Dưới vực sâu

 

 

Trời mưa tầm tã. Mưa như thể chưa bao giờ được mưa như thế. Nước cứ ào ào đổ xuống… đổ xuống… đổ xuống…Mưa trắng xóa không gian. Mưa như thể thiên nhiên đang trút  cơn cuồng nộ xuống  con người.

 

Thế là  Sài-gòn lại trở thành một con sông. Một con sông cái. Thế là Sài-gòn lại trờ nên hỗn loạn. Đã mấy chục năm rồi, hễ cứ có một trận mưa- cho dù là nhỏ và ngắn- thì Sài-gòn lại lâm vào tình trạng hỗn loạn. Cảnh hỗn loạn ấy lại tăng phần khủng khiếp khi khắp mọi nơi đều sừng sững những bức tường thành “lô-cốt”. Chúng cứ ngạo nghễ ngự trị hết ngày này sang ngày khác, hết tháng này sang tháng khác, hết năm này sang năm khác trên mọi ngõ ngách của thành phố. Chúng hiên ngang đứng giữa đường, oai vệ đứng ở bên phải, chễm chệ nằm bên trái, rồi thản nhiên nhảy ra nằm giữa ngã tư, ngã sáu… Ngày  ngày chúng  điềm nhiên tọa thị ngắm nghía những đàn cừu ngoan ngoãn chậm chạp, uể oải từng chút.. từng chút…từng chút…luồn lách qua nách chúng để đi đến những nơi cần đến. Chúng buông những tràng cười sảng khoái, hả hê khi chứng kiến cảnh ẩu đả giữa  những con cừu vì tranh cướp nhau 1milimet không gian, 1/10.000 giây để mong mau mau thoát ra khỏi chốn đầy ải khốn nạn này. Đôi lúc chúng cũng mủi lòng xúc động khi có vài con cừu bị sứt đầu mẻ trán, gãy tay, gãy chân… mà thủ phạm không ai khác hơn là chúng.Tuy nhiên, cho dù chai đá cách mấy đi nữa thì nước mắt chúng thỉnh thoảng cũng phải ứa ra khi có những kẻ phải chết oan uổng, chết tức tưởi vì chúng. Bất cứ một đạo quân xâm lăng nào cũng đối xử tàn bạo với dân chúng vùng bị chiếm đóng và để lại những di chứng tồi tệ cho dân sở tại. Đạo quân ‘lô-cốt” ở trong số đó. Sau khi chúng rút đi, mặt đường bị rỗ chằng rỗ chịt những ổ voi, ổ gà và tai ác hơn là những cái hố mà thế giới loài cừu gọi là “ hố tử thần”. Cách gọi ấy quả không ngoa vì đã có những con cừu non, những cừu già và cả những cừu tàn tật nữa bị  bỏ mạng dưới những cái “hố tử thần“ ấy.

 

Chúng thực sự thán phục sự nhẫn nhục, chịu thương chịu khó của những đàn cừu này. Không một lời ta thán. Chỉ biết cúi gầm đầu mà đi. Thảng hoặc, nếu có một  con cừu nào đó do không thể đè nén sự bực bội chất chứa quá nhiều và quá lâu trong lòng được nữa mà phát ra những tiếng chửi đổng thì lập tức ngay sau khi buông ra tiếng chửi kia là cặp mắt lấm la lấm lét, ngó trước nhìn sau, liếc dọc liếc ngang; mặt mày xanh mét; miệng lẩm nhẩm cầu xin thần linh che chở. Nỗi sợ ấy có khác chi nỗi sợ của người  dân bộ lạc thuở hồng hoang mỗi khi lỡ miệng xúc phạm đến bọn thầy mo, thầy cúng của bộ lạc.

 

Và chiều hôm nay, một lần nữa chúng lại được chứng kiến những ánh mắt thất thần, mệt mỏi đang ì ọp, bì bõm luẩn quẩn quanh chúng. Trận mưa quái ác đang tra tấn dã man đàn cừu. Đứa quay dọc, đứa quay ngang, cứ loay hoay loay hoay trong cái khoảng không gian chật cứng để tìm lối thoát, giống  như con chim lồng lộn trong cái lồng chật hẹp mà không tài nào thoát ra được.

 

Trong cái khối hỗn mang ấy có một chiếc xe cứu thương. Nó đang kiên nhẫn nài xin van vỉ để được ưu tiên. Thế nhưng, nào đâu có được. Tất cả mọi lỗ tai đã bị điếc rồi.. Tiếng  van nài tha thiết của nó như một cung đàn lạc điệu, bị chìm nghỉm vào trong tảng đá âm thanh của cơ man động cơ xe hơi, xe gắn máy. Tiếng kêu gào tắc nghẹn của nó bị  tiếng sấm, tiếng sét và những khối nước khổng lồ từ trời cao đổ xuống chặn lại, dìm sâu xuống tận tầng cuối địa ngục.

 

Trong xe, bệnh nhân là một cháu bé chừng hai, ba tuổi. Cháu nằm bất động trên chiếc băng-ca,  thở bằng bình oxy và  được truyền nước biển. Cháu được chuyển từ bệnh viện Gò-vấp đến bệnh viện Nhi-đồng II vì một căn bệnh nan y mà bệnh viện Gò-vấp không đủ phương tiện để  chữa trị. Với gần ba mươi năm cầm lái và là thổ công của đất Sài-gòn nên anh tài xế đã chọn những con đường ngắn nhất, ít bị kẹt xe nhất để đưa bệnh nhân đến càng nhanh càng tốt. Hơn ai hết, anh ý thức được trách nhiệm nặng nề của mình. Tính mạng của bệnh nhân có một phần nào đó phụ thuộc vào tay lái của anh. Vì vậy cho nên, mỗi khi đến lượt anh di chuyển bệnh nhân là anh không thể nào không lo lắng. Chỉ một chút chậm trễ thôi là sự sống của bệnh nhân đi đứt. Chiếc xe bắt đầu lăn bánh lúc sáu giờ mười lăm phút, vậy mà bây giờ, khi chỉ còn cách Nhi-đồng II chừng bảy, tám trăm mét thôi là nó bị nằm ụ, không tài nào nhúc nhích được nữa. Anh liếc nhìn đồng hồ:  bảy giờ  ba mươi tối rồi. Thật là một kỷ lục có lẽ chỉ có ở Việt nam này mới có được đối với một ca cấp cứu như hôm nay. Tiếng còi  xin ưu tiên vẫn vang lên không ngừng nghỉ. Thế nhưng tất cả vẫn chỉ  là nỗi vô vọng. Anh lắc đầu ngán ngẩm và gục đầu xuống trên vô-lăng.

 

Mẹ của cháu bé còn trẻ, chắc khoảng chừng hai bốn, hai lăm gì đó. Chị hết nhìn con lại nhìn ra bên ngoài qua cửa kính nhạt nhòa nước. Vẻ sợ hãi xen lẫn thất vọng hiện rõ trong đôi mắt người mẹ trẻ. Đôi mắt thâm quầng ngân ngấn lệ. Chị nắm lấy bàn tay con như để chia sẻ, để chở che. “Con ơi!”.  Tiếng gọi đẫm nước mắt. Chốc chốc chiếc di động của chị reo lên. Chị vội vàng ghé sát tai vào để nghe, miệng thì gào lên. Al ô! Al ô! Thế nhưng chẳng nghe tiếng đầu dây bên kia trả lời. Mất sóng! Rồi chị gọi cho ai đó, nhưng tình trạng cũng chẳng khá gì hơn

 

Những giọt dịch truyền chậm chạp nhỏ xuống cánh tay nhỏ xíu. Cánh tay ấy mới đây còn bụ bẫm, hồng hào, còn dang rộng để đón nhận vòng tay ôm của bố mẹ. Ấy thế mà giờ này nó như một cành củi khô. Lòng chị xót xa vô chừng. Chị hết nhìn con lại nhìn ra cảnh hỗn độn, bế tắc diễn ra bên ngoài cửa kính xe. Những cái bóng chập chờn chập chờn, khi tỏ lúc mờ như đàn kiến đang bu vào miếng mồi nhỏ xíu. Nỗi lo lắng ngày một lớn dần lên theo thời gian chậm chạp của bước tiến bánh xe. Nó cứ dậm chân tại chỗ mãi như thế này thì nguy quá. Con chị sẽ như thế nào? Chị rối rít hỏi cô y tá:

-         Cô ơi! Con cháu có sao không? Cứ như thế này thì …

 

Chị không dám nói tiếp. Nhìn dáng vẻ của chị, cô y tá cảm thấy đau lòng quá mà đành bất lực. Là mẹ của hai đứa con, cô hiểu rõ tâm trạng của người mẹ trẻ lúc này. Cô cũng đã nhiều lần ở trong tình cảnh bi đát khi nhìn giọt máu của mình đang giành giật cái sống trong tay tử thần từng giây một. Rồi cô nghĩ tới hai đứa con của cô. Lúc này ở nhà chúng ra sao? Đã cơm nước gì chưa? Ba chúng đã về để lo cho chúng chưa? Lòng cô rối bời chẳng kém gì người mẹ trẻ. Cô sốt ruột lắm chứ.Cô chỉ mong kết thúc thật nhanh chuyến công tác này để trở về với gia đình, với các con.

 

Nghe câu hỏi của nàng, cô bối rối thật sự. Biết trả lời như thế nào đây? Kinh nghiệm ngề nghiệp mách bảo cô phải trấn an nàng:

-       Em cứ bình tĩnh đi!

 

Nói thì nói vậy, chứ cô biết rằng bất cứ ai ở trong trường hợp này cũng khó có thể giữ được sự bình tĩnh. Ngay cả cô cũng vậy. Nhìn đứa trẻ đang thiêm thiếp trên băng-ca mà tình hình bên ngoài thì thế,  cô cũng nóng lòng nóng ruột vô cùng. Cô băn khoăn tự hỏi phải làm gì bây giờ để cứu lấy đứa bé. Phải giành lại cho bằng được đứa bé ra khỏi bàn tay của tử thần. Làm gì bây giờ? Đầu óc cô rối bời. Bỗng có tiếng kêu thất thanh của người mẹ:

-       Trời ơi! Con tôi…

 

Rồi tiếng gào thét. Người mẹ ôm chặt lấy con, nước mắt dàn dụa, đôi vai gầy rung rung theo từng tiếng nấc. Cô y tá giật mình tiến lại phía đứa trẻ. Cô bảo người mẹ lùi ra để xem mạch. Cô hoảng hốt. Mạch gần như không còn nữa. Làm sao bây giờ? Cô như muốn khóc. Phải liều thôi. Cô tự nhủ. Thế nhưng, nếu có sự chẳng may  xảy ra thì sao? Chắc chắn cô sẽ phải gánh lấy hoàn toàn trách nhiệm. Còn nếu cứ nấn ná thêm thì tình trạng cũng bi đát không kém gì. Chắc chắn phải liều thôi. Cô nhìn ra bên ngoài. Lúc nhúc những người và xe vây quanh lâu đài “ lô-cốt” Nhất định là xe phải nằm ụ tại đây thôi, không thể tiến thêm, dù chỉ là một chút xíu. Đứa trẻ phải chết trên chiếc xe này ư? Không thể được. Đã bao nhiêu lần cô  quả quyết như thế, nhưng để đi đến hành động thì  cô lại ngần ngại. Tiếng khóc của thiếu phụ lại to hơn:

- Con ơi con! Đừng bỏ mẹ nghe con. Con có mệnh hệ nào thì mẹ sống sao được đây con.

 

Tiếng khóc xé lòng của thiếu phụ khiến cô y tá không còn lưỡng lự nữa. Cô hỏi anh tài xế:

          - Từ đây đến bệnh viện Nhi đồng II còn bao xa nữa, anh?

-         Còn khoảng bảy, tám trăm mét.

-         Đi!

-         Cô định chạy bộ đến đó à?

-         Biết làm sao hơn. Ở đây thì giải quyết được gì? Tình hình của cháu bé nguy ngập quá rồi.

 

Anh tài xế thở dài. Anh cũng như cô y tá, cũng nóng lòng sốt ruột; vừa sốt ruột cho bệnh nhi, vừa sốt ruột về  vợ con anh. Giờ này không biết họ đang ở chỗ nào trong cảnh hỗn loạn như thế này, có bị nguy hiểm gì không. Vợ anh là một giáo viên tiểu học. Công việc thật vất vả, tất bật từ sáng tinh mơ cho mãi tới chiều hôm. Suốt ngày chỉ lụi cụi với chồng hồ sơ sổ sách- ngay cả ngày nghỉ cũng không được yên. Có thể nói, thời gian vợ anh dành  cho gia đình rất khiêm tốn. May là hai đứa con anh đã lớn, chúng có thể phụ giúp mẹ chúng một phần nào trong việc nội trợ. Chúng rất thông cảm với mẹ. Chúng hay bông đùa: “ Eo ôi! Làm cô giáo như mẹ cực  quá. Tụi con chẳng ham chút náo cả”. Hai đứa con anh còn đang đi học . Nghĩ tới cảnh vợ con mình bì bõm trong mưa gió lạnh cùng với hiểm nguy rình rập, chỉ một chút sơ xẩy thôi là trở thành phế nhân, là mất mạng như chơi, anh tức điên lên. Hình ảnh những cái “ hố tử thần” lại hiện  ra rõ mồn một trong trí anh. Anh càng nóng ruột dữ. Thêm vào đó, cảnh cháu bé đang trong tình trạng thập tử nhất sinh như thế này mà anh không thể giúp gì cho họ được cả, anh càng tức tối hằn học. Tức tối ai, hằn học ai, anh không dám tỏ bày, cho dù với chính mình. Anh đập tay xuống vô-lăng để giải tỏa cơn tức. Anh nhìn cô y tá, nhìn hai mẹ con thiếu phụ mà lòng xót xa. Một người vì lương tâm nghề nghiệp, vì lòng nhân đạo; một người vì tình mẫu tử sâu xa. Cả hai thật đáng thương. Những giọt nước mắt của người mẹ như những hạt muối chà xát tim anh.  Anh cảm thấy quyết định của cô tuy có phần táo bạo nhưng hợp lý. Chỉ  còn cách duy nhất này mà thôi thì may ra mới có thể cứu được sinh mạng đứa trẻ. Anh nói:

- Tùy cô thôi.

 

Cô trình bày với người mẹ ý định của cô. Nghe cô nói, mắt chị sáng lên:

-         Cháu cũng đồng ý với cô. Con ơi! Cố lên con! Con sắp được cứu rồi.

 

Cô y tá bảo người mẹ bồng con lên. Anh tài xế rời ca-bin xuống giúp họ chuẩn bị. Anh lấy cái áo mưa trong cốp ra, trùm  lên người hai mẹ con.Cô y tá cầm bình oxy và chai nước biển. Khi cánh cửa xe mở ra, một luồng gió mạnh thổi ập vào. Cả ba người loạng choạng muốn té và đều bị ướt sũng. Anh tài xế chõ miệng xuống phía dưới đường và thét lên: “Tránh ra! Tránh ra cho bệnh nhân xuống! Tránh ra cho bệnh nhân xuống!”. Tiếng thét của anh dường như không ai nghe thấy nên đám đông vẫn chẳng cục cựa gì. Anh lại tiếp tục hét. Những ánh mắt nhìn lên cửa xe. Họ đã hiểu sự việc gì đang xảy ra. Thế nhưng, cho dù có nghe thấy chăng nữa thì họ có thể làm gì khác được khi chung quanh họ chẳng có lấy một milimet khoảng trống. Có một vài thanh niên  vất vả len vào để giúp họ đi xuống. Từng chút… từng chút… từng chút… Không biết phải mất bao lâu họ mới có thể đặt được chân xuống mặt đất. Chưa hết gian nan. Mấy người thanh niên kia vẫn còn phải tiếp tục tạo lối ra cho họ. Lách. Vướng. Lách. Vướng.  Lách. Vướng. Bây giờ thì hai mẹ con thiếu phụ và cô y tá đều ướt như chuột lột. Người mẹ vẫn cứ cố lấy thân mình che chở và mang hơi ấm cho con. Không biết đứa trẻ có cảm nhận được hơi ấm từ tấm thân sũng nước của mẹ nó hay không. Vướng. Lách. Vướng. Lách …Cứ như vậy mà tiến trong cái mớ bòng bong.

 

Cuối cùng thì họ cũng vượt thoát khỏi cái trận đồ bát quái để đặt chân vào một khoảng đất trống. Người mẹ và cô y tá định quay lại để cám ơn những ân nhân quý báu thì họ đã bỏ đi từ lúc nào. Cô y tá giục người mẹ:

-         Đi đi em! Nhanh chân lên!

 

Và họ đi như chạy. Mưa vẫn ào ào đổ xuống. Đang hối hả bước, bỗng thiếu phụ khuỵu xuống. Cô ý tá tưởng nàng sắp ngất đi vì mệt mỏi  nên khuyến khích: “Cố lên em! Sắp tới rồi!”. Thế nhưng không phải vậy. Cô thấy nàng chới với và đang từ từ chìm xuống. Mắt cô trợn trừng. Miệng cô há hốc. Cô hét lên: “H..ố……C…ứ…u…” Tiếng thét của cô bị màn mưa nuốt chửng. Cô luống cuống không biết phải làm sao. Cô muốn đưa tay ra để kéo họ lên, nhưng tay cô dường như không thể nhắc lên được. Miệng cô vẫn mấp máy: “C…ứ..u..c..ứ..u” Thế rồi, cô định quay lại phía sau… Nhưng đất dưới chân cô chuyển động dữ dội. Cô lại hét lên: “H…ố…h…ố…” Và cô cũng từ từ chìm xuống…

 

Trời cao vẫn lạnh lùng đổ nước xuống ào ào …

 

Ngày hôm sau, trên mặt các báo xuất hiện một mẩu tin ngắn – được đăng ở một góc nhỏ: “ Trận mưa lớn tối qua đã gây nên kẹt xe trầm trọng nhiều giờ liền và đã có người tử vong do sụp hố tử thần”

 

 

SÀI GÒN, mùa mưa 2010

 

Uyên Sồ

 

 

Tin Tức - Bình Luận     Vinh Danh QLVNCH     Audio Files     Tham Khảo     Văn Học Nghệ Thuật     Trang Chính