XÓM NẬM

Nguyễn Vĩnh Long Hồ

 

 

Con sông Mã phát nguồn từ Sơn La chảy qua phía Bắc Sầm Nứa (Lào) trước chảy vào địa phận tỉnh Thanh Hóa. Mặc dù sông Mã dài khoảng 360 cây số, nhưng hầu hết chảy quanh co trên triền núi, chỉ có vài chục cây số chảy về vùng đồng bằng trước khi đổ ra biển Đông qua cửa Hới. Khi con sông Mã chảy qua địa phận xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa là vùng đồng bằng nhỏ hẹp dưới chân núi. Bên kia dòng sông Mã là rặng núi đá vôi Tam Điệp đã xâm thực chỉ còn những vách đá đứng trên bờ sông, đẹp nhất là tại Cửa Hà - Cẩm Thủy. Con sông Mã chảy ra biển Đông vào những mùa mưa lũ, bắt đầu từ tháng sáu, kéo dài đến tháng tám, nước lũ từ thượng nguồn đổ về chảy xiết ầm ầm như thác đổ, gào thét dữ dội, cuốn theo những cây cổ thụ bị trốc gốc, trôi phăng phăng theo dòng nước đục ngầu phù sa với tốc tộ phi mã nên nó có tên gọi là sông Mã chăng?

 

Xóm Nậm thuộc xã Cẩm Thành nằm bên hữu ngạn dòng sông Mã. Dân cư sống trong xóm Nậm hầu hết là người dân tộc Mường, họ sống rãi rác từ Hòa Bình xuống Nghệ An và Thanh Hóa và sống tập trung thành từng xóm nhỏ dọc theo hai bên dòng sông Mã khá đông. Người Mường miền Bắc nói chung và vùng sông Mã nói riêng đều mang sắc thái của người Việt Cổ, họ có ngôn ngữ, phong tục và tập quán của riêng họ, mặc dù họ đã  hội  nhập với người kinh gần như hoàn toàn ở khu vực nầy. Họ nói tiếng Việt giọng miền Bắc thành thạo như người địa phương. Đa số sống về trồng trọt và chăn nuôi. Thực phẩm chính của họ vẫn là ngô, khoai, sắn ăn độn với cơm. 

 

Cách xóm Nậm chừng 2 cây số là trại tù cải tạo Thanh Cẩm là trại tù nổi tiếng sắt máu nhất nhì của miền Bắc XHCN. Trại tù cải tạo Thanh Cẩm chia ra làm hai K: “K1” để giam tù chính trị từ miền Nam đưa ra, còn “K2” cách đó chừng hai cây số, nơi tập trung tù hình sự  án dài miền Bắc. Mặt tiền trại tù Thanh Cẩm với tường gạch, phết vôi trắng toát, hướng ra bờ sông Mã, lưng dựa vào chân đồi, dốc thoai thoải. Từ trên con đường trải đá lưng chừng đồi nhìn xuống trại tù Thanh Cẩm, nổi bật với hai lớp tường gạch kiên cố, đầu tường có gắn miểng chai và hai lớp kẻm gai, bao quanh ba dãy nhà được cất theo hình chữ U: dãy nhà nằm ngang là khu kiên giam và kỹ luật biệt lập, chiếm vị trí cao nhất của trại tù. Hai dãy nhà dưới làng dành cho những đội lao động, cách nhau  một cái sân rộng. Mỗi dãy có 4 buồng, một buồng có sức chứa từ 80 đến 100 người được ngăn bởi một bức tường gạch, đầu tường có gắn kẻm gai. Đối diện với khu kiên giam kỹ luật là cổng ra vào trại có hai cánh cửa sắt chận lại hai đầu tường và một căn nhà hai tầng: tầng trên dành cho cán bộ trực trại ăn ở và tầng dưới dành cho tụi cán bộ quản chế canh gác. Bốn gốc tường là bốn lô cốt có trang bị đèn pha cực sáng.

 

Xóm Nậm và trại tù Thanh Cẩm cùng nằm bên dòng sông Mã, một mảnh đất khô cằn sỏi đá có một cô gái Mường yêu tha thiết một chàng học sinh phục quốc miền Nam bằng mối tình mộc mạc thủy chung. Tình yêu của họ đã nẩy nở giữa bối cảnh đầy thù hận. Và câu chuyện tình của họ bắt đầu ...

 

*

 

Xóm Nậm có gia đình ông già Mường tên Đinh Lực, mấy đời bám trụ tại đây. Căn nhà sàn của gia đình ông chiếm vị trí ở giữa xóm, bên lũy tre làng. Mặt tiền nhìn ra con đường làng chạy thẳng tấp cạnh bìa rừng, mặt sau hướng ra bờ sông Mã chừng hơn trăm thước, Ngôi nhà sàn của dân tộc Mường tại bản nầy vẫn giữ kiểu nhà truyền thống, những phong tục tập quán nguyên sơ của người Việt cổ. Họ dựng căn nhà sàn theo hình chữ nhựt, có lan can chạy chung quanh nhà và một cây cầu thang bước lên căn nhà sàn đi vào thẳng gian nhà đầu hồi, sàn nhà lát bằng tre bương đập dập đã lên nước bóng láng, mái lợp bằng tre nứa, phía dưới căn nhà sàn là chuồng nhốt trâu bò. Xóm Nậm được kết hợp lại bởi những căn nhà sàn kiểu truyền thống lớn có, nhỏ có, cao thấp khác nhau và có những căn nhà cũ kỹ hàng chục năm xen lẫn cái mới cất sau nầy. Phần lớn những căn nhà sàn nầy bám vào sườn đồi hoặc tựa lưng vào đôi bờ sông Mã, làm phong cảnh rừng núi hoang sơ tăng thêm vẻ thơ mộng. Vào những ngày nắng muộn, người tù cải tạo thường dừng tay đốn gỗ, nứa đứng trên những ngọn đồi không tên, đón những tia nắng đầu tiên, nhìn xuống xóm Nậm còn bàng bạc trong sương mù dưới chân đồi, nằm mơ màng bên dòng sông Mã, bên kia sông là dãy núi đồi trùng điệp vương vít mây trắng bay, tai lắng nghe tiếng suối chảy róc rách bên sườn đồi, hòa lẫn tiếng hót líu lo của chim rừng tạo nên khúc nhạc ban mai rộn rã... 

 

Vào mùa đông, ngay chính giữa gian nhà sàn, họ dựng một cái khung gỗ vuông vức, mỗi cạnh khoảng hai thước đổ đầy cát, ba đầu ông táo bằng gạch nung và một cái ấm để đun nước sôi dùng pha trà. Ngọn lửa được gìn giữ cháy liên tục suốt mùa đông giá lạnh và cái ấm nước lúc nào cũng sôi sùng sục sẵn sàng cho ông pha trà, nhâm nhi cho ấm lòng tuổi già. Cái bếp lò đơn sơ lúc nào rực lửa mang nhiều ý nghĩa, nó tượng trưng cho tình gia tộc nồng ấm, sự đoàn kết gia đình, tình yêu thương bố mẹ dành cho con cái và ngược lại, như  ánh lửa bếp chập chờn tỏa ra sức nóng ấm áp khắp trong gian nhà về đêm; vì vậy, họ giữ lửa cho cái bếp lò nầy không bao giờ tắt trong suốt mùa đông lạnh cóng. Về đêm, con trai ngủ tại đây, chung quanh bếp lò. Còn một cầu thang phụ dành cho phụ nữ ở phía sau nhà đi vào buồng riêng của họ.

 

Ông bà Lực có tất cả ba người con: Người con cả tên Đinh Lưỡng, thường xuyên vắng nhà, anh ta và vài thanh niên trong xóm Nậm sống về buôn bè luồng trên sông Mã. Anh lăn lộn với cái nghề nguy hiểm nầy mới được một vài năm, đến nay đã ngoài 30 tuổi vẫn còn độc thân. Cô con gái tên Hà tuổi vừa đôi chín rất xinh và thằng Sơn là con trai út, kém chị hai tuổi. Họ mưu sinh bằng đủ nghề, trồng trọt đủ loại hoa màu theo mùa: khoai, sắn, ngô, lúa...sau khi thu hoạch một vụ mùa, hai chị em đi đốn củi bán cho trại tù Thanh Cẩm, còn thằng Sơn rủ rê vài người bạn lên bến đò Co Lương thuộc huyện Quan Hóa, giáp ranh với huyện Bá Thước ở thượng nguồn sông Mã, mưu sinh bằng đủ nghề khác nhau, nhưng nghề chính là nghề “cửu vạn” chuyên bốc dở hàng hóa thuê cho con buôn lên bờ hoặc xuống hàng. Có khi xuống tàu đò, phụ với tài công vận chuyển hàng hóa và hành khách ngược xuôi trên thủy trình dài hơn 60 cây số đầy  hiểm nguy nơi thượng nguồn sông Mã. Nhiều người phải bỏ mạng trên dòng sông dữ tợn nầy vào mùa mưa lũ đổ về, nước đục ngầu phù sa như sông Cửu Long. Dòng nước chảy xiết, va vào đá ngầm, cuộn lên cao một, hai thước rồi đổ ầm xuống như muốn nhận chìm con đò chở khách. Thằng Sơn suýt mất mạng tại thác Kép là một trong bốn con thác khiếp đảm nhất trên dòng sông Mã là thác Plô, thác Nam, thác Dồn nên bố mẹ bắt nó phải bỏ nghề nguy hiểm nầy, nên Sơn xoay qua nghề khác như lên núi đi bẫy gà rừng và đi câu cá lăng về đêm trên sông Mã. Cá lăng là một loài cá da trơn như cá ngát, cá ba sa ở sông rạch miền Nam. Cá lăng thường sống tập trung ở những dòng sông nước chảy xiết, có nhiều hốc đá ngầm dưới lòng sông như sông Mã, nhất là khúc sông từ huyện vùng cao Mường Lát ở thượng nguồn sông Mã chạy dài đến thôn Eo Lê, xã Cẩm Vân thuộc huyện Cẩm Thủy là cá lăng sinh sôi, phát triển nhiều lắm, đồng bào địa phương gọi là khúc sông vàng. Đặc điểm của giống cá nầy chỉ kiếm ăn vào lúc ban đêm, còn ban ngày trốn biệt trong các hốc đá dưới đáy sông.

 

*

 

Năm 1978, khi trời mới bắt đầu sang thu. Ông Lực cảm thấy trời bỗng nhiên trở lạnh sớm hơn mọi năm. Ông Lực nhìn vợ, chép miệng, nói:

 

-“Mới sang thu mà có vẻ lạnh nhiều hơn năm rồi đấy, bà ạ! Mùa đông năm nay, trời sẽ lạnh khủng khiếp đấy! Bà còn nhớ mùa đông năm trước, trời lạnh đến nổi mặt nước ao hồ đóng ván, có nhiều nơi cá chết hằng loạt vì lạnh, nổi lờ đờ trên mặt nước. Bà nhắc chị em con Hà lo trữ thêm ngô, sắn, khoai, củi khô...bắt đầu trữ cho mùa đông là vừa rồi đấy. À, còn rơm rạ cho con trâu cái nhà mình nữa đấy.”

 

Bà Lực trấn an chồng, nói:

 

-“Ông khéo lo thì thôi, mới đầu tháng 7 lạnh lẽo gì chớ! Trời chỉ mát thôi mà! Tại tuổi già của ông chồng chất lên nên ông cảm thấy lạnh. À nầy, vụ lúa hè - thu của hợp tác xã Cẩm Thành sắp sửa thu hoạch. Sau khi được chia phần, tụi trẻ sẽ mang thóc ra Chợ Vạc bán, mua thêm ngô và muối để dành cho mùa đông. Thằng Sơn câu cá lăng trúng mùa xẻ thịt, phơi khô để dành hơn cả hai mươi cân. Bầy ngan nhà mình cũng bắt đầu cho trứng để bồi dưỡng cho riêng ông! Không phải lo nữa nhé!”

 

-“Nhớ lại mấy năm trước, những đợt gió rét đậm vào mùa đông như cắt da cắt thịt, tôi còn chịu được mà bây giờ thì không, tuổi già có khác xưa,” ông già Thượng chậc lưỡi, nói. “Không biết bao giờ thằng cả Lưỡng và con Hà nhà mình lập gia đình cho tôi với bà có cháu bế nhỉ?”

 

Bà Lực nói:

 

-“Thằng cả Lưỡng thì chưa muốn cưới vợ, còn cái Hà thì chưa có ai môi giới!”

 

-“À, bọn trẻ đi đâu cả rồi, bà nhỉ?”

 

-“Chúng nó đi xem đá bóng ngoài sân trại tù cải tạo Thanh Cẩm rồi! Chắc chúng nó sắp về đến nơi.”

 

-“Thế à, mà bà có biết giờ nầy là mấy giờ rồi không nào? Đã 6 giờ chiều rồi đấy!”

 

Bà Lực đứng dậy, nói:

 

-“Thôi, để tôi đi luộc sắn, để bọn nó về có cái ăn chiều.”

 

Ông già Lực cũng đứng dậy, lấy cái kính cận đeo vào mắt. Nhìn ông đeo cặp kính cận trông không giống ai. Cái kính đã gẫy mất một gọng, giống như cái chân trái của ông bị thương tật vì trúng miểng pháo trong lúc tải đạn cho bộ đội trên đường mòn Hồ Chí Minh ở bên dãy Trường Sơn Đông, còn mặt kính bên phải bị rạn, vết răn như mạng nhện, mọi thứ trong căn nhà sàn nầy đều cũ kỹ cả. Ông nheo con mắt bên phải nhìn cái đồng hồ reo cổ lỗ sĩ để trên cái bàn thờ tổ tiên. Cái mặt đồng hồ trở thành màu xám xịt như bị hong khói, mấy con số thì mờ hẳn, còn cái kim chỉ phút uể oải chuyển động từng tiếng tích tắc. Ông có vẻ sốt ruột, trông con.

 

Ông đi khập khiễng ra ngoài cửa, tựa lưng vào cột nhà, nhìn ra dãy núi đồi chập chùng xa xa về hướng tây. Nhìn những rặng cây già trên đỉnh đồi đang cố níu lấy một chút ánh sáng mặt trời đang hấp hối, từ từ lặn xuống sau đồi. Một cơn gió lạnh lùa vào nhà làm ông rùn mình, ớn lạnh. Ông lặng lẽ quay trở vào nhà, kéo cái phên cửa xuống, ngồi bên cạnh cái bếp lò giữa nhà, đánh diêm quẹt nhóm lửa. Những thanh nứa khô cháy rực lên, những mảnh than đen ngòm đỏ lên dần dần. Ông già Lực lấy ống nứa thổi một hơi dài vào đống than hồng và ngọn lửa cháy bùng lên. Ông ta gọi vợ, đang lui cui lột sắn đang sau chái nhà cho kịp bữa ăn chiều:

 

-“Bà nầy, mang vào cho tôi một ấm nước để đun trà coi nào!”

 

Bà Lực bực mình, gắt:

 

-“Tôi bận! Ông ra ngoài nầy mà lấy nước mang vào, được không? Cứ ngồi đấy mà thét tướng lên, làm như “lãnh đạo” không bằng!”

 

Nói gì thì nói, ông chưa kịp đứng lên, bà đã mang ấm nước vào nhà, tự tay đặt lên ba đầu ông táo bằng gạch, rồi nói:

 

-“Đùa đấy, đừng giỗi nhá! Ông đói chưa nào?”

 

-“Chưa, còn bầy trẻ đã về chưa?” ông hỏi.

 

-“Về cả rồi,” bà nói. “Thằng Sơn đang lùa trâu vào chuồng, còn cái Hà đang cho bầy ngan ăn dưới nhà.”

 

Khi ấm nước sôi lên ùng ục, ông già Lực bỏ một nắm chè tươi vào cái bình trà, rồi dùng một cái gáo nhỏ làm bằng lon sửa bò, múc nước sôi đổ vào để hãm ấm trà. Một lát sau, bà Lực mang mâm sắn luộc còn đang bốc khói vào trong nhà, đặt trên sàn nứa, mời chồng:

 

-“Mời ông sơi sắn ạ!” bà Lực nói.

 

-“Chống Mỹ cứu nước, đã hy sinh bao nhiêu triệu chiến sĩ, đồng bào cả nước mà nhân dân ta còn nhá ngô, cao lương, khoai sắn sái cả quai hàm. Thật chán mớ đời,” ông già Lực hỏi. “Còn con Hà và thằng Sơn đâu rồi bà nhỉ?”

 

Có tiếng chân chạy rầm rập lên cầu thang làm rung rinh cái sàn nhà. Hà lên tiếng:

 

-“Thưa thầy u, chúng con đã về ạ.”

 

-“Sao về nhà trễ thế hử?” ông Lực giọng nghiêm túc, hỏi.

 

Hà đáp:

 

-“Cái con ngan nhà mình hư lắm, chúng nó đẻ hoang ngoài bờ sông Mã, làm con và thằng Sơn phải đi kiếm nhặt về được mấy quả.”

 

-“Sao, độ bóng thế nào?” ông Lực hỏi.

 

Sơn bĩu môi nói:

 

-“Mấy anh tù chính trị ốm đói, chạy đuổi bóng được mươi phút đã thấm mệt, thở hồng hộc làm sao so được với mấy đồng chí công an khỏe như trâu. Kết quả, khung thành của tù cải tạo bị lủng đến 9 lần và vài cầu thủ bị chấn thương, phải khiêng ra sân.”

 

Ông Lực rót nước chè vào ly, chậm rãi nói:

 

-“Lúc sáng, anh Bắc, cán bộ trực trại Thanh Cẩm, có ghé nhà thăm bố. Anh ấy dặn: Khoảng tháng sau, tụi sĩ quan Ngụy từ các trại cải tạo tại Yên Bái do đoàn 776 quản lý, sẽ được tập trung về trại cải tạo Thanh Cẩm. Bọn nầy rất ác ôn, giết bộ đội và nhân dân ta như giết ngóe. Cái Hà và thằng Sơn có đi rừng đốn gỗ, gặp bọn nầy phải tránh xa, đừng quan hệ linh tinh với họ. Cấp trên cấm triệt để đấy!”

 

Thằng Sơn vọt miệng, nói:

 

-“Tuyên truyền thôi, thầy ạ! Làm gì có chuyện đó đâu mà thầy lo làm gì cho mệt. Thầy không thấy mấy anh tù chính trị miền Nam thuộc Đội 7 “lò gạch” sao? Anh nào, anh nấy trạc tuổi con đều hiền lành, tử tế. Nghe nói, mấy anh nầy đều là học sinh, sinh viên miền Nam nổi dậy, hoạt động chống phá chánh quyền cách mạng nên bị bắt, đưa ra ngoài nầy để học tập lao động cải tạo đấy, thầy ạ!”

 

Hà cười, nói trấn an:

 

-“Thằng Sơn nó nói phải đấy, thầy ạ!”

 

Ông già Lực trừng mắt, hỏi vặn:

 

-“Sao mi biết chúng nó rành thế nhỉ?”

 

Thằng Sơn hóm hỉnh, báo cáo:

 

-“Tại có một anh chàng sinh viên tên Dĩnh lao động trong Đội 7 “lò gạch” là bạn của chị Hà đấy, thầy u à.”ø

 

Hà nghe nói, mặt ửng đỏ lên, ấp úng thưa:

 

-“Anh Dĩnh là bạn của thằng Sơn đó!” Hà quay sang Sơn, giọng răn đe. “Ơ hay, tao làm bạn với anh ấy bao giờ chứ? Sao mi ăn nói bố láo thế nhỉ?” Hà lại quay sang bố, phân bua. “Đừng tin những gì nó nói, thầy ạ.”

         

Ông Lực chỉ cười, nhắc cho con nhớ:

         

-“Nội quy của trại tù cải tạo Thanh Cẩm, cấm triệt để tù cải tạo quan hệ linh tinh với dân địa phương. Đừng để cán bộ trại bắt gặp thì họ bị hành tội đấy!”

         

-“Vâng, chúng con biết rồi, thầy ạ.” Hà đáp.

         

Bà Lực mang thêm rổ sắn luột còn nóng hổi từ chái nhà bếp vào trong nhà để mọi người dùng bữa ăn chiều.

 

*

 

          Đúng 10 giờ đêm, tiếng kẻng từ trại tù Thanh Cẩm vọng về, chấm dứt một ngày sinh hoạt của tù cải tạo. Không biết thói quen nầy có từ bao giờ, mọi nề nếp sinh hoạt của xóm Nâm gắn liền với trại tù Thanh Cẩm qua tiếng kẻng: Tiếng kẻng báo thức buổi sáng, tiếng kẻng tập hợp tù đi lao động, tiếng kẻng nghỉ trưa, tiếng kẻng buổi tối giờ tắt đèn đi ngủ và cả tiếng kẻng báo động đổ dồn dập liên hồi mỗi khi phát hiện có tù trốn trại, thúc giục đồng bào trong xóm Nậm đi săn tù để lãnh thưởng...cái kẻng là trái bom 500 cân, được treo dốc ngược trên nhánh cây gạo bên bờ sông Mã, trước cổng trại tù nên tiếng kẻng phát rất to, vang rền đi rất xa...

         

Nghe tiếng kẻng đổ, ông bà Lực đứng dậy, thổi tắt ngọn đèn dầu, treo lơ lửng giữa gian nhà sàn rồi cùng vào buồng ngủ. Hà nằm trên cái vạt tre kê sát vách, trong lòng miên man nghĩ đến Dĩnh, rồi tự hỏi: “Không biết giờ nầy anh ấy đã say ngủ chưa nhỉ?” Hà mở toang khung cửa sổ, gió núi lạnh lẽo theo ánh trăng rằm lùa vào, tràn ngập gian nhà. Ánh lửa chập chờn của cái bếp lò giữa căn nhà sàn, tỏa ra cũng đủ sưởi ấm cái mát lạnh chớm thu,  Hà kéo cái mền bông lau đấp lên ngực để dỗ giấc ngủ. Vừa chợp mắt là nghe con trâu cái nhốt dưới căn nhà sàn; thỉnh thoảng, rống lên vài tiếng “nghe ngọ” như nhớ bạn tình là con trâu cụt đuôi của trại tù Thanh Cẩm. Nàng mệt mỏi rồi thiếp đi lúc nào cũng không hay.

 

Quá nửa đêm về sáng, thằng Sơn đánh thức Hà dậy, nói thật khẻ:

 

-“Dậy đi chị Hà! Dậy đi, ra sông câu cá lăng với Sơn.”

 

-“Mấy giờ rồi nhỉ?” Hà hỏi.

 

-“Gần 2 giờ sáng rồi đấy! Dậy đi ra sông câu cá thôi, chị ạ.”

 

-“Ừ, đi thì đi!” vừa nói, vừa tốc mền ngồi dậy. Hà vén lại mái tóc, kẹp lại gọn ghẽ, rồi hai chị em rón rén xuống cầu thang. Sơn ôm một bó cần câu dài tới 3 thước và một túi mồi, còn Hà xách cái xô nhựa chạy một mạch ra triền sông Mã khi bầu trời còn dầy đặc sương đêm và tĩnh lặng.

 

Hằng đêm cứ đến 3 giờ sáng, vào mùa khô cũng như mùa mưa là mấy tay thợ câu chuyên nghiệp ở xã Cẩm Thành đã gọi nhau chí chóe ra bờ sông câu cá lăng rất đông vì khúc sông nầy nước chảy xiết và có nhiều ghềnh đá. Xuống đến mép sông Mã là đôi tay của Hà và Sơn cứ thoăn thoắt móc mồi vào lưỡi câu, mồi là những con cá rô phi nhỏ xíu, nhái con... rồi quăng ra mặt sông, càng xa bờ càng tốt, có nhiều hy vọng cá lăng lớn ăn mồi nhiều hơn. Màn sương đêm loãng dần, ánh trăng rằm soi sáng một khúc sông Mã, cái Hà nhìn xa xa bên kia bờ sông, những tay thợ câu yên lặng, kiên nhẫn chờ đợi; thỉnh thoảng, có vài ánh đèn pin quét nhanh trên mặt sông của những thợ câu chuyên nghiệp sống về nghề nầy, họ thuộc lòng từ con nước lớn ròng, giờ nào cá lăng ăn mồi...để họ cắm câu rồi chờ sáng mai ra thăm câu, dỡ cần, bắt cá.

 

Hà đang ngồi yên lặng, chăm chú chiếc phao hình bông vụ, lớn bằng trái mù u, trôi bập bềnh theo dòng nước. Bỗng Hà bật nhổm dậy, giật bắn cần câu lên, một con cá lăng to bằng bắp tay mắc câu, cố vùng vẫy một cách tuyệt vọng dưới ánh trăng. Sơn giúp chị tóm gọn đầu con cá, tháo nó khỏi lưỡi câu, rồi ném vào cái xô nước. Sơn chậc lưỡi nói: “Con cá nầy khoảng nửa cân đấy, chị Hà ạ.” và cho đến tờ mờ sáng, hai chị em Hà đã tóm được 4 con cá lăng khá lớn mang về nhà làm khô. Sơn nói với chị:

 

-“Sáng nay, anh Dĩnh sẽ leo đồi đốn gỗ đấy! Chiều hôm qua, Sơn thấy một khúc gỗ do anh ấy dựng làm hiệu ở gốc sân, cạnh hàng rào của sân đóng gạch! Chị mang cho anh ấy một con cá lăng, nói là Sơn biếu anh ấy nhé!”

 

-“Còn mi đi đâu?” Hà hỏi cậu em. “Ngày mai, em bận phải ra “hợp tác xã” thu hoạch ngô cho xã Cẩm Thành.”

 

-“Còn tao đi thu hoạch sắn cũng cho cho hợp tác xã!” Hà nói.

 

Về đến nhà, hai chị em Hà lựa hai con cá lăng lớn nhất, đem lên trên căn nhà sàn. Sơn cho củi vào bếp lò, thổi cháy bùng lên cho Hà nướng cá. Mùi cá nướng thơm lừng bốc lên làm bà Lực thức giấc, từ trong buồng ngủ hỏi vọng ra:

 

-“Tụi mi nướng cá vào giờ nầy, làm gì sớm thế hử?”

 

-“Sáng nay, thằng Sơn sẽ đi lao động cho hợp tác xã,” Hà nói. “Con nướng cá mới bắt được cho nó bới đem theo đấy, u ạ!”

 

Đúng 6 giờ sáng, tiếng kẻng từ trại tù Thanh Cẩm vang lên từng hồi. Hà cho hai con cá lăng mới nướng chín vào tấm lá chuối, gói lại cẩn thận: một con làm quà cho Dĩnh và một con cho Sơn mang theo dùng cơm trưa. Hà lo nấu ấm nước, chờ thầy u thức dậy pha trà. Hà ngồi bó gối nhìn ánh lửa cháy bập bùng, trong lòng nôn nóng, chờ leo đồi đến chỗ thường hò hẹn với Dĩnh. Chờ đến 7 giờ sáng là Hà băng qua con đường làng, đi theo con đường mòn quen thuộc trong rừng dẫn lên trên đồi, nơi có nhiều gỗ tạp. Từ trên ngọn nầy có thể nhìn bao quát khúc sông Mã chảy qua xóm Nậm và những cánh cò trắng sải cánh bay dưới triền núi; thỉnh thoảng, vài bè luồng từ “vựa luồng” vùng cao Quan Hóa trôi xuôi về đồng bằng.  Hà ngồi dưới bóng cây gạo cổ thụ trên đồi, nôn nóng chờ Dĩnh.

 

Hà nhớ lại vào cuối tháng chạp năm trước, trong một buổi sáng còn mờ sương, có gió rét đậm, gió lướt qua da thịt lạnh buốt như dao cắt, gió lạnh làm những đóa hoa đào nở muộn cũng run rẩy. Mặt hồ dưới chân đồi chưa đống băng, nhưng nổi váng mỏng làm đàn cá rô phi bị buốt chết, nổi lều bều. Cái lạnh của mùa đông giá buốt làm cho hoa chanh trong sân nhà ai đó nở rộ. Hà đang hì hục đốn gỗ để chuyển xuống đồi bán cho những người buôn gỗ tạp chuyển về miền xuôi, bán cho dân sưởi rét mùa đông. Lúc đang mải mê đốn gỗ, bất chợt nghe tiếng động xào xạc của ai đó đang đi lên đồi. Nàng dừng tay dao lại, nghe ngóng và lần đầu tiên Hà thấy một cậu thanh niên trẻ tuổi, khá điển trai khác hẵn với mấy cậu thanh niên làng nầy. Nàng giựt mình, thấy anh ta cũng mang theo một con dao 5 dùng đốn gỗ. Tưởng là người xấu, nàng vùng bỏ chạy, đứng xa xa đứng nhìn. Còn cậu thanh niên trẻ cũng ngạc nhiên không kém khi nhìn thấy một cô sơn nữ khá đẹp vùng núi đồi khô cằn sỏi đá nầy. Nàng bạo dạn, hỏi:

 

-“Anh kia! Ở đâu đến đây làm gì thế? Gián điệp hử?”

 

Anh ta trả lời cọc lóc:

 

-“Tù lao động cải tạo Thanh Cẩm, được không?”

 

-“Anh tên gì thế?”

 

-“Tôi tên là Dĩnh, dĩnh là dĩnh ngộ đấy, đang lao động tại Đội 7 “lò gạch”! Còn gì hỏi nữa không?”

 

Trước khi bỏ đi, Hà nói:

 

-“Gỗ của Hà đốn đấy! Đừng có lấy đi nhé!”

 

-“Ai thèm!” Dĩnh trả lời.

 

Thế rồi, mấy ngày sau. Trong lúc Dĩnh đang đốn gỗ, một cơn mưa sầm sập kéo đến bất ngờ làm cả cánh đồng dưới chân đồi chìm trong làn nước mưa trắng xóa, mấy cây liễu quanh bờ hồ rũ xuống trong cơn mưa nặng hạt. Dĩnh nhanh chân chạy đến cây gạo cổ thụ tránh gió mưa. Không hẹn mà gặp, Hà cũng đang tránh mưa ở đó. Thấy Dĩnh áo quần ướt đẵm nước mưa, run cầm cập vì vừa đói, vừa lạnh.

 

-“Lại gặp mi nữa rồi,” Hà nói đùa, rồi hỏi. “Chắc đói lắm, phải không?”

 

Dĩnh cười, nói:

 

-“Còn phải hỏi, tù cải tạo lúc nào mà chẳng cảm thấy đói chứ!”

 

Hà nhìn chàng thông cảm, nói:

 

-“Hà còn hai củ sắn luộc, chia cho anh một củ nhé! Anh ăn không thì bảo?”

 

-“Còn phải hỏi,” Dĩnh xòe bàn tay ra, nói. “Sắn đâu? Đưa đây!”

 

Hà lấy một củ sắn trong cái gùi đưa cho chàng. Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh, Dĩnh nhai ngấu nghiến củ sắn một cách tự nhiên như người Hà Nội. Hà bỗng thấy có cảm tình với chàng trai miền Nam, nhường luôn củ sắn còn lại cho anh ta, rồi nói:

 

-“Nầy, anh sơi luôn củ sắn nầy đi! Hà không thấy đói!”

 

Anh chàng không khách sáo, cầm lấy củ sắn cho vào miệng nhai sừn sựt cho qua cơn đói. Sau khi khá no bụng, Dĩnh hỏi đùa:

 

-“Hà muốn tôi đền ơn bằng cái gì đây?”

 

-“Sau nầy nếu có dịp, Dĩnh dạy cho Hà vài cái chữ nhé!” Hà cúi nhìn xuống đất thú thật. “Hà mù chữ! Anh đừng khinh Hà nhé!”

 

-“Chuyện dễ thôi mà!” Dĩnh nói.

 

Thời gian gần hai năm trôi qua thật nhanh! Bây giờ, Hà đã biết đọc, biết viết chữ Quốc Ngữ một cách rành mạch. Nàng dùng dao khắc hai chữ “DH” trên cây gạo cổ thụ trong hình trái tim. Tình yêu của chàng trai Sài Gòn và cô Mường bắt đầu nẩy nở trên ngọn đồi không tên nầy.

 

*

 

Đúng hẹn lại đến. Một lúc sau, Dĩnh cầm con dao chặt gỗ đến chỗ hẹn hò dưới táng cây gạo. Hà đưa cho Dĩnh con cá lăng gói cẩn thận trong lá chuối. Nàng nói:

 

-“Bây giờ Hà phải đi ra xã Cẩm Thành thu hoạch sắn cho hợp tác xã. Tối nay, hẹn gặp anh tại sân đá bóng của trại cải tạo Thanh Cẩm nhé!”

 

Dĩnh ngạc nhiên, hỏi:

 

-“Làm sao tối nay anh ra khỏi trại được chứ?”

 

Hà bật cười, nói:

 

-“Tối nay, đội chiếu bóng lưu động huyện Cẩm Thủy về phục vụ cho mấy hộ dân xã Cẩm Thành, các anh cũng được tham gia đấy!”

 

-“Thì ra là vậy,” Dĩnh nhìn nàng, nói. “Thôi, tối nay anh sẽ gặp Hà ở đâu?”

 

-“Hà sẽ bảo thằng Sơn đi tìm anh!”

 

Bỗng Hà nhìn thấy hai con cu gáy từ đâu bay sà đậu trên nhánh cây gạo, đang âu yếm rỉa lông cho nhau một cách tình tứ. Hà mơ màng nói:

 

-“Hà ước gì, Dĩnh với Hà giống như đôi chim gáy kia, suốt đời sống khắng khít bên nhau. Còn anh nghĩ sao?”

 

-“Anh hả?” Dĩnh cười, nói. “Anh ước gì có hai con chim gáy kia để “rô ti” sơi với bánh mì, chắc đã lắm!”

 

Hà giận dỗi, nói:

 

-“Anh thì lúc nào cũng nghĩ tới cái ăn!”

 

-“Đùa tí thôi, chưa chi đã giỗi,” Dĩnh nói nửa đùa, nửa thật. “Hà cho anh biết nếp cưới xứ Mường đi được không?”

 

-“Biết để làm gì chứ?” Hà hỏi.

 

-“Biết để nhỡ sau nầy Dĩnh đi hỏi cưới Hà thì sao?” Dĩnh nói.

 

-“Đám cưới xứ Mường rườm rà lắm, không đơn giản tí nào!” Hà nói. “Trước tiên là lễ “khảo thiếng” (ướm hỏi), kế đến là lễ “ti nòm bánh” (bỏ trầu cau), rồi đến lễ “tì dán” (lễ cưới) sau cùng là lễ “ti du” (đón dâu). Đồ lễ nhà trai phải có 50 kí gạo, 30 lít rượu, 50 kí thịt lợn và từ 5 đến10 ngàn đồng tiền mặt.”

 

Dĩnh cười, nói:

 

-“Đồ lễ nhiều thế kia, nghèo như anh làm sao có đủ tiền để mua sắm chứ?”

 

Hà giọng nghiêm túc, nói

 

-“Bao giờ Dĩnh được trả tự do, Hà sẽ trốn gia đình vào Sài Gòn với anh nhé!”

 

Dĩnh bật cười, nói:

 

-“Chắc còn lâu lắm, liệu Hà chịu chờ anh tới ngày đó không?”

 

-“Hà chờ anh suốt đời.”

 

 -“Hứa nhá!”

 

Hà gật đầu, nói:

 

-“Bây giờ Hà phải đi ra hợp tác xã thu hoạch sắn đây!”

 

*

 

Hầu như hàng năm, đội chiếu bóng lưu động huyện Cẩm Thủy cũng tới trại tù Thanh Cẩm để phục vụ cho gia đình cán bộ, đồng bào xã Cẩm Thành và anh em tù cải tạo bị bắt buộc phải đi xem. Cái tin đội chiếu bóng lưu động huyện Cẩm Thủy về phục vụ tại xã, đã được loan đi từ vài hôm trước, làm nhà nào nhà nấy cũng nôn nóng chờ đợi.

 

Chiều hôm đó, các hộ dân trong xã đều ăn cơm vội hơn mọi ngày, rồi gọi nhau ơi ới, vầy đoàn rủ nhau ra sân trại tù Thanh Cẩm để xem phim chiếu bóng trên màn ảnh rộng. Sân chiếu bóng chia làm hai dãy, các xã lân cận cũng kéo đến nườm nượp, lớp đứng, lớp ngồi chật cả dãy dành riêng cho họ. Tù chánh trị K1 và tù hình sự K2 được sắp xếp ngồi riêng một khu vực có cán bộ quản chế canh chừng nghiêm nhặt, cấm quan hệ linh tinh với đồng bào đại phương.

 

Đúng 7 giờ tối hôm đó, đội chiếu bóng huyện Cẩm Thủy phục vụ một phim hành động ác liệt của Liên Xô, có những pha đấm đá dữ dội, có màn đào kép hôn môi nhau mùi mẫn làm các cô gái Mường, ngượng ngùng nói khẻ với nhau:

 

-“Chúng nó đang cắn môi nhau đấy!”

 

Còn bọn thanh niên thì cười ầm lên, nói:

 

-“Xem kìa, chúng nó đang “bú mồm” nhau đấy, sướng thật nhá!”

 

Buổi chiếu phim kéo dài đến 9 tối thì chấm dứt. Tù cải tạo trở vào “hộp”, các hộ dân tản hàng ai về nhà nấy. Trên đường về xóm Nậm, Hà hỏi cậu em:

 

-“Mi có thấy anh Dĩnh đâu không?”

 

-“Không!” Sơn trả lời Hà, rồi bất ngờ, hỏi. “Anh Dĩnh có “bú mồm” chị bao giờ chưa nhỉ?”

 

Câu hỏi đột ngột của cậu em làm Hà nỗi cáu, mắng:

 

-“Mi ăn nói gì tẽn tò thế hử? Tình cảm giữa tao và anh ấy rất trong sáng, chưa một lần nắm bàn tay nhau, nói chi là “bú mồm” nhá, nghe rõ chưa, nhóc con!”

 

-“Thành thật khai báo thì được khoan hồng đấy nhá! Nếu không, tớ sẽ mách với thầy u đấy, chị Hà ạ!” Sơn nhe răng cười, nói. “Mấy thằng bạn của Sơn cùng xóm, chúng nó nói xấu chị đấy!”

 

-“Chúng nó dám nói xấu gì tao hử!” Hà giọng giận dữ, hỏi. “Chúng nó nói sau lưng tao điều gì thế?”

 

-“Chúng nó nói là... cái Hà xóm Nậm xinh cực!”

 

Hà nghe nói, bật phá lên cười ngất, nói:

 

-“Chúng nó nói điêu thế mà mầy cũng tin à?”

 

Có lẽ những cô sơn nữ xóm Nậm hàng ngày đi ngang qua Đội 7 “lò gạch”, chỉ có Mường Hà xinh đẹp nhất, chỉ kém Mường Lệ ở Chợ Vạc. Dạo ấy các chàng trai Mường ở xóm Nậm đánh giá mấy nàng như sau: “Nhất Lệ chợ Vạc, nhì Hà xóm Nậm”. Chợ Vạc  là một chợ phiên ở vùng thôn dã nằm trên ven đường, cách trại tù Thanh Cẩm trên mươi cây số. Chợ Vạc hợp định kỳ cứ 5 ngày một lần, bắt đầu từ mùng 5 hàng tháng. Chợ Vạc với sạp tre đóng sơ sài, mái lợp bằng tre, nứa hoặc phủ bạt. Dân những bản Mường gần đó mang những sản phẩm địa đến bày bàn như rau xanh, khoai, sắn, lạc, trái cây bán theo mùa, rượu ngô, sắn và vải vóc, yếm váy, gương lược, một cửa hàng bán thịt lợn và một cửa hàng bán phở.  Một góc chợ bày bán gia súc như trâu, bò heo, gà, ngan và cả chó...chợ nhộn nhịp từ sáng sớm đến xế trưa thì tản hàng.

 

Những tên cán bộ quản chế mỗi lần thấy Mường Hà đi ngang lò gạch đều buông lời trêu chọc, rồi nhìn theo ngẩn ngơ. Nhưng, nàng chỉ phải lòng Dĩnh, người tù cải tạo miền Nam ngổ ngáo. Khi Sài Gòn vừa lọt vào tay bọn CSBV, Dĩnh đã vội vã xếp bút nghiêng, gia nhập lực lượng phục quốc, hoạt động chống phá cái gọi là “Chánh phủ Cách Mạng”. Dĩnh không may bị bọn công an “bảo vệ chánh trị” bắt khi mới vừa 18 tuổi, bị tra tấn dã man trước khi bị đưa ra trại tù cải tạo Thanh Cẩm vào tháng 6 năm 1977.

 

Bắt đầu từ tháng 8 năm 1978, hầu hết tù cải tạo miền Nam di chuyển ra miền Bắc XHCN bị tập trung tại các trại tù lao động khổ sai, nằm rãi rác vùng rừng núi khí hậu khắc nghiệt của tỉnh Hoàng Liên Sơn và Yên Bái do đoàn 776 bộ đội CSBV quản lý. Sau đó, một số bị đưa về trại tù cải tạo Thanh Cẩm do bọn công an CS điều hành. Tổng số tù cũ và tù mới lên tới con số khoảng 800 người. Đội 7 lò gạch và ngói được tăng cường lên đến 50 người, chuyên sản xuất gạch và ngói để xây thêm khu vực “kiên giam” mới dành để nhốt mấy cha cố đạo.

 

Cứ 3 hoặc 4 tháng, tùy theo thời tiết mưa nắng, đội lò gạch tổ chức đốt lò một lần. Tên tù hình sự tên “Sơn Trang” chuyên viên coi việc đốt lò với sự trợ giúp của anh em đội lò gạch, thường có 10 người được lựa chọn ở lại qua đêm coi việc đốt lò, giữ ngọn lửa cháy liên tục trước khi bít của lò gạch lại bằng đất sét dẽo. Khoảng  một tuần, độ chừng gạch và ngói đã được nung chín thì cho gạch và ngói cho ra lò, chở về trại để xây tiếp khu “kiên giam” mới. Về sau, linh mục Nguyễn Hữu Lễ được chuyển từ khu “kiên giam và kỷ luật” về khu kiên giam nầy cùng với 29 vị linh mục khác.

 

*

 

BA NĂM SAU.

 

Vào đầu tháng 7 năm 1981, ông Đinh Lực hợp tất cả thành viên trong gia đình thông báo một tin vui cho vợ và các con. Ông phấn khởi, nói:

 

-“Một gia đình ở thôn Lương Ngọc, dưới chân núi Ngọc Bến, xã Cẩm Lương có cậy người làm môi giới xin hỏi cái Hà cho con trai cả của họ. Hắn có trại nuôi lợn và một cửa hàng phở ở Chợ Vạc, tình trạng kinh tế khá lắm, hắn sắm cả xe đạp ngoại Phượng Hoàng của Trung Quốc sản xuất, đồng hồ Nhật và có cả cái đài “hai phai” nữa, hách lắm! Thầy ưng ý chỗ nầy đấy,” ông già Lực nhìn cái Hà, giọng nghiêm chỉnh, hỏi. “Thầy đồng ý cho họ cử hành lễ “khảo thiếng” và “ti nòm bánh” cùng một lúc vào tháng sau. Đến tháng 9 sẽ cữ hành lễ “tì dán”, rồi “ti du” ngay ngày hôm sau. Thầy đơn giản hóa mọi thứ cho hai gia đình đỡ tốn kém. Cái Hà nghĩ sao?”

 

Hà nghe bố nói như nghe tin sét đánh. Nàng giật mình, giẫy nẩy lên, đáp:

 

-“Con chả muốn lấy chồng bây giờ đâu, thầy ạ!”

 

Ông già Lực nghiêm sắc mặt, nói:

 

-“Ơ hay, mi dám lý sự với thầy à? Thầy đã quyết định rồi đấy!”

 

Thấy cái Hà bật khóc, bà Lực có vẻ sốt ruột nhìn chồng, nói:

 

-“Hay là ông hãy gượm lại một thời gian để tôi khuyên bảo nó xem sao nhá.”

 

-“Hay nhỉ, bà muốn gây sức ép với tôi ấy à? Không có ý kiến lôi thôi gì cả! Nhà nầy, vẫn còn do tôi chỉ đạo, cái Hà nhớn rồi phải lấy chồng!” ông già Lực quay sang con cả, hỏi. “Cả Lưỡng, mi có nhất trí với thầy không đấy?”

 

Cả Lưỡng nhìn bố, nói:

 

-“Xin lỗi thầy, con không có điều gì để trao đổi với thầy cả! Tùy ý thầy thầy u quyết định. Con muốn đi ngủ đây! Ngày mai, con và vài người bạn trong xóm Nậm sẽ đi lên xã vùng cao Trung Sơn, Trung Thành thuộc Quan Hóa để đốn bương, luồng, vầu, nứa rồi còn phải tập trung về bến đò ở bản Chiềng, xã Trung Thành để kết thành bè lớn, thả về xuôi. Phải chặt tận gốc bán tận ngọn mới có lời đấy!”

 

Bà Lực nghe con nói lại lên “vựa luồng” vùng cao Quan Hóa thì không khỏi lo lắng. Bà nói:

 

-“Cả Lưỡng nầy, u nghe người trong xóm nói rằng mùa nầy nước sông lớn, mưa nhiều, đi bè luồng rất nguy hiểm, nhất là khi phải vượt qua những con thác lớn hung dữ như thác cánh Kép, Cánh Tạng, Cánh Mớ ... thuộc huyện Quan Hóa, nhiều bè luồng bị vỡ tan, không vớt vát được cây nào, người có khi còn không toàn mạng, huống chi luồng, phải không cả Lưỡng?”

 

-“U mầy nói đúng đấy! Thầy còn nghe dân cánh bè luồng trong xóm Nậm có câu: “Gập ghềnh sông Mã bè trôi / Sóng xô xuống vực, rồi đẩy lên ngọn đồi.” ông Lực tiếp lời vợ, nói. “Thầy u muốn cả Lưỡng đổi nghề khác để sinh sống và ở nhà với gia đình thường hơn đấy, anh nghĩ sao?”

 

Cả Lưỡng nói:

 

-“Con không đi buôn bè thì biết làm nghề gì để giúp đỡ thầy u chứ?”

 

Hà ngắt lời anh cả, nói:

 

-“Anh cả nói đúng đấy thầy u ạ! Con muốn ở nhà để giúp đỡ gia đình, thầy u gả con vội làm gì chứ?”

 

Ông già Lực trừng mắt, nói gằn:

 

-“Không đời nào! Đây là cơ hội tốt, thầy u nhất định không bỏ nhở đâu. Hơn nữa, thầy đã hứa với họ rồi, không thể nuốt lời được đâu, cái Hà ạ.”

 

Trời nửa đêm về sáng. Con trâu cái cựa dưới căn nhà sàn làm cả Lưỡng chợt thức giấc. Vườn sau nhà về khuya thật tĩnh lặng, có thể nghe tiếng tàu lá chuối run lên xào xạc và buội tre cạnh hàng rào thả từng giọt sương khuya rơi lộp độp trên mái nứa hòa lẫn tiếng côn trùng tỉ tê trong lùm cây, buội cỏ. Cả Lưỡng ngồi dậy nhồi một bi thuốc lào cái nõ điếu rồi châm lửa rít một hơi dài sảng khoái. Bỗng nghe tiếng ai khóc thút  thít dưới chân cầu thang, cả Lưỡng bèn đứng dậy, chống cái phên cửa lên nhìn ra sân. Dưới ánh trăng thượng tuần mờ nhạt, cả Lưỡng nhìn thấy thằng Sơn đứng bên cạnh cái Hà đang ngồi dựa lưng vào cột nhà sàn, hai tay bó gối khóc thút thít. Cả Lưỡng rón rén bước xuống cầu thang, ngồi xuống bên cạnh em gái, hỏi:

 

-“Chỉ lấy chồng thôi mà, làm gì mà cuống lên thế nhỉ?”

 

-“Hà có yêu người ta đâu mà thầy u muốn gả Hà cho người ấy chứ?” Hà nói.

 

-“Vậy, mi có yêu người nào chưa đấy?” cả Lưỡng tò mò, hỏi.

 

-“Có chứ,” Sơn trả lời dùm cho chị. “Chị Hà yêu một anh chàng học sinh, người miền Nam tên Dĩnh đang...”

 

Cả Lưỡng ngạc nhiên, ngắt lời, hỏi:

 

-“Cái Hà đi vào trong Nam bao giờ mà biết anh ta? Hiện anh Dĩnh đang làm nghề gì, ở đâu?”

 

-“Anh ấy là tù lao động cải tạo của trại tù Thah Cẩm.” Hà nói.

 

Cả Lưỡng cười, nói:

 

-“Ối giời ơi! Cái Hà có điên không đấy! Yêu một người tù cải tạo thì có tương lai gì chứ? Biết bao giờ anh ta được trả tự do để cưới mi chứ?”

 

-“Anh nghĩ cách gì để giúp chị Hà đi chứ!” thằng Sơn nói. “Anh khuyên thầy u đừng gả vội chị Hà đi lấy chồng là được rồi. Hảy chờ vài năm nữa xem sao, được chứ?”

 

-“Tao biết tính thầy rồi, một khi đã quyết định việc gì, khó mà khuyên thầy được lắm!” cả Lưỡng nói. “Tao có một cách là tao giúp hai đứa nó trốn trại vào Sài Gòn, mi thấy ý kiến của thế nào?”

 

-“Ý kiến nầy hay đấy, anh cả ạ!” thằng Sơn reo lên, nói tiếp. “Nhưng, Sơn chỉ sợ anh ấy hãi, không dám trốn trại mà thôi!”

 

-“Tao nghĩ những chàng sinh viên, học sinh miền Nam không hèn như mi tưởng đâu, Sơn ạ!” cả Lưỡng, nói. “Lúc theo bộ đội vào tiếp thu Sài Gòn, thủ đô của người miền Nam, tao mới có cơ hội nhìn thấy rõ cái bản chất thực sự của Quân đội Nhân dân, tao mới biết mình bị lừa gạt, đó chỉ là một đạo quân giết người cướp của không hơn không kém. QĐND chỉ bọn lính đánh thuê cho Liên Xô và Trung Quốc mà thôi, đồng chí Lê Duẫn đã từng tuyên bố: “Chúng ta đánh Mỹ là cho Liên Xô và Trung Quốc” đấy, Sơn ạ.”

 

-“Anh đã thấy những gì, nói rõ cụ thể cho Sơn nghe đi.” Sơn nói.

 

-“Sau khi đưa cả triệu Quân, Cán chính VNCH vào các trại tập trung cải tạo là chiến dịch qui mô cướp sạch tài sản nhà cửa, đồ đạc, quí kim trong nhà của họ không chừa một thừ gì cả. Hằng ngày, tao đã chứng kiến hằng trăm xe vận tải Molotova và GMC chở “chiến lợi phẩm” đánh cướp được của dân miền Nam, chở ra miền Bắc để xây dựng CNXH. Chiến dịch giết người cướp của nầy kéo dài hơn 3 tháng mới chấm dứt và tiếp đến là chiến dịch đánh “tư sản mại bản”, đuổi dân về vùng kinh tế mới để cưỡng đoạt bất động sản. Tuổi trẻ miền Nam thật anh hùng, họ đã tự nguyện xếp bút nghiên, đứng lên chống lại bộ đội và chánh quyền cách mạng để bảo vệ từng khu phố, từng con đường, từng con hẽm và đồng bào vô tội. Một số trong bọn họ bị bắn chết và một số bị đưa vào các trại tập trung lao động cải tạo. Đó là lý do tại sao tao bỏ ngũ, trở lại vùng núi đồi nầy,” cả Lưỡng thở dài, ngao ngán nói. “Sáng mai, tao phải ra chợ huyện Cẩm Thủy đáp ô tô lên huyện vùng cao Quan Hóa đốn bương kết bè thả về miền xuôi.”

 

-“Bao giờ anh cả trở về bến nhà?” Hà hỏi.

 

-“Trể lắm là một tháng, tao sẽ neo mảng bè luồng dưới bến nhà,” cả Lưỡng nói. “Ở nhà động nảo đi, có cách gì hay sẽ thảo luận với tao nhé! Chỉ cần tụi bây đưa được anh chàng ấy xuống được mảng bè luồng là tao đưa đến thẳng ra tỉnh Thanh Hóa, từ đó đón tàu hỏa về trong Nam. Tao bảo đảm an toàn cho thằng Dĩnh.”

 

Hà nghe anh cả hứa, mừng lắm, nói:

 

-“Hà nghĩ ra cách rồi, để Hà  bàn phương án nầy với Dĩnh và Sơn rồi sẽ bàn kế hoạch cụ thể với anh cả sau nhé! Thôi, anh cả đi ngủ tiếp đi, ngày mai còn phải lên đường sớm đấy!” Hà quay sang thằng Sơn, hỏi. “Không biết ngày mai anh Dĩnh có lên đồi đốn gỗ hay chặt nứa không nhỉ?”

 

-“Sáng nầy, Sơn gặp anh Dĩnh leo đồi đốn gỗ gần chỗ Sơn đặt bẫy gà rừng.” Sơn nói. “Đội lò gạch đang chuẩn bị “đốt lò” vào tháng sau, nên ngày nào cũng phải đốn gỗ, nứa cho đủ than củi để nung gạch, ngói.”

 

-“Thế à, ngày mai tao sẽ chờ Dĩnh trên đồi để hỏi  ý kiến của anh ấy có dám trốn trại hay không?” Hà dặn Sơn. “Sáng mai, Sơn lên đồi thăm mấy cái bẫy gà rừng, nếu gặp Dĩnh thì bảo anh ấy, tao đang chờ ở trên đồi nhé!”

 

Sáng hôm sau, Hà có mặt trên ngọn đồi, dưới cây gạo cổ thụ rất sớm, lòng nôn nóng chờ Dĩnh đến. Khoảng một giờ sau, Dĩnh xuất hiện. Vừa gặp nhau, Hà vào đề ngay, hỏi:

 

-“Bao giờ Dĩnh được trả tự do?”

 

-“Chắc còn lâu lắm! Tù phản động mà Hà không biết sao?”

 

-“Nếu như một ngày nào đó được trả tự do, Dĩnh có muốn dẫn Hà theo anh vào trong miền Nam không?”

 

-“Hà khờ quá! Dĩnh chỉ sợ Hà không dám thoát ly gia đình, bỏ núi, bỏ rừng vào miền Nam với Dĩnh thôi.”

 

-“Nếu có cơ hội, Dĩnh dám trốn khỏi trại tù không?”

 

-“Sợ gì mà không dám chứ!”

 

-“Nếu như có chuyện gì không may có thể xảy ra, Dĩnh không hối hận chứ?”

 

-“Không bao giờ! Thà chết trong tự do, còn hơn chết rũ trong nhà tù Thanh Cẩm man rợ nầy.”

 

-“Nhất trí như vậy nhé!” Hà mừng lắm, nói. “Cả Lưỡng, anh nhớn của Hà sẵn sàng giúp Dĩnh và Hà trốn khỏi nơi nầy bằng bè luồng. Bọn công an trại tù không bao giờ chận xét các bè luồng đâu. Chỉ cần 2 giờ, bè luồng sẽ đưa chúng vượt qua thôn Eo Lê thuộc xã Cẩm Vân là thoát nạn. Nhưng mà, cái khó khăn phải vượt qua là từ lò gạch tới bến sông Mã và làm cách nào Dĩnh qua mặt mấy tên công an quản chế đây? Dĩnh nghĩ xem có cách nào không?”

 

-“Anh có cách rồi!” Dĩnh hớn hở, nói. “Tháng sau, Đội 7 lò gạch có “đốt lò”. Nếu Dĩnh có tên trong toán đốt lò, sẽ ở lại lò gạch ban đêm để canh củi lửa. Nửa đêm, Dĩnh sẽ chuồn êm ra bờ sông Mã rất dễ dàng!”

 

Hà nghe nói cũng mừng rỡ không kém, nàng âu yếm ngả đầu vào vai Dĩnh, hỏi đùa:

 

-“Dĩnh biết bơi không nhỉ?”

 

Chàng vuốt mái tóc dài óng ả của cô sơn nữ chung tình, nói:

 

-“Biết chứ! Dĩnh lội nhanh như rái cá “U Minh” đấy!”

 

-“Còn Hà không biết bơi!” Hà nói đùa. “Nếu rã bè luồng, anh giúp Hà đưa vào bờ nhé!

 

-“Biết bơi hay không cũng vậy thôi! Dĩnh và Hà nhất định sống chết có nhau trên cõi đời nầy. Hà hứa với anh nhé!”

 

-“Vâng, Hà hứa với Dĩnh!”

 

*

 

Lịch trình đốt lò được trại ấn định vào ngày chúa nhật 2 tháng 8. Toán phụ trách đốt lò gồm có 10 người và Dĩnh có tên trong toán nầy. Mảng bè luồng của cả Lưỡng đã về neo tại bến nước sau nhà trước đó 3 ngày. Sơn phụ giúp anh kết lại bè luồng gồm trên 3 ngàn cây, mỗi cây dài độ 4 thước, dùng thừng buộc thật chặt lại, rồi dựng tạm một cái chòi thấp lè tè, mái lợp bằng nứa để cho hai người trú ẩn để tránh mưa nắng. Hà lo dự trử cơm cơm vắt, khoai, sắn, ngô và nước uống cho mọi người đủ no lòng vài ngày. Cả Lưỡng mướn được của người bạn trong xóm Nậm một cái máy đẩy để vượt sông Mã cho nhanh. Còn Sơn cũng chuẩn bị cho Dĩnh một bộ đồ công nhân cũ để mặc. Mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng cho cặp tình nhân trẻ tìm tự do. Hà cũng được Dĩnh cho biết trước một ngày, sẽ có mặt trong toán đốt lò vào tối đêm đó.

 

Sáng ngày chúa nhật 2 tháng 8. Mười người trong toán đốt lò được bồi dưỡng đặc biệt, mỗi tiêu được tăng cường thêm sắn luộc và 50 gờ ram đường để thức trắng đêm, thay phiên nhau canh lửa đốt 5 miệng lò rực lửa sáng đêm. Thật không may, Dĩnh bị bịnh đột xuất, căn bệnh “viêm thần kinh” mãn tính tái phát dữ dội. Dĩnh ôm đầu lăn lộn trên bệ nằm, bao nhiêu thức ăn đều nôn ra hết. Anh đội trưởng Đội 7 lò gạch bắt buộc phải đề nghị một người khác thế chỗ của Dĩnh. Chiều hôm đó, Sơn đi lởn vởn gần khu vực lò gạch chờ toán đốt lò. Khoảng 6 giờ chiều, cả toán đốt lò ra tới sân đóng gạch. Sơn ngạc nhiên không thấy Dĩnh đâu cả. Hỏi ra, Sơn mới biết là Dĩnh bị bịnh nặng đột xuất, không ra khỏi trại được. Định mệnh khắc nghiệt đã chia rẽ đội bạn trẻ tha thiết yêu nhau. Cái Hà khóc sướt mướt khi nghe Sơn tất tả chạy về báo hung tin...

 

Một tuần lễ sau đó, trong khi Dĩnh đau đớn nằm liệt giường liệt chiếu tại bệnh xá của trại tù Thanh Cẩm thì tại xóm Nậm, ông Đinh Lực tổ chức lễ “tì nòm bánh” đón nhà trai đến làm lễ bỏ trầu cau thật tươm tất và chu đáo. Trước đó một ngày, hợp tác xã Cẩm Thành cho người đến quét dọn vệ sinh con đường làng, sân nhà và treo mấy lẵng hoa rừng đủ màu sắc để trang trí nội thất vì họ muốn giữ thể diện cho người xóm Nậm với người khác làng.

 

Nửa đêm về sáng, căn bịnh mãn tính có thuyên giảm đôi chút, Dĩnh cố gắng chống tay ngồi dậy, gục đầu vào song sắt cố hít thở không khí trong lành. Ánh trăng thượng tuần nhợt nhạt len lách vào căn buồng giam, Dĩnh nghe văng vẳng tiếng trống xứ Mường gõ nhịp từ xóm Nậm vọng lại khi khoan thai, khi dồn dập hòa lẫn tiếng cồng nhịp đều khi nhặt, khi khoan. Dĩnh đoán đồng bào Mường xóm Nậm đang vào mùa lễ hội truyền thống như là lễ xuống đồng, lễ cầu đảo, lễ mừng nhà mới, lễ cưới hỏi. Dĩnh miên man nhớ đến Hà và tưởng tượng có lẽ giờ nầy Hà đang vận bộ váy nhung đen và chiếc áo hoa duyên dáng cùng với những cô sơn nữ Mường chân trần múa quạt, xòe ô hay múa mời trầu... Nhưng, Dĩnh đâu biết rằng, Hà lẫn trốn mọi người đang ngồi than thở trên bờ sông Mã, khóc nức nở một mình trước khi quyết định tự trầm.

 

Con trăng thượng tuần đã nhô lên, treo lửng lơ trên dãy núi trùng diệp bên kia sông Mã. Sương đêm tràn ra như làn khói mỏng manh, bay la đà trên sóng nước, Mường Hà run rẩy bước chân xuống nước, đi tới, đi tới, nước dâng lên tới ngực, lên cổ, lên đầu cho đến khi chỉ còn thấy mái tóc thề buông xỏa ra trôi bồng bềnh trước khi chìm xuống đáy sông sâu, để lại một vòng nước xoáy tròn lặng lẽ vỗ nhẹ vào bờ...vài ngày sau, xác cô sơn nữ Mường Hà trôi dạt về tận xã Cẩm Vân, được đồng bào địa phương vớt lên. Thậy kỳ lạ, thân thể nàng sau vài ngày bị ngâm nước nhưng vẫn còn tươi rói, không bị thối rữa. Nhờ vậy, một người trong họ nhận diện được, khẩn trương báo cho gia đình ông Định Lực đến nhận xác rồi cấp tốc lo tẩn liệm. Theo lời trối của nàng viết trong bức thư tuyệt mạng để lại, áo quan của nàng đóng bằng 6 mảnh ván tạp rất sơ sài, được gia đình đưa thẳng lên ngọn đồi, an táng dưới tàng cây gạo cổ thụ, nơi nàng thường hẹn hò với người yêu để tránh người trong xóm Nậm bàn tán xôn xao...

 

Tháng 10 năm đó, Dĩnh nhận được giấy ra trại. Trước khi rời trại tù cải tạo Thanh Cẩm, Dĩnh và Sơn leo lên ngọn đồi không tên nầy để viếng mộ nàng. Dĩnh hái hoa rừng kết thành bó đặt lên mộ người yêu để tưởng nhớ nàng. Mường Hà đã mượn dòng sông Mã rũ sạch nợ trần để giữ vẹn lời thề sống chết với người mình thương. Sơn có giữ một kỷ vật của chị để lại, nhờ em trao lại cho Dĩnh. Đó là một lọn tóc thề được nàng dùng một mảnh vài trắng buộc chặt lại cẩn thận, như để tang cho mối tình bi thảm của nàng. 

 

Khi chiếc molotova chở tù cải tạo được trả tự do chuyển bánh về hướng tỉnh Thanh Hóa để lên tàu hỏa xuôi về Nam. Lúc xe chạy ngang qua ngọn đồi không tên, nhìn thấy cây gạo cổ thụ đứng sừng sững trên ngọn đồi, đôi mắt Dĩnh long lanh hai giọt lệ, chàng vẫy tay lần cuối chào vĩnh biệt Mường Hà. Con đường tù cải tạo đầy nhọc nhằn gian khổ, đổ mồ hôi lẫn máu. Dĩnh đã trưởng thành vượt qua số phận tù đày và căn bệnh mãn tính để tồn tại trên cõi đời nầy bằng ý chí và bằng đôi chân vững chắc của mình. Nhưng rồi, cũng không vượt qua được số phận nghiệt ngã phải chia lìa người yêu.

 

Xin trả lại em dòng sông Mã mưa đục, nắng trong đã liệm thân xác em. Xin gởi em những dòng nước mắt ngậm ngùi yêu thương, chứng tích tình yêu trong sáng của anh dành cho em. Xin trả lại em ngọn đồi không tên và cây gạo cổ thụ che chở ngôi mộ em trong những ngày sáng nắng mưa chiều và những ngày giông bão. Biết bao giờ anh mới có dịp trở lại nơi nầy để một lần được viếng thăm mộ em. Xin gởi em lời chào vĩnh biệt...

 

 

Nguyễn Vĩnh Long Hồ 

 

CHÚ THÍCH:      

Những nhân vật trong truyện nầy không mang tên thật để tránh những chuyện bất ngờ có thể xảy ra... và nếu có sự trùng tên là ngoài ý muốn của tác giả. Xin đa tạ!      

 

 

 

 

Trang Chính     Tin Tức - Bình Luận     Vinh Danh QLVNCH     Audio Files     Phỏng Vấn     Văn Học Nghệ Thuật     Tham Khảo