Điểm Sách và Bình Luận

(P2)

 

Trần Công Lân

 

 

4. Truyền thanh CĐVN

 

Khác với báo chí phải trải qua việc in phát hành để phổ biến tin tức tới người đọc. Đài phát thanh có thể thông tin đến thính giả nhanh hơn khi biến cố vừa xảy ra. Vì là tường thuật qua lời nói nên sự lỡ lời, dùng chữ không chính xác hay kết luận vội vàng có thể gây tai hại và làm giảm uy tín của đài. Cũng vì sử dụng âm thanh (kèm với âm nhạc) dễ gây kích động nơi thính giả. Đài phát thanh trở thành vũ khí tuyên truyền sách động gây biến động xã hội. Do đó các cơ quan truyền thanh phải có trách nhiệm cao hơn báo chí và thính giả cũng phải nắm vững yếu tố cần thiết để phân tích lợi (thật), hại (giả) khi nghe tin.

 

5. Truyền hình CĐVN

 

Truyền hình là hình ảnh sống động gây ảnh hưởng tức thì cho người xem. Xúc động là yếu tố tâm lý mà giới truyền thông, chính trị thường lợi dụng để gây áp lực, ảnh hưởng tới các chương trình, kế hoạch của họ. Chuyện hình ảnh thật hay giả (do AI tạo ra) sẽ là thách đố cho người xem cũng như ban tổ chức của đài phải kiểm soát. Sự phê bình, bình luận trên đài do người phụ trách ngoài trách nhiệm giống như báo chí, truyền thanh còn mang trách nhiệm thể hiện khuôn mặt của đài (qua nhân vật phụ trách xuất hiện trên đài). Tiểu sử và thành tích của nhân vật tham dự phê bình, bình luận không dễ thay thế khi đã có thành tích (hay thành kiến) quá khứ.

 

Vậy thì quần chúng sẽ phán xét mọi sự phê bình, bình luận như thế nào?

 

6. Phê bình, bình luận (tin tức)

 

6.1 Phê bình một ý kiến, bài viết có nghĩa là đặt lên bàn cân để cân nhắc giá trị của người viết. Sự kiện 1 xảy ra, nhân vật A có ý kiến. Vậy ý kiến của A là thuận (pro) hay chống (con). Ý kiến đó có hợp lý trên lãnh vực chuyên môn (luật, kinh tế, y khoa, kỹ thuật...) hay do cảm tính của A hay vì tín ngưỡng tôn giáo. Ý kiến của A có được xét qua phía đối lập để có có xuôi ngược, chỗ nào có lý,chỗ nào cần sửa chữa hay chỉ một chiều. Phê bình phải có tính công bằng (ưu và khuyết điểm). Phê bình không phải chỉ là chỉ trích suông mà phải đưa ra bằng chứng như là trách nhiệm đóng góp.

 

6.2 Bình luận là trình bày một cách công bằng những gì người viết (hay đã nói) và từ đó lý luận đúng, sai ra sao với những dẫn chứng hợp lý. Sự lý luận của nhà bình luận cho phép hắn đóng vai ủng hộ hay chống đối trong vị trí (hay vai trò nào đó) với những lý do dựa theo luật và trật tự chứ không vì cảm xúc cá nhân. Đối chiếu với sự kiện xảy ra, xác định các bằng chứng khoa học, kỹ thuật, luật pháp để biết sự thật hay lẽ phải ở giới hạn nào. Trò chơi dân chủ là bạn phải tham dự mọi tiến trình sinh hoạt. Bạn không thể phó thác cho kẻ nói đúng ý bạn bất kể quá khứ lịch sử của nhân vật đó ra sao.

 

6.3 Khi nghe một bản tin (phê bình, bình luận) thì người quan sát phải ý thức khi nhà phê bình (bình luận) nhận định ý kiến A thì có cứu xét mặt Á (đối lập của A). Nếu đó là sự ủng hộ nhân vật A thì có sự so sánh với những gì nhân vật B cũng làm trong bối cảnh tương tự. Nhận định một chiều cho thấy sự phê bình hay bình luận vô giá trị và người quan sát (bạn đọc) sẽ phải quyết định không tán thành hay ủng hộ tác giả cũng như nhà bình luận (phê bình) và cơ quan truyền thông thực hiện chương trình. Tiếp tay phổ biến sự sai lạc, thành kiến thì chính bạn đã là kẻ thù của bản thân bạn.

 

7. Đọc sách và điểm sách

 

Tại một quốc gia dân chủ thì bạn có thể viết sách, in ấn và phổ biến tại các thư viện. Vấn đề là cuốn sách có giá trị gì? Ra (in) sách là quyền của người viết nhưng có lợi gì cho người đọc hay chỉ là đầu độc tư tưởng người khác? Hay đó chỉ là sự gián tiếp phá hoại xã hội dân chủ đã cho bạn cơ hội phổ biến suy nghĩ riêng tư đến người khác, đặc biệt là lớp trẻ.

 

Đọc sách thì phải đọc qua tựa đề để biết tác giả muốn nói gì. Sau đó là mục lục để thấy tác giả trình bày những điều muốn nói theo góc cạnh như thế nào. Toàn thể mục lục cho thấy tác giả đã bố cục cuốn sách như thế nào để (thuyết phục) giới thiệu nội dung (điều muốn nói) đến độc giả. Đọc sách thì chữ nghĩa là chính. Tác giả dùng chữ có chính xác không. Qua từng yếu tố có được trình bày hợp lý để thuyết phục người đọc hay chỉ là phơi bày (hay trích dẫn) ý kiến, thành quả từ các tài liệu, tác giả khác mà chưa chắc độc giả đã đồng ý là thích hợp.

 

Bố cục câu văn, đoạn văn, từng chương một có đúc kết được ý kiến xây dựng những gì tác giả muốn nói như đề tài đã đặt ra. Từ chương đầu đến chương cuối có theo trình tự hợp lý hay chỉ là cảm xúc mà tác giả tự thành hình. Đọc sách, người đọc thường lướt qua phần mở đầu và kết luận. Thất bại trong hai phần này sẽ khiến độc giả bỏ rơi ý định đọc toàn bộ cuốn sách. Khi có người hỏi bạn đã đọc cuốn ABC chưa thì bạn vô tình đóng vai trò điểm sách (hay phê bình sách) bất đắc dĩ. Vì ai cũng có thể ra (viết và in) sách nên vai trò điểm (phê bình) sách rất quan trọng. Ngoài chuyện mất thì giờ, tiền bạc để đọc một cuốn sách dở (chưa nói là hại) mà còn là sự phí phạm tài nguyên (giấy mực, in ấn, phát hành, xả rác và đem đốt) và đầu độc tuổi trẻ.

 

Nếu "đọc sách" để tìm hiểu biết thì không phải sách nào cũng đọc, đó là mọt sách. Đọc sách phải chọn đề tài, lãnh vực. Kế đó là tác giả (hay có thể là tác giả nếu đã biết ông ta là ai, chuyên viết đề tài gì). Nếu là tác giả xa lạ thì tiểu sử, lý lịch ra sao...vì cớ gì ra sách với đề tài như vậy. Đó là mục đích của cuốn sách. Chuyện tác giả muốn nổi danh hay kiếm tiền là chuyện phụ. Việc chính là giá trị cuốn sách.

 

Vậy thì việc điểm sách (hay phê bình sách) không thể là trò "áo thụng vái nhau" vì văn hóa là tinh thần dân tộc và văn minh không thể là giả dối, trò hề hay thỏa mãn dục vọng của cá nhân cũng như tập thể. Sự kiện khen hay chê khi đọc sách cũng cho thấy khả năng, kiến thức, tư cách của người phê bình. Nếu là điểm sách thì người đọc và phê bình phải là quen thuộc với thế giới văn học thì sự khen, chê trở thành nặng ký hơn. Cũng như các nhà trí thức, bằng cấp, chuyên môn của người viết và người phê bình sách đôi khi phản tác dụng nếu hành xử không đúng như một ông tiến sĩ viết sách và ông tiến sĩ khác khen nhưng độc giả mua về đọc thấy không đúng thì giá trị của người viết và người khen sẽ ra sao.

 

Mọi sai lầm có thể tha thứ trong các lãnh vực vì còn thời gian để sửa đổi. Chỉ có lãnh vực chính trị khi các chính trị gia viết sách để tạo uy thế cho mình trên chính trường (dẫn đến việc cầm quyền). Khi cuốn sách có ảnh hưởng trong quần chúng thì sự đúng hay sai rất nguy hiểm vì sự chọn người lãnh đạo sai lầm. Mà chọn lãnh đạo chính trị sai lầm thì ảnh hưởng toàn bộ xã hội.

 

 

Kết

 

Vậy khi bạn nghe một bản tin bình luận (hay điểm sách) về chính trị qua giới truyền thông thì phải nghe cho kỹ, tìm hiểu đầu đuôi câu chuyện, sự kiện chính, phụ cũng như xuôi (pro) ngược (con) chứ không thể chỉ vì thích ông phát ngôn viên (hay phê bình gia) nói trúng ý là chấp nhận toàn bộ câu chuyện. Nên nhớ dân chủ là chính bạn làm chủ chứ không nghe người khác nói mà tin theo. Cũng như bằng cấp và kiến thức không có nghĩa lúc nào cũng đúng với sự thật và lẽ phải.

 

 

Trần Công Lân

Tháng 7 năm 2024 (Việt lịch 4903)

 

 

 

 

Tin Tức - Bình Luận     Vinh Danh QLVNCH     Audio Files     Tham Khảo     Văn Học Nghệ Thuật     Trang Chính