Về thành

 

Bác sĩ Phùng Văn Hạnh

 

 

Liên khu V, trong thời kháng chiến chống Pháp gọi là vùng tự do. Vùng Pháp kiểm soát gọi là vùng bị chiếm. Song khi về thành, tức là vùng bị chiếm, tôi thấy mình tự do hơn nhiều. Cha mẹ tôi buộc phải về quê cũ vì tằm tang nơi tản cư dần dà thêm khó khăn. Phải đi hái dâu rất xa. Dân chúng nghèo dần nên mãi lực kém đi. Tơ lụa làm ra bán không chạy. Ở quê thì cả một cơ ngơi bỏ hoang, cần được bàn tay chăm sóc. Mặc dù nguy hiểm cha mẹ tôi quyết định hồi cư.

 

Dọc theo biên giới hai vùng tự do và bị chiếm, trạm kiểm soát công an chằng chịt khó lòng trốn thoát. Phải vào trình giấy thông hành hợp lệ. Còn đồn Tây và Bảo an thì lơ thơ vài cái, đi lọt qua rất dễ. Đi lại trong vùng tự do, các điếm canh dân quân cùng khắp. Một lần tôi đang giải bài toán hình học, cha tôi sai đi công việc. Tôi ra đi, mang theo tờ giấy có vẽ bài toán hình. Thỉnh thoảng đến một gốc cây, tôi kê tờ giấy lên thân cây vẽ thêm vài nét để tìm lời giải. Anh dân quân theo dõi tôi khi nào không biết. Anh bắt tôi dẫn về Ủy ban xã, nghi là tôi vẽ bản đồ chỉ chỗ cho máy bay Pháp bắn phá. Tôi đã nói đây là bài toán hình học song họ không tin. Tôi bị giam một ngày. Cuối cùng có người hiểu được hình vẽ, tôi mới được ra về.

 

Muốn từ vùng tự do ra vùng bị chiếm (vùng quốc gia) phải đi xin giấy Công an khu, đóng một nơi bí mật, mà có đầu mối chỉ dẫn mới biết. Đã thế phải mất ba ngày đi, về, chầu chực mới được giấy. Vì đã buộc cha tôi tản cư trong giấy phóng thích, nên giấy thông hành cấp cho gia đình tôi, không phải là về làng cũ vùng bị chiếm mà về quận Thăng Bình còn thuộc vùng tự do. Cha tôi quyết định về Thăng bình, tạm trú ở nhà dượng Phó Thiệu rồi sẽ liệu sau. Thế là giả từ nhà tranh xiêu vẹo làng Hội yên, nơi tạm trú ba năm tản cư, lên đường về quê cũ. Ai gánh được thì quảy đôi thúng, số còn lại mỗi người một ba-lô đeo sau lưng, tất cả 8 người, trong đó có 2 em bé 10 và 8 tuổi. Phải mất ba ngày đêm đi bộ từ Bình định về Quảng Nam, dọc theo quốc lộ, tối thì vào điếm canh bỏ trống mà ngủ. Đến nhà dượng Phó Thiệu, cha tôi mới bàn kế cùng dượng vượt qua trạm công an giữa vùng tự do và bị chiếm. Dượng Thiệu có người con là Tiểu đoàn trưởng bộ đội, nên cũng đuợc trọng nễ ở vùng đó. Rất may là dượng có nhiều kinh nghiệm dẫn dắt mấy người buôn hàng lậu. Ở nhà dượng ba ngày để lấy lại sức. Đến đêm thứ ba, nửa khuya dượng cầm đèn pin, dắt chúng tôi theo đường ruộng, rồi đi vào một rừng thưa. Mãi gần sáng chúng tôi mới đến gần Trà Kiệu, sau một đêm ì ạch đi trong đêm tối, đường sá ghập ghềnh, và suýt một lần chạm mặt với một nhóm tuần tiểu công an. Dượng từ biệt chúng tôi trở về Thăng Bình sau khi chỉ dẫn đường về Tuý La.

 

Lúc tôi về làng cũ đầu năm 1952, dân làng đã trở về gần hết, và quen dần với lối sống vùng xôi đậu. Tuy buồn chán, song tôi cũng quyết tâm giúp đỡ cha mẹ trong việc đồng án.

 

Thấy tôi làm lụng cực nhọc mà không có tương lai, cha tôi khuyên tôi nên trốn ra thành phố để học tiếp vì dù chi tôi cũng có bằng trung học. Một sáng sớm, một người trong làng, thường ra Đà-Nẵng mua đồ ngoại hóa về bán lại cho con buôn từ Liên khu V về, dẫn tôi đi xuống Vĩnh Điện. Đoạn đường khó nhất vẫn là từ nhà tôi ra xa tỉnh lộ. Đi giữa ban ngày vì Tây và lính quốc gia hay đi lùng ban ngày. Dân quân lẫn trốn trong xóm, song vẫn để mắt trông xem có ai ra đồn địch không. Quả nhiên mới xuống đến làng Thanh Luông, thì dân quân xuất hiện, đứng đợi chúng tôi ở đàu đường để bắt. May thay lúc ấy có một toán Bảo An, đóng ở Lô cốt Bến Hục, làng Phong Thử, đi tuần, trang bị súng ống, xuất hiện ở sau lưng chúng tôi. Bọn dân quân trước mặt lũi mất. Bảo An đưa tôi về lô cốt Bến Hục. Đồn trưởng là người cùng làng, đã từng ở tù với cha tôi, nên cấp giấy cho tôi xuống Vĩnh Điện. Ra đến tỉnh lộ, tôi đi trên đường, ngang qua nhiều đồn bảo an đóng trong lô cốt, song không ai hỏi giấy tờ gì cả. Đến quận Vĩnh Điện, tôi vào trình diện phòng an ninh quốc gia, họ cấp ngay giấy tờ cho tôi xuống Hội An. Tại đây Ty an ninh tỉnh cấp giấy cho tôi ra Huế học. Mọi sự dễ dãi không ngờ. Tôi vào gặp anh ty trưởng an ninh quốc gia, chừng 30 tuổi đeo kính cận thị. Anh thân mật hỏi tôi vì sao về thành. Tôi nói là tương lai tôi ở vùng Việt cộng không có lối thoát. Không có trường để học. Muốn ra đi dạy, họ không cho. Mình cũng yêu nước như ai, song họ độc quyền yêu nước. Họ bảo phải yêu nước kiểu như họ (câu yêu nước là yêu XHCN đã bắt đầu lưu hành lúc ấy). Không có việc gì làm, sẽ bị ghép vào thành phần vô nghề nghiệp, đi tù là cái chắc. Hoặc phải xung phong đi bộ đội. Thấy nghẹt thở, khó sống. Anh ty trưởng bảo: “tương lai nước nhà hiện tại cũng mù mịt lắm. Phe quốc gia chưa mạnh đủ, để người Pháp trao lại nhiều quyền hành hơn. Ở tuổi anh chọn học vấn là con đường khôn ngoan”.”

 

Trước khi ra đi cha tôi viết thơ, gửi gắm tôi cho Linh mục Nguyễn Tưởng. Cha là cha sở họ La-Nang. Tôi đã chịu rước lễ lần đầu và thêm sức dưới thời cha quản nhiệm. Sau khi CS cướp chính quyền, chúng bắt đầu kiểm soát sinh hoạt tôn giáo. Vì biết CS có chủ trương tiêu diệt tôn giáo nên Đức cha Lê hữu Từ đã phát động phong trào Công giáo tiến hành. Cha Tưởng đã giao cho cha tôi tổ chức CGTH trong họ đạo La Nang. Cũng vì chuyện nầy mà cha tôi, anh tôi cùng nhiều người trong họ đạo bị bắt đi tù và bị tra tấn dã man. Bọn CS chưa dám bắt cha Tưởng vì chưa đến lúc. Lúc Pháp từ Đà- Nẵng tràn ra chiếm vùng lân cận, cha đã giả dạng làm người đi buôn, gánh đôi bầu đi ngược về phía quân đội Pháp, và được Pháp đón tiếp. Nếu cha vẫn ở nguyên La-Nang chắc là cha đã bị bắt thủ tiêu. Sau nầy cha làm tuyên úy cho Bảo an Đoàn, dưới thời Bảo Đại, và làm cha sở cho họ đạo Hội An. Đến Hội An, tôi đến thăm cha ngay. Cha cho tôi ở trong nhà, sắm sửa áo quần cho tôi, viết một lá thư gửi gắm tôi cho một ông câu họ Phú Cam, cho tôi một số tiền tiêu dùng và vé xe đi ra Huế học. Tôi đi xe đò từ Hội An ra Đà-nẵng rồi lấy xe hỏa đi Huế. Những kỷ niệm thời đi học Pèlerin bùi ngùi sống lại: nào xe vào Hầm Sen tối om dài dặc, xe đi ngoằn ngoèo giữa ngọn Hải Vân phủ mây trên cao và bờ biển lởm chởm dưới xa phủ bọt trắng xóa, xe lượn khúc quanh Lang Cô nhà cửa lưa thưa, lưới cá phơi thấp thoáng trên bải cát.

 

Nghĩ đến mấy thầy cũ, nên đến ga Huế, tôi lại đi bộ đến trường Pèlerin. Vào gặp thầy hiệu trưởng, không phải là người Pháp như xưa mà là một sư huynh người Việt, trước kia hay đứng coi trật tự trên dortoir. Nhắc chuyện cũ với thầy và khi thầy biết từ chiến khu CS về thành, thầy mừng rỡ và ân cần mời ở lại trường chơi vài ngày. Tôi lại có dịp lên dortoir ngủ, ăn cơm ở réfectoire, nhưng lần nầy tôi có danh dự ngồi với các sư huynh trên bàn dài, nhìn xuống học sinh nội trú. Nhớ lại lời hứa với thầy Gonzague, tôi muốn trở lại chuyện tu trì để thành sư huynh, nhưng lại cảm thấy không có ơn kêu gọi và hứng thú. Mấy ngày trở lại trường cũ, những kỷ niệm thân thương thiếu thời trở lại nặng trĩu trong tim. Nào nhà nguyện, mỗi tôi đọc kinh thành khẩn, mà đau bụng cũng cầu xin cho bớt chứ không đi bệnh xá. Nào bờ sông Hương chảy dọc sân vận động trường, mà có lần tôi đứng ngắm mê mẫn, hồi tưởng ngày bé thơ tắm sông Thu Bồn ở quê, đến nỗi một sư huynh, sợ tôi té xuống sông, nắm tay đắt tôi vào sân chơi và cấm không được thơ thẩn ra bờ sông nữa. Nào những bửa tối ở réfectoire, mua vụng cơm cháy ăn đỡ thèm. Nhớ Giáng sinh cùng các bạn hùn tiền mua thêm con gà quay, và rượu vang để thêm vui nhộn: ôi những kỷ niệm thân thuơng ấm áp!

 

Rồi phải từ biệt các sư huynh, tìm đến nhà ông câu họ ở Phú Cam như cha Tưởng gửi gắm. Ở trong nhà được một tuần, ông dẫn tôi xuống nhà một người bà con của ông, làm cảnh sát, để tôi trọ học. Nhà nầy trong khuôn viên trường Thiên Hựu. Tôi ăn cơm tháng ở đó luôn. Tôi dọ hỏi mới biết còn hai tháng nữa là thi tú tài I. Tôi nộp đơn thi, nhưng thi hỏng vì chuẩn bị không chu đáo. Vả lại tôi chưa học qua lớp đệ nhị. Kỳ hai tôi cũng thi hỏng nữa. Trong cái rủi cũng có cái may. Lúc soạn thi tú tài I, tôi có làm quen với học sinh trung học Khải Định để mượn bài vở. Họ đậu tú tài I năm ấy và vào Đệ nhất Toán lý hóa năm sau. Đang học nửa năm thì họ bị động viên vào quân đội và việc học phải dang dỡ. Năm sau tôi học lại Đệ Nhị chương trình Pháp ở Thiên Hựu và khỏi bị động viên.

 

 

Bác sĩ Phùng Văn Hạnh

 

 

 

 

Trang Chính     Tin Tức - Bình Luận     Vinh Danh QLVNCH     Audio Files     Phỏng Vấn     Văn Học Nghệ Thuật     Tham Khảo