MỘT CHỖ TRÚ CHÂN…

 

 

 

Suốt hai tuần dài đầu tháng  6…

 

Khắp nơi trên nước Đức đã báo động lũ lụt.

 

Sát con đê, những cánh đồng đầy ắp hoa màu và lúa mì phút chốc tan biến trong cơn nước lũ.

 

Người dân lớp lớp không hẹn mà đã cùng nhau đến nơi nhóm cho cát vào bao, nhóm tải đi, nhóm mang những bao cát cột sẳn đắp sát chân đê hầu ngăn bớt phần nào con nước đang từng phút từng phút dâng cao.

 

Nước!

 

 

Mọi nơi chỉ thấy mênh mông giữa trời và …nước.

 

Dưới tầng hầm tới từng trệt, rồi chậm rãi như con ốc sên bò lên tận mái nhà. Đâu đâu cũng nhìn thấy một màu nước đục kinh hoàng.

 

Còn ở đây!

 

Thành phố Munich, nơi mà chúng tôi đang cư ngụ.

 

Xa độ hơn 100km  đến Passau nơi gần biên giới nước Áo.  Nếu có ai tận mắt nhìn thấy nơi đây  mới thấy cảnh tượng người người tay xách nách mang, họ gói ghém chút ít tài sản gọn nhẹ và vài ba bộ quần áo đeo trên vai …. rưng rưng nước mắt rời nhà.

 

Gần như con sông Isar.

 

Sông Isar, con sông nổi tiếng nơi này chạy dài không thấy đầu sông hay cuối sông ở đâu, nhưng có dịp đến nơi đây ai cũng muốn ghé tới để thăm nó một lần.

 

Mùa hè, sông Isar bạn tha hồ ngắm …người.  Lớp tắm lớp phơi nắng, lớp nướng thịt lớp nằm im lìm trên bãi cỏ óng mượt đọc sách, nghe nhạc hay nhởn nhơ bơi lội dưới làn nước trong veo.

 

Chỗ thì quần áo tắm hay Bikini đầy đủ, có chỗ thì giống như ông Adam và bà Eva ngày xưa không một chút thẹn thùng.  Đời sống càng văn minh thì nực cười thay, người ta lại muốn quay về thời ăn lông ở lổ.

 

Thôi thì đủ loại hình thức hưởng thụ của lớp người có chút ăn chút để ở Âu Châu nói chung và ở nước Đức nói riêng.

 

Mùa xuân cây cối trời đất trở mình, từ hoa thơm cỏ lạ đến những dãy anh đào hay hai hàng cây mận trắng  mọc chi chít  bên bờ sông nở rộ. Mùa thu hai bên lá vàng rơi phủ kín lối đi.  Khung cảnh vẫn cứ nên thơ lôi kéo hết lớp nhàn du này đến lớp nhàn du khác.

 

Đông sang cũng không khác gì, tuyết rơi trắng xóa phong cảnh hữu tình.  Người ta đi tản bộ từ hai bên bờ sông Isar đến Englisch Garten mà ví von với Center Park  ở Nữu Ước không biết nơi nào sẽ đứng hàng thứ hai.

 

Lạnh ư!

 

Ta ghé vào bảo tàng viện Haus Der Kunst nổi tiếng ở đây.  Xem tranh xong  tạt vào quán uống tách cà phê thơm lừng thưởng thức lát bánh ngọt với Mandel rang vàng óng hay mật ong trộn lẫn với Chocolade đủ loại.

 

Rời Haus Der Kunst, đi bộ chỉ vài ba bước chân ta lại gặp một cây cầu nhỏ bắc ngang con sông Isar.  Từ trên cao nhìn xuống dòng nước chảy xiết, sóng đánh cao quá đầu người….dưới đó những người trẻ gan dạ liều lỉnh và đầy đam mê với môn thể thao Surfen mà ta nôm na gọi là nhảy sóng.  Người xem đứng trên thành cầu đông không chỗ chen chân.

 

Đời sống ấm no an lành, cảnh trí như thế xem ra quen thuộc và  thú vị.

 

Nhưng, nếu chân cứ muốn bước đi ta hãy đi thêm một quãng nữa đến nơi mà không còn một bóng khách nhàn du nào cả thì ở đây là chốn trú ngụ của những kẻ không nhà.

 

Cứ xế chiều trở về khuya, họ lần lượt kéo nhau về đây.

 

Dưới chân cầu Isar, họ nằm chen chúc bên nhau.  Túi ngủ đủ màu, đủ loại to, ấm dày, mỏng ba bốn lớp quấn chặt vào thân rồi nón nỉ, nón len, nón dạ phủ đầu che kín mặt.  Thấp thoáng xa gần vài ba ngọn nến leo lét, chiếc đèn bảo, ngọn đèn pin yếu ớt lấp lánh ẩn hiện dưới màn sương.

 

Chỉ còn thấy ở đó những đôi mắt!

 

Đôi mắt đang nhìn chúng ta như những đốm sao mờ như thân phận những kẻ không nhà đang trú ngụ dưới chân cầu lạnh lẽo.

 

Nơi trú ngụ!

 

Chỉ là những chiếc thùng Karton dày to lớn hay những tấm nylon rộng.  Khi trở về khuya, nhiệt độ xuống dần hơi lạnh cũng từ đó tăng lên thì họ chui rúc vào đó nằm im lìm tìm một giấc ngủ ngon hay co ro chờ sáng.  Họ chờ mặt trời mau chiếu dội, chờ nắng ấm mau đến để xóa đi cơn lạnh bao quanh … Chờ điệp khúc ngày một ngày qua quen thuộc.

 

Suốt tháng 5 năm nay, thời tiết mưa dầm lạnh lẽo.

 

Họ, những người không nhà vẫn cứ đi về lầm lũi tá túc dưới chân chiếc cầu Isar này…..Rồi mực nước sông dâng cao, lấp dần lấp dần đến bờ.  Cuối cùng chỗ trú chân cũng đành chìm trong sóng nước.

 

Chuyện lũ lụt ở nước Đức.

 

Chuyện những kẻ không nhà dưới chân cầu Isar.

 

….. Đến hình ảnh gần gũi, quen thuộc mà chúng tôi được mục kích thường xuyên ở trước sân nhà.

 

 

Gọi là sân nhà  thật ra thì chẳng đúng ngôn từ một  tí  nào cả.  Đúng ra phải gọi là chiếc ban công nho nhỏ  độ ba thước dài và hai thước bề ngang. Ở đó chúng tôi bày biện chút ít hoa màu cho vui vào mùa hè và đến tháng 9 hay tháng 10 thì lại thu dọn gọn gàng để đón chờ mùa đông tới.

 

Hè!  Bọn chúng đi mất biệt.

 

Đi tìm mồi, cùng nhau bay lên ngọn bạch dương hay hàng cây cao hai bên đường.

 

Rồi thu, đông chúng trở về đây.  Nấp dưới hàng ghế mà mỗi khi mùa hè nóng nực chúng tôi hay ra ngồi hóng mát.

 

Xuân về, chúng  lại rộn ràng ca hát vang lừng như đón chào hội ngộ, như ngày hẹn hò gặp gỡ đã tới.

 

Cứ như thế, khung cảnh và thời gian quen thuộc tới lui, cứ qua rồi lại về như đoạn phim người ta muốn xem đi xem lại nhiều lần.

 

Đó là đám chim con trên cành cây trước nhà và vợ chồng bồ câu mà  lâu nay chúng đã là láng giềng quen thuộc của gia đình tôi.

 

Lâu rồi!

 

Từ khi nào bọn chúng đến đây tôi đã không còn nhớ được nữa.  Chỉ biết là một lần trời đất …nổi cơn gió bụi, mây giăng xám xịt một màu, ngọn gió lốc như muốn cuốn hốt tất cả những gì ở đây lên thinh không.  Hai con bồ câu nhỏ nhoi này đã ướt rũ rượi, chúng sợ hãi trốn chạy và đã ấn nấp dưới chân chiềc ghế ngoài hàng hiên này.

 

Hai con bồ câu!

 

Một con cổ cườm khá đẹp, điệu bộ kiểu cách chậm rãi bay lên xà xuống tìm mồi.  Một con lông xám nâu, bộ dạng có phần mạnh mẽ kiên cường… đầu sói!

 

Tôi chưa phân biệt được  đâu là chim trống, đâu là chim mái.  Chỉ đoán già là anh …. sói đầu kia chắc hẳn chồng còn chị cổ cườm xinh đẹp nọ là vợ ( cứ tạm cho là đúng như vậy biết đâu sẽ có nhiều điều thú vị hơn).

 

Nhà tôi đã có dịp cười vang khi tôi chỉ anh chàng bồ câu với đầu tóc… sói sọi kia .  Anh nheo mắt cười cợt nhìn tôi  và hỏi nhìn nơi nào … thấy sói và còn quả quyết đó là con chim trống?  Tôi nhất định chỉ chúm lông lưa thưa trên đầu anh ta  lẫn bộ dạng đi đứng hùng dũng oai vệ  và nhất là anh ta luôn luôn đi sau…. ve vãn chị cổ cườm.. ngần ấy lý do  chắc phải là con chim trống rồi.  Phần nữa, xem chị bồ câu cổ cườm….mông bự… đi tới đi lui ra dáng đỏm đáng, yểu điệu, còn bộ lông mướt mượt mượt ra chiều lúc nào cũng chăm sóc o bế …ngần đó không là con chim bồ câu mái thì ai vô đây?

 

Từ đó, mỗi khi mưa gió lạnh lẽo hay tuyết rơi bay bay phủ kín khung trời  thì  chúng tôi  lại thấy hai bóng dáng quen thuộc của chúng di động ngoài sân.

 

Còn nữa, cứ sáng sớm tinh mơ khi nhà tôi chuẩn bị thời Kinh Lăng Nghiêm thì chúng cũng đã đứng im ngoài khung cửa sổ.  Có lẽ chúng muốn cho chúng tôi biết sự hiện hữu thường xuyên này nên đã luôn luôn gù gù hai âm thanh thật  là dễ nhớ.

 

Lắm lúc tôi thật ngờ rằng chắc chúng cũng đã quen rồi chuông mõ và cũng đã luôn luôn nhớ đến những âm thanh thanh thoát này cũng nên.

 

Tuyết rơi mùa đông, mây mưa mờ che kín mùa thu, nắng hanh vàng  hay gió nhẹ khi xuân về .  Bất kể thời tiết thay đổi ra sao khi chúng trở về là lại đứng bên nhau, im lìm hàng giờ lâu, dúi dúi chiếc mỏ vào vào những sợi lông màu sắc lấp lánh hai bên cánh rồi đi lại tới lui quấn quít không rời.

 

Thu sang lá vàng rơi đầy, chúng tha về đây ôi thôi đủ thứ.  Nào những nhánh cây khô, chiếc lá vàng đầy màu sắc và những thứ lỉnh kỉnh khác lúi húi cùng nhau làm tổ.  Chắc là chuẩn bị cho mùa đông tới hay chim mái đẻ trứng hoặc là chiếc tổ con con này sẽ thêm chút ấm áp vào mỗi độ thay mùa.

 

Một lần mùa đông tuyết rơi….

 

Tôi đã đứng im thật lâu ngắm nhìn khung cảnh nên thơ bên ngoài khung cửa sổ này.

 

Sân nhà một màu trắng xóa.  Lốm đốm trên tấm thảm tuyết này chỉ là những dấu chân chim, bọn chúng  đang ở đó đi loanh quanh với những bước chân thật nhẹ nhàng hình như chúng cũng sợ mất đi tấm tranh tuyết vừa đang dựng lên. Hai chiếc mỏ con dúi dúi mổ vào những bông hoa tuyết…..chừng lâu khi chán chường tiếng gù gù nho nhỏ lại vang lên và cả hai đi nhẹ vào …nhà, vào dưới chân chiếc ghế quen thân thuộc lâu nay.

 

Lúc ban đầu, thú thật cùng các bạn là …tôi đã thật ghét chúng nó!

 

Chúng đến đây tha cỏ, tha rác vây bẩn đầy sân.  Vì thế mà tôi cứ phải rình rập bọn chúng.  Hể thấy chúng xà xuống chân tường là tôi vội vàng xua tay cho chúng bay đi.

 

Mà lạ kỳ!

 

Lần đầu tiên tôi chỉ gõ nhẹ nhẹ vào khung cửa kính là thoắt một cái chúng vụt bay mất.  Vậy mà những lần sau chẳng những chúng đã không bay đi mà còn ngoảnh mặt lại trơ trơ nhìn tôi.

 

Ôi!  Đôi mắt bồ câu kia nhìn tôi xem chừng như đang cười chế nhạo thì phải…..Hì hì  chị cứ đuổi, bọn em cứ   …không đi đâu cả.

 

Lần sau cùng tôi đã phải mở cánh cửa lớn và chạy ào ra như vũ bảo hai tay xua xua như đi đánh ..quân thù lúc đó bọn chúng mới chịu bay vụt đi mất.

 

Thấy cảnh tượng (chắc là khó coi)  như thế, một lần nhà tôi đã khuyên:  Em cứ để chúng tá túc nơi hàng hiên nhà mình đi, dù sao nơi đây bọn chúng cũng đã tìm ra một nơi an lành để trú ngụ mà.

 

Ngẫm nghĩ cho cùng.

 

Tại sao tôi cứ xót xa cho những kẻ không nhà nằm lạnh lẽo dưới chân cầu của con sông Isar kia mà ngay trước mắt mình chỉ là hai con chim bồ câu bé nhỏ chỉ cần một chỗ trú thân mà tôi lại cứ muốn đuổi xô cho kỳ được.

 

Chúng nó là hai hàng xóm hiền lành chưa một làm làm phiền phức cho tôi.

 

Chỉ là đi kiếm mồi.

Chỉ là quay.. về nhà nghỉ ngơi.

 

Và…mỗi lần như thế, cả hai lại gù gù lên những âm thanh quen thuộc như báo tin cho tôi biết rằng :  Chúng em đã về rồi đây.

 

Chỉ có thế chúng lại nhẹ nhàng đi vào căn nhà dưới chân ghế.

 

Bấc giác tôi nhủ thầm:  Thôi thì hãy xem nơi đây như nhà của chúng nó đi.  Hãy chịu khó quét dọn lúc chúng vắng nhà và thật vui vẻ chào đón khi chúng quay về.

 

Mực nước vẫn dâng cao cho đến ngày hôm nay.

 

Báo chí, truyền hình, radio vẫn loan báo tin tức lũ lụt mỗi ngày nhiều lần.  Tôi thầm cầu xin cơn nước lũ sẽ mau rút đi, mọi người nhanh chóng quay về căn nhà thân yêu quen thuộc của mình.  Mọi an lành may mắn sẽ đến với họ.

 

Sáng nay, bầy chim sẻ ríu rít ngoài sân.  Tiếng gù gù của cặp bồ câu láng giềng vang vang lên giọng điệu quen thuộc hàng ngày:  Chào chị buổi sáng đẹp trời, chị có khỏe không?

 

Ui! Tôi bỗng thấy hình như càng ngày tôi đã càng gần với bọn chúng hơn. Quá sức là gần với đám chim sẻ con trên cành cây trước nhà và cả với hai con bồ câu trước sân nhà. Xem kìa! Chúng đang chạy tới chạy lui ra chiều vui vẻ sung sướng làm sao.

 

Còn nữa, cái chị bồ câu cổ cườm đang ỳ ạch leo lên bệ cửa sổ phía bên ngoài nhìn đăm đăm vào nhà nơi tôi đang đứng cũng đúng lúc tôi đang chăm chú nhìn lại chúng nó.

 

Cái mỏ chép chép hình như thì thầm:  Cảm ơn chị, cảm ơn mái hiên nhà của chị đã cho chúng em tá túc lâu nay.

 

Tôi đưa tay xoa nhẹ lên khung cửa sổ và  hình như tôi cũng thì thầm trả lời: Không có chi, cứ ở đó đi…ở đến bao giờ các em muốn ở.

 

Tia nắng bình minh hắt lên một màu rực rỡ.

 

Mưa hôm nay đã ngừng rơi, những kẻ không nhà sẽ  được trở lại dưới chân cầu Isar quen thuộc, họ sẽ về nơi trú ngụ qua đêm và tìm được giấc ngủ an lành.

 

Căn chung cư nhỏ này giờ đây tôi lại bận rộn thêm lên với hai láng giềng bồ câu ngoài hiên.

 

Thỉnh thoảng tôi vẫn đứng nhìn ra và lại nhận được tiếng gù gù như chào đón :  Chị ơi!  Chúng em đang ở nhà…. Và trên cành cây tiếng ríu rít của đàn chim sẻ con để biết chúng đã tha mồi về đầy tổ.

 

Hình như tôi đã quá sức là vui?

 

Mấy lần có dịp đi xa, khi trở về việc đầu tiên là tôi chạy đến khung cửa nhà để nhìn ra xem hàng xóm của tôi ra sao.

 

Những khi đó, không một bóng dáng nào ngoài sân cả, tất cả im lìm vắng vẻ .  Tự dưng tôi thật buồn và nổi giận vu vơ:

 

Hai con chim bồ câu này, lại bỏ nhà đi đâu vậy?

 

                                     

Minh Trang

Munich, Germany

Tháng 7 năm 2013

 

 

 

Tin Tức - Bình Luận     Vinh Danh QLVNCH     Audio Files     Tham Khảo     Văn Học Nghệ Thuật     Trang Chính