Thăm nuôi
Bác sĩ Phùng Văn Hạnh
Chị Nga đang sửa sọan đồ thăm nuôi cho chồng. Mấy đứa gái lớn phụ gói đồ ăn khô và bỏ vào túi ny-lông. Thằng con út, nay đã năm tuổi đứng trên ghế, bên cái bàn chất đầy đồ ăn. Nó cầm gói mít khô lên và hỏi: “gửi cho ba hả mạ”? Mạ nó ừ. Thấy trong mắt nó có vẻ thèm, mạ nó lấy cho nó ít lát.
Ăn hết mấy lát mít khô, nó lại cầm lên gói kẹo và hỏi: “kẹo nầy cho ba hả mạ”? Thấy mẹ không trả lời nó nói thêm: “ba ăn nhiều quá”! Mấy chị nó la: “thằng con bất hiếu, ba ở trại đói lắm, nên mới gửi nhiều cho ba”. Biết là con thèm, song phải làm ngơ. Buôn bán cực khổ, mà chỉ dư chút ít, nên phải tiện tặn từng chút. Cứ ba tháng thăm nuôi một lần. Mỗi lần buôn có lời một chút thì mua ngay một ít thức ăn khô để dành cho kỳ thăm nuôi tới. Tháng trước buôn mực từ Phan thiết về, phải quấn mực khô vào người, và mỗi lần đến trạm kiểm soát phải bôi dầu Nhị thiên đường để át mùi mực. Buôn mực lời cũng khá khi bán lại ở Saigon. Tuy thế đi được vài lần phải đổi buôn thứ khác. Bị bắt là mất hết. Mấy đứa gái lớn cùng mấy cậu con trai chia phiên nhau coi cái quầy bán chè đậu xanh, và các loại bánh ngọt để ở cổng nhà cũng thâu được ít tiền để chúng mua giấy bút đi học. Tối, mấy mẹ con lục đục nấu chè để bán ngày hôm sau. Chè bán không hết thì mấy đứa con ăn, khỏi tốn tiền quà. Mỗi lần thăm nuôi, quan trọng nhất là thịt, từng miếng to bằng bàn tay, kho rim mặn và ngâm trong mở heo. Cá khô, mắm cái, ruốc, là những đồ ăn để lâu được. Đường, kẹo chuối khô, mít khô, cần cho lao động nặng. Thuốc rê, trà là để giải buồn. Nghĩ đến chồng giải nắng dầm mưa, ăn uống kham khổ, làm lụng cực nhọc, nàng thấy ứa nước mắt. Bởi thế nàng cố giữ thăm nuôi đều đặn, và đồ tiếp tế dồi dào. Song cũng không thể gửi quá nhiều. Phải dưới 40 ký-lô, để chồng có thể gánh vào trại. Tuy thế mấy mẹ con phải ăn uống rất dè xẻn. Bạn đứa con đầu đến nhà học chung, ở lại ăn cơm. Mâm dọn ra độc nhất chỉ có đĩa giá xào. Con chị la đứa em là đừng gắp nhiều giá, để cho khách ăn. Thằng em phụng phịu nói qua nước mắt: “mỗi miếng cơm, em chỉ gắp có một cộng giá, mà chị cũng la em”. Qua Canada, xứ dư thừa, phung phí thức ăn, nhắc chuyện cũ cuời ra nước mắt. Ăn đã thế, ở cũng là kham khổ. Tám người ở trong một căn phòng 4mx4m. Bốn đứa con trai trải chiếu ngủ trên nền xi-măng. Nga và ba cô con gái ngủ trên hai giường chật hẹp dọc theo bờ tường. Học hành làm bài vở thì ra hàng hiên. Nhà bếp cũng ở góc hiên, gặp trời mưa thì dời vào phòng. May mà dùng hỏa lò than cũng ít khói. Nước uống, tắm, giặt dũ phải tiết kiệm tối đa vì phải gánh từ giếng về. Nhớ hồi ở Đà-Nẵng nhà cửa thênh thang. Nay bị tịch thu rồi. Vào Saigon phải ở chung với nhiều gia đình khác, chật chội, eo sèo.
Từ Saigon ra Tiên lãnh hơn 1000km. Năm đầu thường đi xe ca, mấy năm sau đi xe lửa. Từ Tam kỳ lên Tiên lãnh là 50 km đường đất, lúc đầu phải lội bộ. Những năm ấy, thật đắng cay. Sau khi chồng bị bắt, tìm ra Đà-nẵng, thì giám thị trại tù không cho gặp. Lại phải trở về Saigon lo cho con cái. Bảy đứa con, mà đứa đầu mới 12 tuổi, đứa út một tuổi. Tối đến xót xa cho thân phận lại khóc. Nhưng rồi phải gượng dậy.
Ngồi ăn núi lở. Còn ít vốn phải lo kiếm ăn. Bắt đầu buôn thuốc tây, rồi buôn vải, buôn cá, mắm từ Phan thiết về. Chuyện thăm nuôi chưa có một kinh nghiệm nào. Nghe chồng đã lên Tiên lãnh, song không biết chỗ nào. Ra Tam kỳ hỏi thăm, rồi nhờ xe thồ chở đồ thăm nuôi đi trước, một mình lếch thếch theo sau và không ngờ đường xa vời vợi, núi non trùng trùng. Vào nhà thăm nuôi cán bộ dặn là không được khóc, phải vui vẻ khuyến khích chồng lo học tập cải tạo tốt để mau về. Nếu khóc thì không cho nhận quà thăm nuôi. Lần đầu gặp chồng sau sáu tháng xa cách thấy anh ấy gầy ốm, đen điu, lòng quặn đau, song phải tươi cười. Đã thế, nào được nắm tay nhau. Hai bên vẫn cách nhau. Ở giữa là một bàn xi- măng dài, bề ngang 3m. Sau khi nói chuyện độ 10 phút là cán bộ hối giao quà. Quà đổ ra trên bàn xi-măng ấy. Trật tự trại mở các gói quà xem thử có giấu thư từ, hoặc những vật dụng mà trại cấm. Chúng dùng đủa khuấy vào các hủ thịt, mắm, cá. Chúng cắt ngang bánh chưng, bánh tét. Theo lệnh của cán bộ, chúng khui cả những lon sửa bò và đồ hộp mà thân nhân gửi từ ngoại quốc về. Đúng là lối kiểm soát XHCN. Ngu xuẩn và phá hoại. Những hộp đã khui không thể để lâu được. Phải chia cho anh em, và ăn cho hết. Trật tự là trại viên hình sự. Với bản chất lưu manh chúng cố huậy, để còn chia chác những đồ ăn phải bỏ ra vì bị xới nát. Nếu có hứa hẹn trước là cho chúng ít quà thăm nuôi, chúng sẽ nới tay hơn. Mấy năm sau dần dần có kinh nghiệm, tổ chức thăm nuôi đầy đủ hơn. Cũng may sau đó tư nhân khai thác đường Tam kỳ-Tiên lãnh. Mỗi ngày có một chuyến xe ca chở người thăm nuôi lên, rồi chở về. Đi xe ca từ Sài-gòn ra Tam kỳ là cả một cực hình, chật chội chen lấn, hàng hóa cồng kềnh, mất ngủ, mình mẩy tê rần vì phải ngồi bất động lâu. Thuê ghế bố ngủ ở bến xe, sợ bọn lưu manh, ăn cắp. Đã có lần bị giật hết đồ thăm nuôi phải trở về. Bởi vậy Nga thường rủ bè bạn đi thăm chồng họ, cùng đi để nương tựa nhau khi bất trắc. Đi xe lửa cũng tình trạng ấy. Con cái thì kỳ hè mới ra thăm ba được. Chúng bắt chước mấy ông bộ đội, móc võng vào thành tàu và thay phiên nhau leo lên ngủ. Bây giờ ngồi nhớ lại những ngay tháng cực nhọc ấy Nga cũng lấy làm lạ tại sao mình có thể chịu đựng được giỏi như thế.
Trong trang sử thăm nuôi traị Tiên lãnh cũng có lắm chuyện bi thảm. Có một chị thăm nuôi chồng mùa mưa, lội qua sông Tum gần trại bị nước cuốn trôi đi, mất tích. Một ngày sau mới tìm lại được. May là chị ta bám vào một thân cây khô trôi theo dòng nước, tấp vào bờ và được vớt. Có một em bé 12 tuổi, đi thăm nuôi cha, qua đèo Liêu bị cọp ăn. Vài ngày sau tình cờ thợ rừng trong vùng tìm thấy phần còn lại của thi thể em. Một cô gái 20 tuổi, gia đình sa sút sau khi cha là một sĩ quan đi học tập ở Tiên lãnh, đã nghĩ cách lên ở ngay tại bến xe gần trại, đi gánh mướn, hoặc làm công trong làng, để có thể thăm nuôi cha đều đặn. Có một chuyến đò qua sông Tiên mùa mưa lụt đã bị chìm, trong đó có ba chị đi thăm nuôi chồng trôi mất xác. Còn lắm chuyện thương tâm khác kể không hết.
Có những lần Nga ra thăm nuôi, cán bộ bảo là chồng học tập không tốt nên không được gặp mặt. Đã thế năn nỉ cho gửi đồ thăm nuôi vào trại cũng không được chấp nhận.
Thế là phải mang trở về Sai-gòn, chờ chuyến thăm nuôi sau.
Lúc chồng Nga ở tù đã 8 năm, môt lần ra thăm nuôi cùng với bốn đứa con nhỏ, Nga dẫn chúng đến nhà ông giám thị Tiên lãnh, ở tại Đànẵng. Có người mách Nga là có thể đến xin ông xét cho chồng về sớm. Mãy đứa con Nga đã quì trước mặt ông, lạy như tế sao. Sau nầy đứa con trai thứ tư của Nga, lúc ấy mới 12 tuổi, nói là không bao giờ quên quan cảnh ông ta ngồi chễm chệ trên ghế, hách dịch, trịch thượng, chẳng thương xót những đứa con vì cha mà phải quỵ lụy như vậy.
Nó làm sao yêu được XHCN với những người như vậy. Cũng như đứa con đầu của Nga. Lúc cộng sản bắt chồng Nga, nó mới 12 tuổi. Thấy cha, một người cha hiền lành và gương mẫu bị bắt dẫn đi như một tội phạm là một cú sốc cho tuổi thơ cuả nó. Nó đã nhiều lần khóc một mình vì kỷ niệm đắng cay đó Nó thề là không bao giờ trờ lại mãnh đất đau thương ấy.
Ngoài chuyện lo thăm nuôi chồng, Nga còn phải đương đầu với chính quyền mới. Mấy đứa con Nga, mặc dầu đầy đủ học bạ, trường vẫn làm ngơ không cho vào học. Nga phải lên tận Sở Giáo dục Saigon khiếu nại. Nga viện cớ rằng cha các cháu đi học tập, tôi ở nhà phải lo kiếm ăn nuôi con, không ai chăm sóc chúng. Nếu các ông không cho chúng đi học, chúng sẽ bị bọn lưu manh rủ rê trở thành trẻ em hè phố, ai chịu trách nhiệm đây. Sau đó các con Nga đều đi học lại. Chúng biết thân phận có cha học tập cải tạo nên học rất xuất sắc. Tuy nhiên vẫn không qua đuợc cửa ải Đại học.
Chồng Nga sau gần 12 năm ở tù, sống trong những điều kiện khắc nghiệt, đã về được lại với gia đình. Ngày ra đi nặng 75 kg, ngày về chỉ còn 45 kg. Lúc ra đi là một tráng niên, ngày về là một ông già. Tóc rụng quá nữa, lưng còng, mặt nhăn nheo. Chồng Nga đọc cho nghe bài thơ, dựa vào những lời Nga nói ở nhà thăm nuôi. Thơ không viết trên giấy, mà chỉ nhớ trong đầu trong 9 năm:
“Anh thấy em trên đường xa diệu vợi,
Lặn lội thân cò quá tội đi em.
Sáng Sài-gòn mờ nhạt đèn đêm,
Giã biệt các con em ra tàu sớm.
Hành trang thăm nuôi nặng nề, bề bộn.
Cảnh đẩy xô chen lấn lúc lên tàu.
Cô gái Oiseaux đài các ngày nào,
Hoàn cảnh đổi cũng tảo tần, xuôi ngược.
Trên con đường đìu hiu nầy em đi về bao lượt,
Lặng lẽ, đơn côi, dài dặc đường đời.
Em đi tìm anh ở tận cuối trời,
Hạ thiêu đốt, đông sụt sùi mưa bấc
Những ga nhỏ, thị thành đi qua quen thuộc hết.
Bờ biển lao xao, bìa núi chân trời,
Thôn nhỏ, đường quê, sông trắng, bãi dài.
Lớp lớp diễu qua mắt em thờ thẫn.
Cao nguyên Trà Mi mịt mùng rừng thẳm.
Không có anh, em đâu đến nơi nầy.
Cảnh vật vô tình mà nghiệt ngã đắng cay;
Đèo Liêu quanh co, đá dăm, nắng hè đổ lửa.
Xách nặng, dốc dài, mồ hôi lã chã.
Đoạn trường nầy bao giờ dứt đau thương
Hết hạ rồi đông, mưa lụt mịt mùng.
Sông Tiên mênh mông, băng băng, gầm rú.
Chóng mặt không em, qua đò nước xoáy.
Sợ không em, cheo leo đường núi ngập bùn.
Vắt búng lia chia, máu thấm áo quần.
Lội qua sông Tum, nước dâng ngang ngực,
Dò dẫm níu xe thồ, kẻo nước cuốn lôi đi.
Vào nhà thăm nuôi, lạnh lẽo, đìu hiu,
Cửa ngỏ sơ sài, cách xa làng xóm.
Chiều đông tối mau, tù mù đèn đóm.
Ván rệp, muổi mòng em xoay trở đêm thâu.
Chim rừng kêu sương quạnh quẻ, u sầu.
Mưa rả rích, kiểng cầm canh lan đi trong gió.
Nhà thăm nuôi, trại tù đây đó,
Hai nỗi cô đơn, dâng ngập trời khuya.
Đêm đông dài bất tận lê thê,
Chờ mau sáng, gặp nhau, phút giây hạnh phúc.
Từ nẻo xa nhìn dáng em quen thuộc.
Lúc lại gần len lén nhìn nhau:
Em cũng còn khỏe mạnh mừng sao.
Dung nhan tuy có gầy hao, võ vàng.
Bàn thăm nuôi là giãi sông Tương,
Sóng lòng, ánh mắt tràn sang vỡ bờ:
Em gởi anh, một trời nhung nhớ,
Anh gởi em, muôn vạn niềm thương.
Can đảm lên em, đi nốt đoạn đường,
Mà định mệnh đã dành nhiều cay nghiệt.
Hy vọng nhé em, đau thương rồi sẽ hết.
Bây giờ đây em kể chuyện nhà:
Bạn bè, bà con, lắm kẻ đã đi xa.
Con cái đều lo học tập,
Tuy hoàn cảnh gia đình chật vật.
Chỉ cầu mong anh chóng trở về.
Hết giờ thăm nuôi cán bộ hối giao quà.
Giờ phút chia ly không cho bi luỵ.
Nếu trái lệnh đồ thăm nuôi trả lại.
Anh trở vào, bước nặng, ngoái ra sau:
Bóng em trông theo: tượng đá vọng phu,
Bỗng nhòe nhoẹt, sau nẻo đường khúc khuỷu.
Anh lại thấy em trên đường xa thất thểu,
Nuốt thương đau về lại với con mình.”
Chế độ tập trung cải tạo không những đầy đọa cá nhân người tù, mà toàn thể gia đình họ. Biết bao gia đình ly tán. Vợ đi lấy chồng khác, con cái lâm cảnh bụi đời. Song cũng nhờ bàn tay của vô số phụ nữ đảm đang, gìn giữ gia đình toàn vẹn, xây dựng lại cảnh yên vui ngày xưa, nơi xứ lạ, quê người. Công khó nhất phải nói là mấy bà đi suốt chiều dài đất nước, trên hai ngàn cây số, để thăm nuôi chồng tận đất Bắc xa xôi. Đau thương nhất là những bà lặn lội đường xa, đến nơi thì nghe chồng đã chết. Có bà nha sĩ, ra Bắc thăm chồng trong trại tập trung đã ba năm. Khi trại báo tin chồng bà đã chết, bà thuê người đào mộ, lấy xương cốt chồng bà vào Nam chôn. Trên đường về, khi đợi tàu lửa đến, bà ngủ ở nhà ga. Sáng ra thì bà thấy mất va-li trong ấy đựng hài cốt chồng. Thế là bà bỏ chuyến xe, đi tìm hài cốt. Vài ngày sau, nhờ bỏ tiền ra dò hỏi, mua chuộc, bà mới lấy lại được chiếc va-li mà bọn ăn trộm tưởng là đựng đồ đáng giá. Tuy nhiên bộ xương chỉ có giá trị thân thương với bà, nên bọn trộm lợi dụng để moi tiền. Quả là một Xã hội chủ nghĩa ưu việt, ưu việt trong cướp bóc, đê tiện, không tình người.
Bác sĩ Phùng Văn Hạnh