Chuyện kể sau ngày 30 tháng 4

 

Ký Gà

 

 

 

Từ hai tuần nay, trên báo, trên mạng xã hội những chuyện kể ngày 30 tháng Tư.


Cũng phải, 48 năm rồi, phải kể chớ không nó quên – lest we forget, nhứt là khi những người kể đã thuộc hàng 7, 8 bó trở lên, thấy trời gần và đất cũng gần rồi.


Ký Gà cũng có chuyện 30 tháng Tư, nhưng thấy chuyện của mình so với chuyện của bà con thì quá tầm tường, nỗi đau của mình so với nỗi đau của bà con thì quá nhỏ bé, mất mát của mình so với mất mát của bà con quá ít ỏi, nên không dám kể ra.


Bởi vậy cho nên tới bữa nay mới dám góp chuyện, cũng là vì sợ “để lâu sẽ mất”. Mất mát đó không phải cho chính mình và những người thuộc thế hệ đang dần về với ông bà mà cho đám trẻ sau nầy. Mà, nói thiệt, lo hơn nữa vì thấy đang mất, bởi nhìn lại thấy đã “mòn” bộn rồi.


Đó là chuyện chữ nghĩa sau 30 tháng Tư.


Số là thời KG chưa dzìa hưu, hồi còn làm siêng bước vô tòa soạn Thời Báo, KG vẫn thường xuyên được các em cháu nhỏ tuổi hỏi thăm. (Hổng phải “hỏi thăm sức khỏe” nghen vì khi được các em hỏi thăm là chuyện KG mừng hết lớn). Phần lớn, những câu hỏi của cáu là chú ơi, chữ nầy con dùng như vầy có trúng hông?


Bởi các em được dặn rằng “coi chừng chữ …Việt cộng”.


Ai cũng biết bà con ở ngoài nầy, đọc báo tiếng Việt, đều muốn biết các tin tức ở trong nước.


Nhưng để có tin trong nước, phải dựa vô các tin của báo chí trong nước – dù là báo quốc doanh, trừ phi có đặc phái viên, phóng viên thường trú hoặc văn phòng địa phương ở trong nước (Cộng tác viên trong nước, Thời Báo cũng có, nhưng không đủ). Những chủ bút, biên tập viên có tay nghề thường phải “edit” lại, nghĩa là trình bày cái mà mình đọc được “giữa những dòng chữ.”
Sau đó, các thông tin đó được lên báo đến với độc giả qua hai cách. Hoặc là ở dạng thông tin thuần tuý, hoặc là thêm vô một cách kín đáo nhận định, quan điểm của mình. Nhưng không “nguyên con”.


Hổng phải báo nào cũng làm như vậy được, bởi không “có nghề” hoặc “không có tiền.”


Thời Báo là tờ báo… kỳ cục nhứt trong số các báo ở Canada và cũng kỳ cục nhứt nhì trong số các báo ở Huê kỳ. Đó là bị độc giả săm soi từng câu, từng chữ. Hơi một chút là viết, là phôn vô mắng mỏ.


Trong lúc đó, có những tờ báo khác rinh nguyên con, không thiếu một dấu phết (chỉ gạch bỏ…xuất xứ hoặc tên tác giả, như ABC, Công an Thành phố…) nhưng … bình an vô sự!


Tỷ như có lần, TB đăng một tấm hình về một địa điểm ở Việt Nam, trong hình có một cái cờ của Cộng hòa Xã xệ Chủ nghĩa Việt Nam. Ngày hôm sau, tòa soạn nhận được phôn, mắng mỏ là “Treo cờ VC trên báo”. Rầu hết sức, nếu vậy hỏng lẽ các tờ báo Tây đăng những tấm hình được các phóng viên chiến trường chụp ở I rắc, A phú hãn, Libya… đều mắc tội treo cờ khủng bố IS?

Còn chuyện “xài chữ Việt cộng” thì khỏi nói. Hầu như vài ba tuần lại có một cú điện thoại, hoặc về sau nầy, một cái email.


Trở lại với chuyện chữ nghĩa ở Thời Báo nghen.


Nói cho ngay, hồi đó KG khá dốt (nay còn dốt hơn, vì già thêm), may nhờ được sự chỉ bảo của (và dựa hơi) ông cố chủ bút Nguyễn Quốc Hùng (tác giả Từ điển Hán Việt và dịch giả hàng chục tiểu thuyết cổ điển lẫn tân thời của Trung Hoa – Trung Hoa chớ không phải Trung quốc, từ Hồng lâu mộng tới Những cuộc tình Hương cảng) nên cũng sáng mắt ra chút đỉnh. Bởi vậy, cũng làm le chỉ dẫn cho em cháu và được các em tin cậy… chút đỉnh. Rất tiếc, ổng tài hoa bạc mệnh, mất sớm nên KG mất chỗ dựa vững chắc. Được cái hên, nhờ còn giáo sư Hoàng Minh Hùng và giáo sư Lý Anh để nhờ vả, thêm vào đó là hai cuốn Từ điển Hán Việt của cụ Thiều Chửu và cụ Đào Duy Anh và một số từ điển trên mạng, nên KG cũng đỡ hụt giò. Gặp câu hỏi bí quá, KG thường sử dụng chiêu hưỡn binh “Chú hổng biết, để chú tìm hiểu rồi trả lời sau nghen.”


Về chuyện “chữ Việt cộng” Lúc đó, KG đã giải thích cho các em rằng không có chữ VC mà chỉ có chữ được VC dùng, và bị VC dùng sai, dùng tầm bậy không trúng chỗ, cùng những chữ mà họ nhập cảng (không phải nhập khẩu) từ Trung cộng về để xài.


Tất cả các chữ đều có quyền sống, quyền… làm chữ vì nó là phương tiện để ghi lại, và truyền lại kiến thức của con người.


Hồi 1975, sau khi “tiến về Sài gòn”, Việt cộng không hề có cầu chứng tại tòa chữ nào hết. Họ bưng vô miền Nam một rổ chữ sẵn có ở ngoải để xài. Tội nghiệp dân miền Nam phải tự dịch cho nhau để tạm hiểu “bên thắng cuộc”, nhiều lúc, dịch sai hay hiểu sai đã phải trả giá đau thương. Những từ mới đầy xảo trá và gian dối hồi đó, như “lưu dung” – hiểu lầm là lưu dụng, tới khi bị sa thải mới biết chỉ có nghĩa là xài tạm rồi quăng, “học tập” nghĩa là ở tù, “đánh tư sản” là ăn cướp, v.v…


Rồi sau đó, khi báo chí cách mạng trăm hoa đua nở, phải có thêm chuyện để bán báo vì chuyện chánh trị dăn chán ngắt, họ mới “chế ra” những chữ tầm bậy, trật lất nhưng cứ vậy mà thi đua, a dua xài búa xua, bất chấp quy luật của ngôn ngữ, để có những từ ngữ thuộc loại quái thai, dị hợm.


Điều tức cười (tức mình mà không thể nín cười) là mặc dầu có tới hàng ngàn phương tiện truyền thông (gọi tắt là “báo đài”), hàng chục ngàn nhà báo (gần như tất cả đều tốt nghiệp đại học) và cũng hàng chục ngàn giáo sư tiến sĩ, phó tiến sĩ, họ đều…làm biếng (nhưng khoái xài chữ cho kêu rổn rảng). Thêm vào đó là tánh chưa phải là trưởng giả nhưng học làm sang.


KG chỉ cho các em rằng viết là sử dụng chữ nghĩa. Ngay chính hai chữ “chữ nghĩa” đã mang sẵn “ý nghĩa” rồi, và mỗi chữ có một nghĩa khác nhau. Đặt chữ vào đúng chỗ mang đúng nghĩa của nó để diễn tả điều mình muốn nói, đó là viết. Vậy nhưng, như đã nói ở trên, Việt cộng… làm biếng tổ.


Rồi KG dẫn vài thí dụ của những chữ bị xài nát nước, lặp đi lặp lại (do làm biếng) tới mức người có chút suy nghĩ phải đặt câu hỏi “Hổng lẽ tiếng Việt nghèo tới cỡ đó hay sao”?.


Chữ “phát hiện” chẳng hạn. Tiếng Việt có phát minh, phát kiến, phát giác, khám phá, tìm ra, tìm thấy, tìm được…Giàu lắm chớ, và nếu được dùng đúng nơi đúng chỗ, hay lắm chớ. Nhưng nếu đọc báo VC, bạn sẽ thấy chỉ có… phát hiện.


Rồi “bức xúc”. Cái gì cũng bức xúc hết trọi. Họ làm biếng (không dám chê họ dốt) không thấy rằng có nhiều chỗ, đặt những chữ bực dọc, bực bội, bất mãn, bất bình, không bằng lòng, không thỏa mãn… vô sẽ trúng và hay hơn rất nhiều.

Từ “hoành tráng”, theo Hán Việt từ điển của học giả Đào Duy Anh, chỉ có nghĩa là quy mô to lớn nhưng nay mọi thứ đều hoành tráng tuốt luốt, từ mấy cái đám cưới hoành tráng tới luôn cả những… “cậu nhỏ” hoành tráng!


Những chữ vừa kể ở trên đâu có tội gì, mà cũng hổng phải do VC sáng tạo ra. Chúng có sẵn từ lâu, và cũng hay lắm chớ, nếu được dùng đúng nơi, đúng chỗ. Nhưng vì bị lạm dụng do làm biếng và… bày đặt, đua đòi, bắt chước, a dua nên tạo ra sự khó chịu, chướng tai gai mắt và dĩ nhiên là… trật lất!


Vài thí dụ về chuyện chưa phải là trưởng giả nhưng đã học làm sang là chuyện nhập cảng chữ của Tàu (cộng) về, cho rằng phải dùng mới sang, trong lúc ở tiếng Việt những từ này đã có sẵn, vả dễ hiểu hơn nhiều (nhưng …hổng sang?): Ca từ: lời bài hát; đại trà: ở mức độ rộng hơn, ở quy mô lớn; phản cảm: trái tai gai mắt, khó chịu, xốn mắt, đáng ghét…


Rồi cũng vì cái tánh “làm le, khoái xài chữ cho nổ”, chưa kể tới chế ra chữ ngớ ngẩn, ghép một chữ Hán với một chữ Nôm, như “cát tặc”, gần đây hơn, “cưỡng hôn”, đọc mà… hết biết.


Hoặc sử dụng lung tung bất chấp văn phạm: danh từ làm động từ, động từ làm danh từ. Tỷ như chữ “sở hữu”, một danh từ (Việt Nam tự điển, Hán Việt tự điển của Đào Duy Anh đều nói vậy hết), nhưng bị mang làm động từ một cách khơi khơi: Nàng sở hữu chiều cao 1.70 mét, Ca sĩ AA sở hữu một thể hình…” (Ông thầy Anh văn ESL của KG nói tiếng Ăng lê có xài chữ possess – sở hữu, như một động từ, nhưng khi dịch động từ nầy sang tiếng Việt thì nên xài chữ “có” hay “làm chủ”). Ấn tượng, một danh từ khác, cũng bị mang làm động từ “Tôi rất ấn tượng với…” thay vì “Tôi có/ bị ấn tượng…”. (Cũng ông thầy ESL của KG nói, tiếng Ăng lê cũng vậy I am impressed là tui bị ấn tượng, còn khi nói I impress thì có nghĩa là tui gây/tạo ấn tượng). Tâm tư, vốn là một danh từ, có nghĩa là “nỗi lòng” hay “niềm riêng” được xài như động từ, vời nghĩa “băn khoăn, lo lắng, nghĩ ngợi…”.


Hoặc khoái chữ Tây, tính dùng chữ “týp” thay vì chữ Việt “loại”, nhưng lộn thành “tuýp”, có nghĩa là… cái ống!


Nãy giờ, khoe khoang mấy ông thầy chắc đủ rồi, xin trở lại với mối lo của KG. Mối lo mất mát sự giàu có, phong phú, xúc tích, bóng bẩy của tiếng Việt ở “ngoài nầy” (ở trong nước mất rồi).


Đó là chuyện ít lâu nay, cách dùng chữ làm biếng đó đã xâm nhập vô văn chương, chữ nghĩa của những người viết ở Huê kỳ, Canada, Úc châu, Âu châu…


Đọc sách, báo ngoài nầy, KG thấy lo không phải cho chính mình và những người thuộc thế hệ đang dần về với ông bà mà cho đám trẻ sau nầy.


Những chữ phản cảm, búc xúc, ca từ, sở hữu, hoành tráng, tư vấn… đã … “vô tư” xuất hiện bộn trên mặt báo, trên các trang sách… của những người viết mà KG biết chắc rằng là “phe ta”. Thậm chí cả “cặp đôi” (đã cặp rồi còn đôi nữa thì thành…bốn), “tuýp người”…


Thiệt tình, “tâm tư” quá!

 


Ký Gà

 

Tái bút: Xin giới thiệu cùng bà con một trang blog giá trị để tham khảo tiếng Việt trước và sau 1975

http://tieng-viet-dtk.blogspot.com/

Ở Facebook cũng có một số nhóm, diễn đàn về chữ nghĩa như

 https://www.facebook.com/groups/910606849005609/

 

 

 

Tin Tức - B́nh Luận     Vinh Danh QLVNCH     Audio Files     Tham Khảo     Văn Học Nghệ Thuật     Trang Chính