NGƯỜI HÀNG XÓM,

 

 

“Em hay chăng mùa Thu,

Lá thu rơi xào xạc,

Con nai vàng ngơ ngác,

Đạp trên lá vàng khô.”

 

Mùa Thu đến với sự đợi mong của muôn ngàn thi sĩ hoặc giả những người yêu thơ không tên tuổi đang vớ vẩn, lững thững vào vườn thơ hoặc những cặp tình nhân đang hẹn hò yêu đương. Riêng tôi, có lẽ chẳng mê Thu tí nào( có thể tôi là một gã hay ngớ ngẩn, một người cõi trên rất ư là dốt thơ…nên khi dại dột lạc lối vào trang Web, táy ma táy máy, mở đúng trang thơ của ông bạn thân- nhiều khi khâm phục ổng sát đất: vì chẳng biết ông bạn vàng ăn nhằm chất gì mà ngày nào đi làm về ngoài giờ cơm nước- chao ôi thơ tuôn trào lai láng, chỉnh qua chỉnh lại chút đỉnh đưa lên mạng cho bà con thưởng thức ngay. Có hôm tôi dại mồm ngớ ngẩn hỏi cách làm thơ, ổng phang luôn hơn hai tiếng vi vút trên điện thoại cuối cùng bài luyện làm thơ không hề vương đọng trong chất xám đặc sệt của tôi. Nỗi khổ còn lại là nàng Thu không chia sẻ tí nào rồi người vợ hiền dịu của tôi cằn nhằn vì tiền điện thoại nhảy vọt). Bạn cũng không nên hiểu lầm về sự yêu thơ của tôi- tôi cũng có thiện chí làm thơ hoặc mò mẫm, tập tò làm bộ yêu mùa thu…nhưng mỗi khi cầm bút thì bi sắc bí.

 

Thu đến rồi thu đi tôi không hân hoan hay bàng hoàng nuối tiếc gì, nhưng nỗi cực nhọc của tôi là mảnh vườn sau căn nhà thổ tả của tôi có một cây cổ thụ to tổ bố- xanh tươi, rượi mát vào hạ nhưng sang Thu hàng trăm ngàn cánh lá vàng rơi lã tã một cách vô tổ chức có nghĩa là chỗ nào cũng lá ơi là lá( muôn trùng). Chắc chắn lúc làm” người phu quét lá”, bạn có thể tưởng tựơng tôi đủ can đảm cất lên một lời thơ nào không? Quét mỏi cả tay, rã cả mồ hôi dầu, rụng rời thân xác vậy mà cả tháng sau lúc mà chớm vào đông vẫn còn tồn đọng lá đâu đó…lá rất vàng- còn cả đống.

 

Bởi vậy, dù có buồn chán mùa Thu- Thu vẫn hàng năm đến thăm tôi như một người tình rất chung thuỷ thì Thu cứ đến Thu nhé!

 

Tự nhiên tôi ao ước trở thành một hoạ sĩ thứ thiệt, vẽ cặn kẽ, từng nét đẹp kiều diễm của nàng thu: này nhé, chớ nên dùng màu tươi sáng vì trời vào thu ảm đạm, não nề- ngoài bầu trời u ám màu tang, gió thổi cơn mưa nhẹ đôi khi dầm dề suốt ngày. Ẩm ướt, lầy lội lắm- mưa ngập cả lối đi- mưa quên đường về…mưa thấy mà chán.

 

Cũng lại mùa thu năm đó, trước một chuyến đi thăm người bạn tại kinh đô ánh sáng” Paris”, đứa con gái của tôi không hiểu được ai xúi dại, nhõng nhẽo đòi Bố mua thưởng cho nó một con chó con cho phần kết quả cuối năm học. Ôi! người nhớn” cha mẹ mà”, lời hứa như đinh đóng cột. Hai cha con lục lọi trong tờ báo rao vặt chọn một giống chó nhỏ xíu loại Chihuahua thuộc giống Mễ-tây-cơ. Hai vợ chồng già người Anh nâng niu chú chó con chuyền sang tay con gái tôi như một báu vật, mỏng manh dễ vỡ. Nó mũm mĩm nhỏ chỉ bằng nắm tay được trao tay cho hai cha con tôi với một tờ giấy gia phả của chú chó- từ chó ông cố, chó ông nội, bà ngoại đến cha mẹ nó. Đấy người Anh lúc nào cũng thế, chó mà cũng có dòng có họ rất tôn ti trật tự. Người mình, cùng lắm, nếu có gì xảy ra bất ổn chỉ cần một củ giềng, một chút mẻ sẽ biến dạng đủ món từ dựa mận, sáo măng đến chả chìa v.v…

 

Mùa thu này tôi được an ủi một bạn tri kỷ- đó là chú chó nhỏ Chihuahua (nhiều bạn bè giễu khá vô duyên rằng: bây giờ tôi có bạn là…con chó- lắm khi đó cũng là một triết lý hay. Bạn biết ai là người bạn trung thành hơn giống chó? Vả lại, có bị la rầy, mắng mỏ nó cũng đâu dám buồn, dám giận chủ. Thương nhất là nó biết lắng nghe, thò lõ đôi mắt to nhìn đăm đăm và ngoắc nguẩy cái đuôi thay cho câu trả lời…nếu các mệnh phụ phu nhân ít lời, hoặc câm nín như vậy- đỡ biết mấy!!!

 

Người bạn nhỏ của tôi lúc về nhà trời bắt đầu sang đông. Bầu trời xám ngắt, lạnh buốt- các chú bồ câu run rúc trên các trần nhà, kêu rùng rục tiếng ấp ủ nhau cho bớt buốt giá của mùa đông. Chú chó con lớn dần theo năm tháng, lúc tròn một tuổi, vóc dáng nó rõ nét và nom rất bảnh trai. Nó quấn quít bên tôi cả ngày không biết chán. (mặc dù ai nhất là bà xã nhìn tôi chỉ muốn thở dài não nuột rằng: chán ông lắm rồi ông ơi!)

 

Ông bạn hàng xóm của tôi nuôi hai nàng chó loại Pekingeses, đốm đen trắng. Ông bà Tom Wallace( sau hơn 2 năm sống cạnh bên tôi mới được biết tên khi nhận được tấm thiệp Noel) rất cưng hai con chó- hình như mọi yêu thương của hai ông bà đều dồn vào hai con Pekingeses và con mèo tam thể. Ông Tom dáng người rắn chắc, khoẻ mạnh nhưng hơi nhỏ con nếu so với những người Anh thuộc cỡ trung bình.

 

Ông ta và đa số mọi người chỉ muốn hưởng ánh nắng, trăng thanh của một năm 365 ngày. Nắng ấm để tha hồ tắm nắng suốt ngày ở một vùng biển trong xanh nào đó.

 

Dòng họ nội ngoại ông gốc gác từ nông gia, những năm ông phụ giúp người cha trông nom cả một nông trại. Năm đó, nắng hạn- cây cối, ruộng vườn và kể cả con người ông khô rang khô róc. Bò, cừu, gà vịt lè lưỡi. Ông sợ chúng chết hết nên tức giận đi ra đi vào nguyền rủa thượng đế. Ông Giời hôm ấy cũng bực mình, phán một lời làm ông lên cơn đau tim” heart attack” phạt miệng ông méo hẳn một bên.Từ đó, ông đay nghiến với đời nhất là lúc vui chẳng ai biết ông nhoẻn miệng cười hay mếu khóc…Tôi đặt tên ông là TOM MÉO.

 

Ông bà Tom đôi khi tình tứ nắm tay nhau dắt hai con chó đi dạo trên con đường gồ ghề đá sỏi( về hướng XHCN- thiên đường mù Cộng sản…) còn tôi, thường bỏ chú chó con trong túi áo jacket đi ra phố dưới cơn mưa lất phất. Chú chó nằm ngoan ngoãn trong túi áo làm hông bên phải của tôi ấm hẳn lên. Lựa chọn mãi tôi quyết định gọi nó bằng “ Tommy” cho có vẻ tây tây một chút (lúc ấy thật sự tôi chẳng hề để ý và biết tên ông hàng xóm). Thường vào mỗi buổi sáng, Tommy theo chân tôi sát nút từ trên gác xuống nhà dưới, nó loay hoay giải quyết chuyện riêng tư một hồi rồi trở ra sân hoà tấu một bản với hai cô Pekingeses bên cạnh của ông Tom. Chó tôi rất nhỏ nhưng cái họng, miệng lưỡi không vừa või gì (có lẽ chủ nào tớ nấy) - nó sủa lấy sủa để, sủa cho át tiếng của địch thủ hay sủa để tán tỉnh không biết nhưng nhiều khi dai dẳng mãi không thôi, lắm khi tôi bảo mãi

 

không nghe bực mình phải quát lên:

-         Tommy, im miệng đi vào.

 

Nghe thấy, ông Tom lấp ló bên cửa, thò mặt ra:

- Hở! Giọng ông ngọng, tôi cứ ngỡ ông chào tôi” Hello”.

Một phút sau tôi nghe đóng cửa cái rầm, mới ngỡ ra ông tưởng tôi gọi ông chứ không phải gọi Tommy, chú chó nhỏ của tôi.

 

Bị dăm ba lần như vậy, ông cũng quen dần đi nhưng vẫn cứ lẫn lộn và đâm bực mình. Chẳng lẽ, tôi phải đổi tên chó hay đề nghị ông đổi tên? Ở một xứ phương tây, trật tự xã hội được phân loại: thứ nhất là mấy bà, thứ nhì là con nít, thứ ba là súc vật và hạng bét mới là đàn ông- nghe nói mà hết ham làm kiếp đờn ông.

 

Người tị nạn VN ở xứ người cũng khổ: luôn tỏ ra vẻ thân thiện theo đúng nghĩa của chữ” friendly”. Cứ chiều theo chữ nghĩa lắm khi cũng nhiêu khê vô cùng- chưa kể, thỉnh thoảng làm barbecue, chả giò, cơm chiên thập cẩm mời ông bà hàng xóm xơi thử món ăn truyền thống dân tộc hơn 4000 năm văn hiến, có cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng, bà Triệu( cũng có chút mùi nước mắm chấm thử nữa chứ…gan thật!).

 

Có một điều cũng vui vui vì nhiều khi ngẫu hứng chúng tôi hát karaoke loạn cào cào, nhạc đệm thình thịch ông bà hàng xóm không hề than phiền. Thoạt đầu, tôi cứ ngỡ ông bà khoái khuynh hướng Chế Linh, Thanh Tuyền hoặc giả họ mê mùi mẫn cải lương…VN, nhưng sau đó tôi khám phá ra rằng  cả hai ông bà đều bị điếc cá cặp. Giời ạ! Khổ thân tôi chưa?.

 

Bây giờ tuổi ông có lẽ về chiều nên đổi tính hay sao, mấy hôm trời nắng ráo lại mặc quần” tà lỏon” nằm phơi nắng khoe cặp gà giò lý tưởng. Có lẽ ông đã bị trời phạt méo miệng nên không dám than trách lôi thôi gì nữa. Tôi nghĩ, nếu tôi như ông- cứ tiếp tục nguyền rủa biết đâu chọc giận ông Giời ổng phán thêm một phát nữa, miệng méo giật ngược trở lại, không chừng hoá thẳng thớm, ngay ngắn như xưa???.

 

Tôi không hề biết hai ông bà hàng xóm “ thân thương của tôi” hạnh phúc ra sao, nhưng rất ít khi nghe sự to tiếng của hai người- chắc chắn cả hai người cùng điếc, cùng nói lấy ai mà nghe, chẳng nhẽ nhờ hai con Pekingeses nghe hộ?. Tôi còn quả quyết thêm được rằng, giọng ông Tom ngọng nghịu có nói cũng chẳng ai hiểu gì, nên muốn có hạnh phúc, người đàn ông khôn( và tỏ ra biết điều) là biết nghe và không nên nói. Thế thôi!. Ông Tom nói không rõ lại bị điếc quả là một người đàn ông tuyệt vời- nên làm bộ câm và điếc nếu muốn có hạnh phúc, phải không ông bạn?)

 

Thời tiết năm nay quái đản, thu thiếc gì không biết- mưa từng cơn, từng chập- gió thổi không ngừng, mây đen cuồn cuộn ngập trời. Đúng như mùa thu chết. Mùa thu đã…chết thật sự không phải hoài nghi gì nữa. Các bầy chim thường bay qua đây buổi sáng, đều trốn đâu biền biệt, không lời hứa hẹn trở lại. Tối đến, mưa gió lại thi nhau nổi lên, gieo những tiếng hú kinh rợn luồn vào những ống khói lò sưởi như tiếng rên hừ hừ oán trách của ai đó. Tôi dù có bận bịu mấy chăng đi nữa, thỉnh thoảng cũng ngong ngóng ở cửa sau nhưng không thấy ông bà hàng xóm ra tựa cửa hút thuốc( tôi rất khoái ông Tom lúc rít mạnh một hơi thuốc, ông nhắm nghiền đôi mắt, cái miệng meo méo và thở ra làn khói trắng từ hai lỗ mũi như hai ống khói xe lửa chạy bằng than đá hay chạy củi…đê mê lạ thường). Tiếp theo mấy đêm sau, gió thổi mạnh hơn, tôi bỗng nhớ nhà quay quắt và khó ngủ vô cùng:

“ Quê tôi nghèo lắm ai ơi!

Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn”.

 

Có nghĩa là miền trung, mùa Thu mưa bão tơi bời. Đó, bạn có thể thương đựợc mùa thu của quê tôi không?. Tôi không phải là thi sĩ nên không buồn giận gì về chuyện thu đến hay thu đi( mặc dù tôi cũng có vài người tình nho nhỏ tên rất kêu: Mộng Thu, Kiều Thu, Thuỵ Thu…). Những đêm mưa gió hãi hùng như thế, tôi thường ôm chặt Tommy vào lòng để tưởng mình như đang được sưởi ấm.

 

Tôi yêu thương Tommy như ông Tom thương yêu hai con Pekingeses. Tommy nhiều khi gầm gừ, nội quạu vì sự đùa giỡn hơi mạnh tay của tôi- đôi khi nó cũng giận tôi nhưng không thể giận dai được hơn 24 tiếng vì hôm sau lúc tôi trở giấc xuống nhà dưới, nó theo sát chân tôi như một thời khoá biểu được sắp sẵn.

 

Hôm nay như thường lệ của một buổi sáng mùa thu, sương mù dày đậm, gió thổi găn gắt lùa cơn mưa phân phất tạt vào cửa nghe xào xạt. Nghe tiếng gõ cửa thật sớm, tôi khoác khăn choàng và đưa tay kéo nhẹ chiếc cổ áo jacket dầy cộm, lầm bầm:

-                     Quái! Ai gõ cửa thăm hỏi sớm thế nhỉ?

Cửa vừa hé mở, tôi nhận ra khuôn mặt ông Tom hàng xóm ngay. Mặt ông đẫm ướt mưa, với chiếc miệng méo quen thuộc, hôm nay lại thấy ông thảm não vô ngần. Ông nghẹn ngào:

-                     Nghe tiếng động tôi biết ông đã thức giấc nên gõ cửa làm phiền ông đây… Tôi thành thật xin lỗi, rất xin lỗi vì một con chó của tôi bị ốm- nó rên hừ hừ và tru tréo suốt mấy đêm qua, chắc ông không ngủ được. À! Thì ra. Tôi nghe tiếng hừ hừ vang trong gió mưa và không thấy hai ông bà ra phía sau ngắm mây trời qua khói thuốc…Ông ngập ngừng như muốn rơi lệ, mếu máo rồi tiếp:

-                     Hôm qua tôi mang nó đi bệnh viện thú y tận Liverpool để giải phẫu nhưng…chắc nó không qua khỏi…Hích hích…Ông nấc nghẹn. Tôi cảm động cho ông Tom của một sáng sớm mùa thu, gió bấc, sương mù nên bóp mạnh vai ông và chia sẻ:

-                     Rất buồn khi nghe được tin. Tôi ngủ rất ngon, ông không phải bận lòng. Ông mếu máo:

-                     Ông là người hàng xóm tốt nhất của tôi. Ông lặng người, chầm chậm quay gót về nhà. Tôi chạy vào ôm chặt Tommy để nghe lòng mình như đang thổn thức…

 

Quả thật, ông bà hang xóm dù có thương chó đến đâu chăng nữa, vẫn phải xa nó vĩnh viễn vì tiếng rên la của nó làm hai ông bà tiều tuỵ, mất ngủ- nhất là mỗi lần đưa đi khám hoặc giải phẫu rất ư là tốn kém nên đã quyết định cho nó” vĩnh viễn ngủ yên”. Mùa Thu này ông Tom giã biệt con Pekingese- với tôi- Thu này cũng giống như những mùa thu khác lũ lượt ra đi không một nuối tiếc( hoạ hoằn chỉ để lại một đống lá vàng khổng lồ phải làm công việc của” người phu quét lá bên đường” mệt đến ngất người…).

 

Nhìn thấy các cành cây trụi lá cho tôi biết đã cuối thu và sắp sang đông. Những ngọn đèn đủ màu sắc được giăng đầy trên các cành cây thông chung quanh các toà thị sảnh và giăng đầy các khung cửa tiệm làm nhộn nhịp phố sá. Năm nào cũng thế, cứ theo thói tục của các người tị nạn VN thân thiện- nhà tôi và đứa con gái sum xoe gói quà dưới gốc cây thông giả (vì đâu giàu có, trưởng giả gì mà dùng cây Noel thiệt cho nó tốn…) Vợ tôi có trí nhớ rất xuất sắc vì chẳng năm nào cô nàng quên gói ghém một chai rượu nho, một hộp bánh qui và nhắc tôi đề tên ông bà Tom (mỗi lần như thế, tôi phải giở cuốn địa chỉ để mò tìm tên giòng họ của ông bà, vì trí nhớ tôi rất tồi).

 

Năm nào cũng thế và lần hồi trở thành thông lệ, nhưng ông bà Tom chưa bao giờ thấy hồi đáp quà cáp gọi là… chắc ông bà không biết gói quà, hoặc chóng quên, hoặc chỉ có hứng thú nhận quà…còn ngược lại, miễn bàn).

 

Tôi còn nhớ rành rành, sáng sớm 4 tháng chạp, cũng tiếng gõ cửa từng chặp( kiểu gõ đặc biệt của ông Tom) tôi đoán được ngay- hớp vội ngụm trà, tôi ra cửa nghênh tiếp ngay. Ông Tom áo mũ chỉnh tề, rất ư là”gentlement”, ông chải đầu láng boong brillantine dù chỉ lưa thưa vài nhánh tóc bạc, ông trịnh trọng dở mũ nghiêng mình:

-                     Chào ông Trần. Ông nở nụ cười rất tươi( hình như miệng ông bớt méo) cất giọng: bà xã tôi gói ghém quà và nhắc tôi sang biếu ông gọi là…( nếu không nhờ sự nhắc nhở của vợ, chắc ông đã quên tiệt. Thôi kệ, nhận chút quà cũng đỡ vã vào dịp GS), riêng phần tôi, tôi ráng nắn nót chiếc thiệp cho ông đây- ông biết, già rồi chữ nghĩa đâm nhảy múa, cong vẹo. Thông cảm nhé!.

Tôi cám ơn rối rít và tràn ngập sung sướng trong lòng vì lần đầu tiên nhận được quà GS của ông bà Tom sau những 8 năm ròng rã sống bên cạnh.

Đợi ông đội mũ, sửa lại chiếc áo veste ngay ngắn và chào ra về. Tôi ôm bao quà thật chặt lòng như nhận được gói xôi bắp lúc mẹ tôi lên thăm khi tôi còn trong nội trú trường Lasan. Tôi năn nắn bao quà bên ngoài cũng đoán biết đó chỉ là chai rượu và hộp bánh kiểu” bánh ít trao đi, bánh qui trao lại”- tôi để dành sáng sau cho con gái mở quà mừng GS. Tôi bóc ngay tấm thiệp mà ông Tom nắn nót- chỉ vỏn vẹn vài chữ không dính dáng gì đến Noel cả:

“ Thành thật xin lỗi quý ông bà vì con chó bệnh của chúng tôi đã làm phiền ông bà quá nhiều”Ký tên/ ông bà Wallace.( ông Tom cứ mãi thổn thức vì cảm thấy có lỗi với vợ chồng chúng tôi).

 

Suốt mùa đông năm ấy, tôi không nghe tiếng con cháu nhộn nhịp về chia vui với ông bà trong dịp GS như những năm trước- tôi cũng không thấy ông bà hàng xóm dắt con chó còn lại ra sau nhà phì phà khói thuốc.

 

Mùa Thu ảm đạm. Mùa đông băng giá. Tất cả qua đi thật lặng lẽ.

 

Tommy vơi bớt tiếng sủa khi ra sau vườn vì không nghe tiếng hồi âm của cô bạn hàng xóm- có lẽ bạn Tommy bị nhốt kỹ trong nhà kiểu kín cổng cao tường.

 

Sau khi cơm nước buổi tối xong, tôi nhâm nhi trà tàu Oloong, ôm Tommy vào lòng và thưởng thước trận cầu giữa Hoà Lan và Argentina- có tiếng gõ cửa rất khẽ phía trước mặc dù hôm nay trời lặng gió. Tôi rón rén bước ra và đoán rằng tiếng gõ của một người đàn bà. Đúng, người đàn bà gõ cửa dáng dấp thanh tao, mắt to, làn tóc đen nháy- bà là bạn của cháu bà Tom cư ngụ phía dãy nhà bên kia. Bà ôn tồn:

-                     Ông có thể làm cho tôi một việc, vâng, thưa ông…tôi nghĩ là không khó lắm.

-                     Thưa bà, tôi sẵn sàng nếu có thể.

Bà chầm chậm giải thích:

-                     Sáng mai chiếc xe tang đưa thân xác ông Tom Wallace về thăm nhà, từ giã trước khi đưa ông ra nghĩa trang. Ông Tom luôn luôn là một người tử tế nhưng vắn số. Ông lên cơn tai biến mạch máu não nặng nên qua đời hôm chủ nhật vừa qua. Ông Tom hay nói về ông lúc còn sống. Nhờ ông lúc 10g30 sáng mai ra phía trước nhà đừng cho thiên hạ đậu xe để xe tang có thể cập sát lề, ông nhé!

Tôi gật đầu và lặng người…

 

Tôi giữ đúng lời, nghiêm chỉnh đứng trước nhà với bộ đồ đen như muốn để tang cho ông. Đoàn xe tang lặng lẽ ghé vào rồi ngậm ngùi hướng ra phần mộ. Tôi đứng chết trân một lúc rồi nặng nề bước vào nhà quăng mình thật mạnh xuống chiếc ghế trong phòng khách, vô tình ngồi trúng cẳng con Tommy làm nó la ăng ẳng hoảng hốt chạy trốn xuống gầm bàn. Tôi cúi xuống lôi cẳng nó ra, ôm thật sâu trong lòng và vỗ về (vô tình lúc ngước lên thấy tấm thiệp của ông Tom tặng treo lủng lẳng lấp lánh một vì sao):

-                     Tommy từ nay không ai còn buồn phiền khi bố gọi tên con nữa…

Nó nhìn trâng trâng không hiểu, cặp mắt thật to đen nháy chơm chớp và hình như có vài giọt nước mắt đọng trên mi.

 

 

Trần Lam Sơn

( Một tối cuối Thu 2003).

 

 

Tin Tức - Bình Luận     Vinh Danh QLVNCH     Audio Files     Tham Khảo     Văn Học Nghệ Thuật     Trang Chính