Bài học Dân Chủ: Khi đa số sai lầm?

(P1)

 

Trần Công Lân

 

 

Kết quả bầu cử 2024 tại Mỹ cho thấy khủng hoảng trong sinh hoạt dân chủ không phải chỉ là vận động tranh cử nhiều hay ít tiền, ứng cử viên tốt hay xấu, chính sách đúng hay sai - mà do tại ý dân. Ý dân là ý trời. Nhưng ý dân có bao giờ sai lầm không?

 

Cơ chế dân chủ

 

Sinh hoạt dân chủ là chọn lựa lãnh đạo qua cuộc bầu cử: đảng chính trị chọn ứng cử viên, dân chúng quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai. Nhưng trong cơ chế lưỡng đảng thì dân chỉ chọn một trong hai. Mới nhìn qua thì thấy hay nhưng thời gian cho thấy "Lưỡng đảng" không đem lại cân bằng trong sinh hoạt chính trị vì ép dân phải chọn khi cả hai cùng thối nát. Ngăn chận đảng thứ 3 vươn lên chỉ là hình thức ăn chia (đầu nậu) trong chính trị một cách hợp pháp. Hệ thống liên bang tạo cơ hội cho lưỡng đảng ngăn chận đảng thứ 3, 4 ngay tại địa phương không có địa bàn hoạt động. Đa đảng tại Mỹ sẽ không bao giờ thành hình. Nhưng đảng sinh hoạt ra sao? Chủ trương, kỷ luật như thế nào? Tại sao chuyện bỏ đảng A nhảy sang đảng B xảy ra như cơm bữa mà chẳng có biện pháp ngăn chận? Cử tri bị gạt chỉ ngậm bồ hòn. Dưới chế độ Cộng Hòa, dân làm chủ mà bị lừa gạt thì khác gì chế độ cộng sản.

 

Quy luật tranh cử trong sinh hoạt dân chủ là đa số thắng thiểu số. Nhưng ý kiến của đa số được cho là "đúng" khi chọn nhưng đến khi thực hiện thì cho thấy sai lầm. Nếu khối đa số không chấp nhận sai lầm mà vẫn tiếp tục thì sao? Khối thiểu số có thể làm gì được? Trong Quốc Hội cũng như khi bầu cử?

 

Trong khi khoa học kỹ thuật thay đổi nhanh chóng. Người có kiến thức nhiều hơn. Xã hội có nhiều xung đột hơn vì thông tin toàn cầu. Nếu cơ cấu chinh trị không thay đổi để thích ứng thì sẽ gặp khó khăn và chính trị gia không giải quyết được (vì lưỡng đảng chỉ khác nhãn hiệu) và sẽ làm bừa, làm ẩu - đưa đến rối loạn, độc tài khi nền dân chủ dựa vào đa số mà đa số lại mù quáng, ích kỷ, thiển cận. Tam quyền phân lập nhưng cả 3 ngành đều "độc đoán" thì đâu là kiểm soát và cân bằng (check & balance)? Khi lãnh đạo đặt tay trên thánh kinh tuyên thệ nhậm chức thì tuyên bố sẽ bảo vệ hiến pháp nhưng khi nói láo và vi phạm luật thì lời thề đi đâu? Ai còn tin Thượng đế nữa.

 

A . Quốc gia đi sai đường (the country is on wrong track)

 

Khi 65% cử tri cho rằng quốc gia đi sai đường có nghĩa là chính quyền đương nhiệm thất bại trong việc hướng dẫn đất nước đi đúng đường, đúng ý dân. Vậy ý dân muốn gì? Thế nào là đúng đường (right track)? Nếu sự chọn lựa của đa số sau bầu cử cho thấy là sai lầm thì sao? Lại chờ 4 năm nữa để chọn một ứng viên (hay đảng) khác may ra đi trúng đường?

 

Tập thể quần chúng là đám đông ô hợp thuộc nhiều thành phần xã hội. Xã hội Mỹ là một xã hội tạp chủng, đa tôn giáo, có truyền thống kỳ thị, chịu ảnh hưởng cuộc nội chiến vì nô lệ. Được vị trí thiên nhiên ưu đãi Mỹ trở thành cường quốc sau thế chiến II. Dân Mỹ hãnh diện vì thành quả này cùng với những phát minh khoa học kỹ thuật nên nghĩ rằng Mỹ sẽ đứng đầu thế giới mãi mãi. Nhưng khi thế giới thay đổi (1990s) thì dân Mỹ (giới công nhân) không theo kịp khi mất việc làm (outsource) và mất lợi tức nên bất mãn với đảng chính trị cầm quyền. Họ nghĩ rằng bỏ phiếu cho đảng đối thủ thì sẽ đem lại giấc mơ xưa. Cũng như lớp trẻ tốn tiền vào đại học, ra trường không có việc làm nên muốn đổi mới (change) nhưng khả năng của họ lại không thích ứng với chiều hướng mới (Artificial Intelligence) nên "giận cá chém thớt" chỉ gây rối loạn xã hội.

 

Nếu nói rằng quốc gia đi đúng đường là Mỹ phải số một về kinh tế, quân sự, chính trị thì Mỹ có trách nhiệm với thế giới hay không? Nếu Mỹ đóng cửa không can thiệp thì sẽ như thế chiến I, II hay như dịch Covid và nạn di dân vì chiến tranh mà Mỹ không can thiệp để đem lại hòa bình thì dân sẽ tỵ nạn chiến tranh ảnh hưởng cũng lan tới Mỹ. Chưa nói rằng dân Mỹ phải nỗ lực tối đa qua hai thế chiến để trở thành cường quốc. Vậy muốn làm cường quốc đòi hỏi nỗ lực làm việc khi các quốc gia khác đình trệ. Khi họ phục hồi thì dân Mỹ thay vì phải làm việc hơn nữa thì lại giảm mà vẫn đòi đứng đầu thế giới?

 

Khi dân Mỹ trách giới chính trị thủ đô là vũng lầy (swamp) thì quên rằng chính họ đã chọn và gửi đại diện về thủ đô sinh hoạt trong vũng lầy đó. Họ không nhìn ra nguyên nhân mà chỉ khăng khăng đòi thay đổi bằng cách chọn kẻ nói láo đúng ý họ. Trình độ dân trí như vậy thì không thể nói chuyện phát triển dân chủ.

 

 

Trần Công Lân

Tháng 12 năm 2024 (Việt lịch 4903)

 

 

 

Tin Tức - Bình Luận     Vinh Danh QLVNCH     Audio Files     Tham Khảo     Văn Học Nghệ Thuật     Trang Chính