LÃO GIÀBĂNG GHẾ MÀU XANH

 

 

Không biết năm nay là năm thứ mấy mà sáng trưa chiều.  Mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng rồi mỗi năm dài cứ lần lượt trôi qua.

 

Khi bước chân đến gần bến xe Bus là y như rằng tôi lại gặp lão ta.

 

Vẫn chiếc băng ghế màu xanh xuống màu cũ kỷ. Vẫn chiếc áo măn tô rộng hơn khổ người, bốn mùa vẫn như thế.

 

Hình ảnh một lão già ngồi yên bất động, trên tay luôn cầm một chai rượu cồn nhỏ loại mạnh, còn đôi giày chưa một lần được cột giây cứ vễnh hai bên lên như hai tai chú thỏ đen.

 

Gương mặt lão ta in thật nhiều vết sẹo như là đã trãi qua một cơn hỏa hoạn lớn, hai bàn tay cũng thế mấy đốm sẹo trắng hếu của lớp da đã chết hồng huyết cầu cứ nổi lên lồ lộ.

 

Ông ngồi đó cười cười với hầu hết những khách bộ hành đi qua lại, cả với đám người luôn hối hả lên hay xuống xe.  Nụ cười lắm khi ai cũng ngỡ là hình như ông quen biết hết thảy lớp người qua lại ấy.

 

Tôi không mấy thích nhìn lão già này.

 

Có vài khi lỡ ra hơi sớm, xe chưa kịp đến phải đứng đó để chờ vài ba phút là tôi cố ý như chăm chú đọc những tít in to trên những trang báo kê dãy dãy gần đó, tránh đi cái nhìn cười cợt của lão ta.

 

Ông già thật khó ưa.

 

Lão nhìn ai cũng y như rằng muốn soi rõ tim gan người đó.  Cũng tại cái nhìn của lão mà tôi cứ hoài nghi lão già không mấy nên nết này và không chỉ mình tôi hầu hết những ai ra đứng chờ xe Bus đều né xa chiếc băng ghế màu xanh đó dù ai ai qua lại lão cũng tự động xích nép lại một bên.

 

Lão muốn có ai ngồi chung?

 

Lão muốn trò chuyện với người khác?

 

Với tôi thì đó là một lão già cô đơn và say rượu khó ưa.

 

Tôi có nghĩ sai cho ông ta không?

 

Quả thật tình mà nói, từ năm nào đó đến nay tôi chưa hề một lần nhìn thấy lão ta say và cũng chưa một lần nghe ông ta thốt lên lời lẽ thô bỉ.

 

Nhưng mà…. Cứ cặp mắt nheo nheo, hí hí dưới ánh nắng mặt trời rồi gương mặt lem lem đầy sẹo cháy xém nhìn hơi …sờ sợ.  Tôi cứ tưởng tượng ra xưa kia chắc chắn lão ta phải là một tay găng tơ thứ gộc, nay trở về chiều đành phải chịu cảnh phế thãi như thế này.

 

Mùa nắng, lão cũng ngồi đó.  Với chiếc áo măn tô vừa dày cộm vừa nóng mà hình như lão không thấy ảnh hưởng gì cho mấy.

 

Mùa lạnh, tuyết rơi bay trắng đường lão cũng ngồi kia.  Thân thể lão ta hình như đã luyện một thứ khí công nóng lạnh gì cũng không làm sao xâm nhập vào  lão được.

 

Chỉ họa hoằn khi cơn mưa to đổ ào xuống, bến xe Bus chỉ độc có chiếc băng ghế màu xanh không mái che thì tôi mới thấy lão ta đứng dậy bỏ đi và …biến mất sau dãy chung cư 8 tầng cao bên kia đường.

 

Lão ta là ai?

 

Còn gia đình, vợ con cũng chưa hề có ai gặp mặt.  Lão sống hình như với chiếc băng ghế màu xanh nơi bến xe Bus còn nhiều hơn thời gian bất cứ ở đâu vì lúc nào ra đến nơi tôi cũng thấy lão ta ngồi yên ở đó rồi.

 

Tôi thật tình rất ghét lão già ấy.  Ghét mãi và đâm ra tránh né, lão già kỳ cục cứ nhìn ai cũng cười. Nụ cười méo mó, hai bàn tay thì sần sùi đầy sẹo còn cứ đưa đưa chai rượu.  Tôi ví lão ta như một con cú đêm đứng im trong bóng tối giương hai mắt rình mò…rình mò.

 

Cái ghét vẫn vơ này lắm khi tự nghĩ lại tôi có phần đỏ mặt, có hơi xấu hổ.  Thầm nhủ trong lòng phải tìm ra một lý do chính đáng.

 

Ừm!  Tôi ghét tại lão ở dơ?  Bộ quần áo quanh năm suốt tháng không hề thấy mang đi giặt.

 

Rồi ghét tại lão lười biếng không thấy đi làm lụng gì.

 

Còn đôi giày của lão nhìn tới tôi cũng ghét, cứ há mõm quanh năm không chịu cột giây cho ra vẽ đàng hoàng.

 

Nhưng lý do cuối cùng có lẻ hợp lý nhất là lão cứ cầm chai rượu trên tay.  Đúng, rượu chè cháy cổ cháy họng cháy tim gan.

 

À!

Đúng lắm, nhiều lý do để tôi ..phải ghét lão ta.  Từ say sưa nên nhìn ai cũng nhìn thật lố bịch, từ say sưa nên cứ cười trơ trơ, nụ cười vô duyên nhất trên đời.

 

Bây giờ mỗi ngày đi ngang qua lão, tôi mang một gương mặt lạnh lùng như những ụ tuyết mùa đông.  Lão cứ nhìn, cứ cười, cứ vẫy  vẫy hai tay như là người bạn thân tình lâu năm.

 

Mọi cử chỉ, mọi hành đông của lão ta, tôi vẫn hờ hững đi qua không hề đáp lại.

 

Mà trời ơi!  Cái sự gọi là cố gắng và kiên nhẫn của lão hình như vô cùng tận.  Vẫn mỗi ngày với cung cách ấy. Vẫn mỗi ngày với các thói quen, ô hay lão chẳng một chút nãn lòng.

 

Năm tháng dần qua, mỗi năm hình như lão lại già thêm chút ít, nhưng vẫn những cách thức quen thuộc kia hầu như chưa một lần đổi thay.

 

Lão  ngồi nơi chiếc băng ghế màu xanh ấy, màu xanh đã cũ dần có nơi không còn nước sơn chỉ đưa màu của lớp gỗ đen sì sì, còn lão hình như nhỏ thó hơn…vẫn đưa tay vẫy vẫy người qua lại, vẫn cười chào, lắm khi mở nắp chai rượu cồn bé tí tợp một hớp, khà một tiếng …xong đâu đó hý hoáy đậy nắp chai rượu lại rồi ngẩng mặt lên cười với …gió đông.

 

Còn tôi, cứ ngày lại ngày sáng bước lên xe Bus, chiều xuống xe ra về.  Cái hình ảnh lão già kia vẫn là hình ảnh quen thuộc như một điệp khúc của một bài hát mở đi mở lại vì máy bị …hư.

 

Một sáng đẹp trời.

 

Mùa xuân lại trở về, gió hiu hiu nhẹ nhẹ.  Mầm cây con vừa nhú, trời trong veo như một tảng gương được lau bóng loáng. Đám trẻ con ở khu nhà trẻ ào ra hát líu lo những bài hát quen quen.  Xen lẫn vào giờ tan trường của ngôi trường tiểu học quanh đó, tất cả đang ý a hò hét nào Rap, nào Rock đến đau đầu.

 

Bến xe Bus lúc nào cũng vậy, luôn luôn với cảnh ồn ào và náo nhiệt.

 

Một tuần nghĩ  ngơi, nay tôi lại lên xe trở lại công việc ngày như mọi ngày.

 

Trái với cảnh ồn ào của đám học trò, hình như tôi thấy có gì thiếu thiếu, có một cái gì đó chưa kịp nghĩ ra.

 

Quên mang vé xe? Có hẹn với ai hôm nay? Hứa với ai điều gì?

 

Hình như tất cả đều không phải.

 

Nhìn quanh quất, tôi muốn trí nhớ của mình phải ráng tập trung lại, phải nghĩ ra mình đang muốn cảm nhận một điều gì.

 

À! Lão già!

 

Lão đâu rồi?  Lần đầu tiên sau nhiều năm dài thiếu bóng dáng lão ngồi đây!

Cũng lần đầu tiên tôi nhìn thấy đám trẻ con túm tụm ngồi chen chúc nhau nơi chiếc băng ghế màu xanh cũ mèm.

 

Tôi ghét lão lắm mà sao hôm nay không thấy bóng dáng lão ta tôi lại ngẫn ngơ?  Sao hôm nay tôi lại để tâm nhiều đến chuyện thiếu bóng dáng lão già kia?

 

-      Minh!

 

Có tiếng gọi của người nào, quay lại thì ra Isabel, người bạn hàng xóm lâu năm của tôi.

-      Isabel đi đâu về với bộ trang phục này?

-      Đi dự đám tang ông Hans.

-      Ai là ông Hans?  Tôi nhìn Isabel và hỏi nhanh.

-      Ai cũng biết ông ta, chỉ có Minh là không biết sao?

-       

Tôi ngẫn ngơ nhìn người bạn hàng xóm, bà chỉ chiếc băng ghế màu xanh rồi đôi mắt chùng xuống nhẹ nhẹ như đọc những lời ca thật buồn …..

 

Hans hay ngồi đây, không hề biết đã trãi qua bao nhiêu năm rồi từ khi đám cháy xảy ra..

 

…Đám cháy đã xảy ra từ bên cao ốc kia, nhà lúc đó chỉ có hai đứa bé con 6 và 8 tuổi, cha mẹ chúng nó chưa kịp về nhà…phút chốc người ta nhìn lên chỉ thấy khói tuôn mù mịt.  Mọi người ai ai cũng đứng nhìn và gọi điện thoại kêu chữa lửa, kẻ thì luận luận bàn bàn đám cháy từ đâu?

 

Rồi có tiếng hốt hoảng kêu lên:  Trong nhà còn hai đứa bé, chắc là đã chết ngạt vì khói.

 

Đúng lúc đó thì Hans đi làm về, thấy lửa bốc ngùn ngụt ông chạy sang đã đập cửa rồi chạy vào và mang hai đứa trẻ ra, chúng đã mềm nhũn và bất tỉnh…

Đám cháy được dập tắt, cha mẹ hai đứa bé vừa về, xe cứu thương vang rền…và người ta đã vội quên ai là người đã chạy vào đám cháy cứu sống hai đứa trẻ ra..

 

Mấy tháng sau, Hans từ bệnh viện về.  Những vết thương từ cháy bỏng của lửa đã làm hình thù mặt mày ông biến dạng. Lửa đã cháy nám hai tay , lửa cháy xém mặt mày, lửa làm gân chân ông rút lại, cơn đau nhức mỗi khi trở trời bắt ông phải uống vài ba ngụm rượu để tìm quên……

 

Isabel vẫn kể nhưng hai bàn chân tôi đã khuỵu xuống, tôi phải lần lần tìm đến tựa vào thành ghế của chiếc ghế băng màu xanh nơi tôi mà tôi xưa nay vẫn ghét và không muốn nhìn hay ngồi vào, tai của tôi đã ù lên, mắt tôi không còn nhìn rõ và nghẹn ngào làm sao tim tôi hình như nhói đau.

 

Ôi!  Có thật như vậy sao?  Muốn làm anh hùng?  Không Hans không làm anh hùng mà chỉ  muốn thực sự là một người sống đúng với chính mình và có trái tim chân thật.

 

Có phải để có một trái tim chân thật mà người ta phải trả giá một giá quá ư là đắt như vậy hay sao?

 

Như Hans, ông ta đã trả hết suốt cuộc đời còn lại của mình cho một lần làm người sống với trái tim yêu thương chân thật đầy ắp tình người.

 

Còn tôi?

 

Lâu nay hóa ra kẻ đáng chê bai, khinh khi và miệt thị không phải là lão già dơ bẩn, say sưa lười biếng kia mà là..tôi.  Kẻ đã và chỉ biết đáng giá hời hợt xem xét bề ngoài.

 

Tôi thật đáng trách làm sao.

 

Isabel vẫn kể… còn tôi, tôi đã phải ngồi xuống chiếc băng ghế màu xanh từ lâu lắm rồi, chiếc ghế mà từ lâu nay tôi vẫn cố tình trốn tránh.

 

Hans!

 

Xin lỗi Hans thật nhiều, xin hãy tha thứ cho tôi.

 

Hai bàn tay tôi vẫn cứ sờ soạng quanh thành ghế, hình như đâu đây vẫn còn bóng dáng của Hans, của một ông già mà chiếc áo măn tô to rộng đã che chở cho ông ta bao nhiêu là vết thương cùng thân hình cháy xém đến độ thảm thương.

 

Hai bàn tay tôi vẫn xê dịch như vào hư không, muốn tự tát vào mặt mình như một lời cảnh tỉnh.

 

Ông không hề nhìn tôi lần nào sống sượng, cũng chẳng hề có ý vẫn đục nào khi chào hỏi hay vẫy tay cười, ông mang một cuộc sống bình an ung dung tự tại, chấp nhận định mệnh an bài không chút oán than.

 

Giờ thì tôi thật quá  sức là hối hận, niềm ân hận và ray rứt cứ nhiều thêm lên mỗi lần tôi phải đối diện với chiếc băng ghế màu xanh kia.

 

Lắm khi không có ai, tôi lại lần tay vào thành ghế, nơi Hans vẫn ngồi, nơi Hans đã chào tôi, nơi ông cười…nơi ông nói bâng quơ.

 

Xin vẫn một câu:  Hãy tha thứ cho tôi.

 

Nắng chiều lại lóe lên vài tia sáng rực rỡ.  Nắng chiếu thẳng vào nơi chiếc băng ghế màu xanh, hình như có ai đó đang ngồi, bàn tay lại vẫy…  vẫy chào rộn rã.

 

Tôi không chút e dè, bước nhanh chân vài bước lại gần….. lại thật gần….

Chỉ còn có bóng tôi và chiếc băng ghế màu xanh.

 

Minh Trang

Tháng 11 năm 2010

Munich, Germany

 

 

 

 

Vinh Danh QLVNCH     Tin Tức - Bình Luận     Audio Files     Tham Khảo     Văn Học Nghệ Thuật     Trang Chính