lính Việt Nam Cộng Hòa trước cảnh đón xuân mà phải xa cách mẹ và gia đình.

 

Nhạc mang tình tự của dân tộc không bao giờ phai tàn với thời gian bởi nó được sáng tác trong một khung cảnh tự do thì tình tự dân tộc được tỏa ra trong lời nhạc, nốt nhạc, và sống mãi. Trái ngược lại với nhạc của cộng sản được sáng tác cùng một thời gian, có bao nhiêu người vẫn hát nhạc đỏ (phản văn hóa, phản dân tộc Việt)?

 

 

Trần Thị Lan Anh

Tháng 12 năm 2024 (Việt lịch 4903)

 

 

 

Tin Tức - Bình Luận     Vinh Danh QLVNCH     Audio Files     Tham Khảo     Văn Học Nghệ Thuật     Trang Chính