Truyện và Chuyện

 

 

Các bạn trang Quốc Ngữ thân mến,

 

Lâu nay bà con ta trên mạng đã tranh luận khá nhiều về hai chữ TRUYỆN và CHUYỆN. Nhiều người thắc mắc “truyện ngắn hay chuyện ngắn”, “truyện cười hay chuyện cười” mới đúng chánh tả?

 

Trang Anh Thạc xin viết một bài tham luận phân tích vài khía cạnh của vấn đề hai chữ TRUYỆN và CHUYỆN.

 

 

Phương diện phát âm:

 

Có đến một nửa dân số nước ta ở miền Bắc, do ngữ âm địa phương, phát âm hai phụ âm TR và CH đều thành “ch”, hay có một số người cố gắng nói cho phân biệt, thì những chữ có TR vẫn mang đến 80 phần trăm âm sắc của CH, chứ không thể trăm phần trăm âm của TR vốn đòi hỏi đầu lưỡi phải cong trọn vẹn như chữ C lên vòm miệng. Phụ âm đơn R chúng ta muốn nói cho rõ cũng phải cong đầu lưỡi hình chữ C lên vòm miệng như vậy chứ không thể duỗi đầu lưỡi ra.

 

Ở miền Trung và miền Nam cũng có một số người thuộc giới bình dân ít học dù biết những chữ có TR và CH phải viết khác nhau, nhưng do lười cong lưỡi lên, họ cũng quen nói tất cả là CH cho dễ. Chúng ta thường nghe dân xe đò, bạn hàng xáo ở chợ nói “trà đá” thành “chà đá”, “trái cây” thành “chái cây”, “trứng gà” thành “chứng gà”, “trả tiền” thành “chả tiền”, “trẻ trung” thành “chẻ chung”, v.v...

 

Đầu tiên do nguyên nhân ngữ âm này mà nhiều người nhầm lẫn hai danh từ TRUYỆN và CHUYỆN vốn rất gần nhau về âm nói lẫn ý nghĩa, dù chúng vẫn là hai từ vựng khác nhau chứ không phải một.

 

Người Bắc vốn nói “Chuyện Kiều” nhưng ai cũng biết chữ viết ra phải là “Truyện Kiều” với chữ “Truyện” viết TR.

 

Có một số người lại nghĩ rằng chỉ có chữ “truyện” mới đúng chánh tả, còn “chuyện” là chữ sai do nói sai mà có, vì vậy “câu chuyện” họ viết là “câu truyện”, “mẩu chuyện” viết là “mẩu truyện”. (Đó là tôi nói họ còn viết chữ “mẩu” dấu hỏi đúng chánh tả, chứ họ viết “mẫu truyện” thì còn sai ... mút chỉ cà tha luôn!)

 

Nhưng phần lớn đồng bào ta mắc lỗi sai là vì đều biết TRUYỆN và CHUYỆN khác nhau nhưng biết một cách mù mờ, không phận biệt được rõ ràng.

 

Muốn phân biệt được sự khác nhau của TRUYỆN và CHUYỆN thì phải biết hai mặt văn thể và ý nghĩa của hai chữ này.

 

Phương diện văn thể:

 

Một số người định nghĩa sự khác nhau rằng: cái gì đọc là truyện, còn nghe kể là chuyện. Nói nghe thì đơn giản và cũng có lý, nhưng nói như vậy mà không đưa ra một sự phân tích, dẫn giải nào thì nhận định này không thể tự nó đúng được.

 

Tôi xin hỏi: vậy thì cổ tích như Sơn Tinh – Thủy Tinh, Tấm – Cám, Trầu Cau, Ăn Khế Trả Vàng, Thạch Sanh – Lý Thông, v.v... là chuyện dân gian ông bà kể cho con cháu nghe nhưng cũng được viết thành sách cho người ta đọc. Ngụ ngôn cũng là một loại văn như cổ tích. Vậy thì cổ tích, ngụ ngôn là truyện hay chuyện? Rồi chuyện cười cũng là chuyện kể cho nhau nghe mà cười chơi, nhưng người ta cũng viết ra thành sách như Ba Giai Tú Xuất, Tiếu Lâm Phụng Hoàng San, Tiếu Lâm Hà Nội, Chuyện Cười Cổ Nhân (tác phẩm này của cụ Vương Hồng Sển đề tựa chữ “chuyện” rõ ràng), v.v..., bạn gọi là truyện hay chuyện?

 

Cho nên để xác định cho minh bạch sự khác nhau giữa TRUYỆN và CHUYỆN, chúng ta cần tìm hiểu cấu trúc văn thể của mỗi loại văn, cũng như ý nghĩa riêng của hai danh từ nói trên.

 

TRUYỆN là văn chương chữ viết, được sáng tác có cốt truyện, dàn bài, bố cục, sự thiết lập tình tiết công phu, chặt chẽ. Chúng ta dùng chữ TRUYỆN viết TR, cho các thể loại văn như: truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, truyện dã sử, truyện tự sự, ký sự, hồi ký, bút ký, kịch, truyện thơ, v.v...

 

Văn học cổ nước ta có rất nhiều tác phẩm viết bằng thơ đều được gọi là truyện, như: Kim Vân Kiều Truyện của Nguyễn Du, Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đoàn Thị Điểm, Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, v.v... Riêng Truyện Kiều kể lại cả một đời người của nàng Thúy Kiều, nên cụ Nguyễn Du đặt tên cho cuốn truyện này là “Kim Vân Kiều Truyện” với chữ Truyện rõ ràng, không thể là “Kim Vân Kiều Chuyện”.

 

CHUYỆN là thể văn nói ngắn, thường ít tình tiết, tùy tiện mà kể cho nhau nghe, không cần thiết lập dàn bài, bố cục, kết cấu tỉ mỉ, như: chuyện kể thường ngày, chuyện cười tiếu lâm, chuyện thời đàm (thời sự), chuyện bói toán, chuyện tiên tri, v.v... Tất cả các loại văn này đều không thể gọi là truyện.

 

Phương diện ý nghĩa:

 

TRUYỆN là chữ Hán-Việt, CHUYỆN là chữ thuần Việt. Kim Vân Kiều Truyện, tự truyện (truyện tự sự), liệt truyện, v.v... đều là tập hợp danh từ Hán-Việt, phải viết là truyện, không thể ghép chữ chuyện vào.

 

TRUYỆN mang nội dung bao quát rộng hơn CHUYỆN rất nhiều. Như đã nêu ở trên, TRUYỆN bao gồm rất nhiều văn thể khác nhau, và một số trong đó như tiểu thuyết còn mở ra rất nhiều loại tiểu thuyết: tiểu thuyết tình cảm, tiểu thuyết “tuổi hoa”, tiểu thuyết kinh dị, tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết phiêu lưu, tiểu thuyết viễn tưởng, v.v...

 

CHUYỆN là văn truyền khẩu, ngắn, thực tế với đời sống và ít chất văn chương hơn TRUYỆN.

 

Và chúng ta nói “câu chuyện”, “chuyện thường tình”, “chuyện trời ơi đất hỡi”, “chuyện hiểu lầm”, “chuyện cãi nhau”, “chuyện bịa”, “chuyện tào lao”, v.v... Chứ không thể nói “câu truyện”, “truyện thường tình”, “truyện trời ơi đất hỡi”,”truyện hiểu lầm”, “truyện cãi nhau”,  “truyện bịa”, “truyện tào lao”, v.v...

 

 

Kết luận:

 

Bỏ qua khía cạnh phát âm sai làm một số người bình dân kém hiểu biết mà ngộ nhận và lầm lẫn  truyệnthành chuyện, hay chuyện thành truyện, chúng ta cầm tìm hiểu hai phương diện văn thể và ý nghĩa của hai danh từ rất cận âm và cận nghĩa là TRUYỆN và CHUYỆN như chúng ta vừa phân tích, để có thể rút ra kết luận về sự khác nhau giữa hai thể văn này.

 

Nói cụ thể, truyện ngắn, như tên gọi của nó, chính xác phải gọi là TRUYỆN, chứ không thể gọi “chuyện ngắn” được.

 

Cổ tích, ngụ ngôn cũng là TRUYỆN, vì cho dù nó trước hết là chuyện kể truyền miệng, nhưng do đặc tính văn thể như đã trình bày, cổ tích luôn luôn có cốt truyện dài, kết cấu tình tiết, nguyên nhân hậu quả, nên chúng ta phải gọi truyện cổ tích, chứ không thể gọi chuyện cổ tích được.

 

Còn chuyện cười thì quả thật phải gọi là CHUYỆN, không thể gọi “truyện cười”, dù rằng có một số chuyện cười xưa được viết dài đến một, hai trang giấy với tình tiết dài dòng, không phải chỉ dăm ba dòng như ngày nay.

 

Như vậy, nói “cái gì đọc thì gọi là truyện, cái gì nghe là chuyện” là một định nghĩa không chính xác và thiếu luận cứ rõ ràng. Bởi vì có những loại văn vốn là chuyện kể cho người ta nghe, nhưng đồng thời cũng được viết và in thành sách cho người ta đọc, hay ngược lại, truyện viết trong sách cho người ta đọc nhưng vốn chúng lại từ chuyện kể mà có như tôi vừa trình bày ở trên.

 

Do tánh chất đa dạng của văn học như vậy chúng ta phải ấn định cho rõ văn gì gọi là TRUYỆN, văn gì là CHUYỆN, chứ không thể chỉ dựa trên hình thức “đọc” hay “nghe” mà gọi lung tung lúc thì “truyện cười” lúc là “chuyện cười”, hay vừa “truyện cổ tích” vừa “chuyện cổ tích”, làm rối loạn chánh tả.

 

Định nghĩa chính xác của TRUYỆN và CHUYỆN phải dựa trên cấu trúc và ý nghĩa của chúng chứ không phải ở việc đọc hay nghe: TRUYỆN là văn chương chữ viết có kết cấu, bố cục chặt chẽ. Còn CHUYỆN là văn nói ngắn, không cần sắp đặt bố cục trước sau như TRUYỆN.

 

Cám ơn các bạn đã đọc bài.

 

 

Trang Anh Thạc

Quốc Ngữ Việt Nam Văn Hiến, 25-9-2024

 

 

 

Tin Tức - B́nh Luận     Vinh Danh QLVNCH     Audio Files     Tham Khảo     Văn Học Nghệ Thuật     Trang Chính