Từ tháng Ba & Những người Đà Lạt cuối cùng vỡ tổ tan hàng

 

Tình Hoài Hương           

 

 

Con đường dốc đứng bên cạnh rừng đầy lá thông khô được sương chiều rửa sạch, trơn bóng láng mướt ve vuốt đôi chân êm ái mát lạnh khi mình dẫm lên. Khiến Luật muốn ngã lưng nằm trên thảm nhung màu nâu nâu, mượt mà, anh mơ màng nhìn lên trời cao, xao xuyến nghĩ về… đất nước còn, thì người lính có thể là một phần tử của con cờ thí thân trong chiến tranh. Họ gánh trên vai nhiều trọng trách, nhiệm vụ, và bổn phận nặng nề đầy phức tạp; dù biết bao cơ cực lầm than, nhọc nhằn, khổ sở, chua xót, đắng cay, trăm bề o ép. Trước đám sương dày đặc kia là tương lai xa xăm mù mịt, là con đường tiến thân để giành lại, giữ lại từng tất đất, từng ngôi nhà, từng dòng sông... không biết sẽ bắt đầu từ mấu chốt nơi đâu?! Lúc nầy, tình hình chính trị ở miền Nam Việt Nam xoay quanh cơn lốc chính trị dâng cao tột độ lẫn kinh hoàng vô cùng, giống như hai giòng nước ngược đục ngàu xô vào nhau, toé lên thành những cơn triều cường sóng thần dâng cao vút và đảo điên nhất. Họ chẳng thể chí tình thiết tha yêu thương ôm trọn quê hương ở trong lòng, khi Trọng Luật cùng hầu hết quân nhân đã vâng lời nghe lệnh cấp trên ban ra rành rành là:

- Quân nhân, cán bộ các ban ngành, thanh niên nòng cốt, tuổi trẻ phải ở lại “tử thủ” tại mỗi đơn vị: từ đầu tháng Ba năm 1975 tới giờ phút cuối cùng, (còn ông già bà cả, trẻ con phụ nữ… thì cho di tản ra khỏi Đà Lạt/Tuyên Đức. Gấp).


Tin như thế loan ra nhiều ngày, nhiều ngày... hầu hết ai ai nghe cũng cả tin chắp bắp và khá an tâm, “chúng ta” cùng vững chí đồng lòng cương quyết trụ ở lại 24/24 giờ nơi những tuyến phòng thủ. Té ra, ôi mà ngờ đâu... có một nhóm người cao cấp đã làm cuộc tình lờ, len lén tình vờ lo cao chạy xa bay chuồn đi từ lâu, (từ khuya rồi anh ơi)! Họ tụ tập dòng dõi và “bay” nhiều lần từ Đà Lạt về Phan Rang, gom thêm “một mớ... rồi dzọt dề” thủ đô Sài Gòn. Có nguồn tin đáng tín cẩn cho Luật hay số ít cao cấp ở Sài Gòn cùng vợ con họ đã dọt đi ra nước ngoài! “Bản thân cao cấp”... và... “vợ con cấp cao” cần bảo vệ an toàn, là cái chắc. Còn vợ con lính là “thứ loại” gì nhỉ?


Hẳn là đã lâu lắm rồi khi vừa ra “thượng lệnh”; họ chỉ biết rũ bỏ sau lưng sự đau khổ tang thương cùng khó ấy: đành tâm cho người khác âm thầm ở lại chịu trận, gánh gồnh gian nan, khổ đau. Đám sĩ quan hạ giới nầy nào có hay, thì lính tráng binh nhứt, binh nhì bẹt dem cùi bắp làm sao biết! Bây chừ đạn pháo đang nổ dậy khung trời miền núi Lâm Viên! Tưởng chừng như hai phe quốc nội giàn quân ngoài mặt trận đánh nhau một phen chí tử. Thật tình phía Việt Nam Cộng Hoà “đã bị” có lệnh rút lui, bỏ ngỏ, chứ nào có sòng phẳng thẳng thừng đánh đấm gì cho cam. Nếu đường hoàng sòng phẳng quân tử chính nhân, mà oai dũng chơi nhau một trận quyến liệt trên bàn cờ chiến cuộc, thì chưa chắc ai thắng ai à. Tức giận và uất ức điên người.


Đài phát thanh Đà Lạt dấu nhẹm chuyện các nơi khác lo cho quân đội và dân triệt thoái, đài chỉ phát ra những mục bình thường tẻ nhạt trong chương trình hằng tuần & vớ vẩn, đài phát thanh chẳng hề toan báo một tin tức thời sự nóng bỏng nào! Họ cũng chẳng tiếp vận đài phát thanh Sài Gòn như trước, cho người dân Đà Lạt được nghe. Không hiểu tình cờ thế cuộc ra sao, nên mọi người bình chân như vại lo làm vườn tưới hoa. Lúc biết ra cớ sự, thì nhiều quan, lính và dân không tìm thấy đường đi lối về nơi đâu, họ đi tới thì mắc thác, mắc hồ, đi lui mắc núi, mắc đèo.


Tai biến đến sau ngày 17 tháng Ba, khi cấp trên ban lệnh tử thủ, khẩu lệnh chỉ rò rỉ ra, tức là láo pháo rỉ tai nhau về việc quân nhân triệt thoái rút bỏ Đà Lạt; họ chỉ biết tin vài giờ rất ngắn ngủi vào phút chót mong manh và hối hả. Từ đó đến nay đã ngót tháng ròng rã rồi, nhưng quân nhân thanh niên tráng niên nầy không hề biết. Vì thế họ đã chưng hửng bàng hoàng, nên trở tay không kịp. Sau ngày 21 tháng Ba năm 1975, Luật và “nhóm tình nghĩa tử thủ bất diệt” quyết giữ gìn quê hương ấy, mới biết tin tức triệt thoái chậm chạp, trể tràng vì bị người ta dấu nhẹm, kín bưng. Chẳng đặng đừng... Luật đến toà Tỉnh Trưởng cùng các đại diện những phái đoàn: quân, cán, chính và cảnh sát nổi, cảnh sát chìm (cảnh sát đặc biệt, xâm nhập), ... đã tham dự buổi họp đặc biệt thượng khẩn:

 

Về việc triệt thoái được ấn định phân chia như sau: Tất cả quân nhân, sĩ quan của trường Võ Bị, và sinh viên sĩ quan toàn khoá ở trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam có số lượng người hùng hậu đông đúc, thì họ sẽ chỉ huy ở vòng bên trong, để kẹp cho đồng bào tuần tự đi ở hàng giữa dân là đội ngũ lộn xộn không có súng ống, họ toàn gánh gồnh đồ đạc, cồng kềnh lộn xộn của cải linh tinh...). Nghĩa là trường sĩ quan Võ Bị Đà Lạt sẽ dàn quân dọc hai bên quốc lộ 20, vừa từ từ rút, vừa giữ an ninh và có trật tự, bảo vệ tối đa cho đồng bảo tuần tự đi, bằng mọi giá họ cẩn thận chăm sóc giúp đỡ đồng bào. Dân phải tuân lệnh quân nhân đi về lối Phan Rang, đi Phan Thiết... v.v... Đồng thời trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt là những đoàn người bọc hậu cuối cùng đành phải rời bỏ thành phố. Những cảnh sát và quân nhân ở các binh chủng khác sẽ cặp đi song song một bên với trường Võ Bị ở vòng ngoài xa xa.


Các cửa ngỏ hậu phương, kho lương thực, ngân hàng, ngân khố, quân trang quân cụ, khu nầy, sở nọ, ty kia mở toang hoang, kể cả nhà thường dân vắng chủ đều bị cướp bóc, đốt phá cháy rụi. Một phần do trước khi ra đi, những người có trách nhiệm với công sở của mình phải hủy diệt hồ sơ mật. Một phần do nhóm tự xưng là “cách mạng 75” khích động kẻ gian thừa nước đục thả câu, chúng mặc sức tha hồ thao túng, càn quét vơ vét tung hoành mọi mặt. Đà Lạt như rắn mất đầu, như đàn gà con mất mẹ. Tất cả mọi tầng lớp di chuyển từ Đà Lạt xuống đèo Ngoạn Mục cao chất ngất và ngoằn ngoèo tới Sông Pha, rồi tới Phan Rang, dưới sự điều khiển của Đại-tá Quỳnh đều nhịp nhàng, ăn khớp, chu đáo, rất có trật tự lớp lang trước sau đều đặn an toàn; Cho đến khi xuống quá Phan Rang qua ngã Phan Thiết thì an ninh trật tự không còn toàn vẹn như cũ. Bởi do Quân Đoàn II đã triệt thoái về hướng nầy rất đông, quá đông... Hai bên dân quân từ trên hướng Pleiku, Bamethuot, Kontum về, và hướng Đà Lạt xuống đã bất ngờ... “gặp nhau ở tụ điểm son đồng tâm”... nhiều đến nỗi không thể nào tưởng tượng. Tất cả mọi người đụng nhau tại đây. Khi đó thì quốc lộ chính đã tràn ngập người và người đông lắm, nhiều vô số kể! Hiện trạng bấy giờ đã lộn xộn kinh khủng rất bàng hoàng.


Thế là “những người Đà Lạt cuối cùng bị vỡ tổ tan hàng” từ đó. Luật coi quân đội là một tổ ấm lý tưởng quan trọng linh thiêng quý giá, vô cùng cần thiết; vì đó là nơi an tựa vững vàng trong đời sống của người trai có lý tưởng có hoài bão có lập trường trong thời loạn. Tổ quốc ấy, dường như Luật muốn ví là một tổ ấm mật thiết, quan trọng không kém gì gia đình riêng mình: đã có mẹ già thân yêu, có vợ hiền con ngoan. Nhưng hôm nay cái tổ ấm quốc gia linh thiêng ấy sụp đỗ rồi chăng? Nghĩ tới điều đó, Luật đã bật khóc, khiến bạn đi cùng xe ái ngại và sửng sốt đăm đăm ngoái nhìn, họ nghĩ thầm:

- “Có lẽ anh ta đau buồn vì chuyện riêng tư tang gia bối rối gì đây”.


Gần tới vòng ngoài của tỉnh thành Phan Thiết đầy bụi bặm và gió cát thổi vù vù, bỗng có nhiều tràng súng từ đoàn xe sau ria xẹt tới phía hai chiếc xe ngân khố (không biết xe tiền ấy của nơi nào, Tỉnh Kontum, Pleiku, Ba Mê Thuột, hoặc Thị-xã Đà Lạt ?). Xe chở những bao bố tiền to khổng lồ, tiền ơi là tiền rơi kín một góc phố, và bay tá lã theo gió lồng lộng như đàm bươm bướm chập chờn trên không trung. Khi đó thì... không thể nào diễn tả nỗi cảnh kinh dị lúc mọi người khum xuống nhặt tiền dưới cơn mưa chì bão lửa, nơi xe cộ gầm rú đó. Cảnh thương tật, khóc than, thét mắng, đói khát, chết chóc, lẫn trong tiếng súng đạn gầm rú xa gần, khiến mọi người bị hút vào điệu quay chóng mặt, bàng hoàng đến rợn người. Luật ngồi trên xe thấy những pha cướp giật, hò hét, chưởi rủa, đánh đập nhau dã man và trắng trợn ven đường... tùm lum, Luật cảm thấy chua xót đắng cay, nhục là ở chỗ đó. Tệ là ở chỗ đó. Đau quặn thắt lòng ở chỗ khúc ruột thừa.


Luật cùng sáu anh khác cùng bảo nhau nên thay bộ đồ tác chiến, mặc bộ đồ dân sự vẫn cầm theo mấy hôm nay để dễ bề đi đứng, anh vứt bỏ hết tất cả lon lá mũ mão hành trang rối rắm trên đầu, trên vai. Luật mang đôi giày ba ta cũ, áo lạnh, mấy chục ngàn tiền vợ để trong tủ, một chiếc đồng hồ Omega, chiếc nhẫn cưới, sợi dây chuyền, cái nón thường dân đội đầu, và một khẩu súng lục mang kè kè bên nách, để phòng thân. Nhóm Luật là những người lính chiến đấu dũng cảm cuối cùng đau đớn lột bỏ áo quần lon lá, lìa quân ngũ, bỏ đơn vị, xót xa, chua cay, bàng hoàng ngao ngán tự lo cứu chính bản thân trong cơn biến loạn ngặt nghèo lâm nguy, hấp hối.


Lúc bây giờ không có người chỉ huy, thì nhóm nầy quan cũng như lính có nhiều ý kiến, ý cò, tự vạch ra cho mình con đường sống mới. Mạnh ai nấy dọt, họ luống cuống, hốt hoảng băng đèo vượt đồi cát chạy tan tác. Không còn cảnh tình đồng đội keo sơn như cá với nước, như cây cần đất, cần rễ bám vào đất cho cây liền cành. Mà thân ai nấy lo, hồn ai nấy giữ, mạnh ai nấy chạy thiếu sống bán chết, tự lo thoát thân. Họ đi chuyền từng đoạn xe đò, xe tải, xe GMC hết xăng, họ chạy bộ chen lấn nhau mà xéo bước, họ thở dồn dập, gò lưng chạy thục mạng từng đoạn ngắn, người chạy đi kẻ chạy lại, người đi lánh cư đông kinh khủng bất ngờ gặp gỡ nhau giữa trùng trùng lớp lớp, trên bước đường chạy loạn những kẻ sống còn mong vượt qua gian nguy khổ ải. Rồi nhóm Luật đã bị lạc mất nhau.


Ngày chạy bộ với những người dân tay xách tay mang đùm đề vợ con, chân thấp chân cao khổ ải mệt nhoài, đến những nơi lạ cái lạ nước chưa bao giờ anh biết tới. Đêm đêm ngủ với người thoi thóp, nằm với những xác chết cứng đơ giữa đồng không mông quạnh. Luật mong tìm làn hơi ấm bên người lân cận, hầu hổ trợ an ủi tinh thần, nương nhờ lẫn nhau. Nào ngờ, khi hoàn hồn, bừng mở mắt ra ngoảnh nhìn lại sờ mó người bên cạnh, anh mới biết đó chỉ là những thây ma. Luật mệt lả người phải bật dậy ra đi, vì sợ và cảm thấy bơ vơ lạc lõng hơn vì đói, khát.

 
Phải! Giữa cảnh màn trời chiếu đất, trong tay những người dân không có một cây que để phòng thân tự vệ. Mà cuộc sống vẫn vô cùng mong manh và hối hả. Con người phút chốc trở thành da bọc xương, bối rối, ngơ ngơ ngáo ngáo, ngố ngố ngờ nghệch. Nhìn họ, anh không khỏi nghẹn ngào bàng hoàng xúc động và cảm thấy họ rất đáng thương. Nhìn thấy đồng bào di tản đông đúc ngược xuôi bần thần như kẻ mất hồn, Luật luôn bồn chồn lo lắng nghĩ tới mẹ, vợ và các con, chẳng biết bây giờ họ ra sao? lưu lạc phương nào rồi! Ngày đêm Luật vẫn cầu nguyện cho gia đình mình, và cả những người đang chạy loạn được bình an toàn vẹn.


Anh chưa biết mò mò đi đâu, đầu óc trống rỗng và không tri thức giữa những nấm mồ đắp sơ sài tươi màu đất mới. Màn đêm tiếp nối bóng tối và đồng lỏa với mọi tội ác. Đã thế, đêm đêm từng đàn chó hoang ốm đói tong teo gầm gừ cắn xé nhau, tranh giành xương cốt, thi thể thối nát của người di tản nào đó. Thì chó cũng biết đói như con người, càng đói chúng càng ôm quắp thây người mà nhai ngấu nghiến. Luật nghe tiếng kêu rào rạo từ mấy thây ma cứng đơ thum thủm. Bầy chó nhe răng tru hú lên từng hồi hoang dại, dã man, Luật cảm thấy rợn tóc gáy mà nôn oẹ nhớt dãi, khi đối mặt với tận cùng bi thiết thảm sầu, cay cực. Chiến tranh tàn ác đã lột da con người vô cùng trần trụi, thô thiển đến tận xương tủy. Và, những vết thương hoác miệng từ dĩ vãng, hiện tại, có thể trong tương lai… đã để lại trong lòng Luật những vết thương mãi nóng sốt sôi bỏng, bừng bừng nhói buốt rung lên từng cơn quặn lòng, đau khủng khiếp.


Luật đang nằm thẳng đơ mất hết ý niệm về không gian lẫn thời gian bên mấy người chết kia, quả thật bây giờ trông mình vô cảm vô hồn thiệt giống những xác chết. Giữa lúc khốn đốn đau buồn chán nãn và tuyệt vọng nhất, Luật nghe có tiếng người ngồi trong bóng tối rù rì gì đó, có lẽ họ ở đâu vừa mới đến đây thôi. Luật uể oải hé mở mắt ra nhìn quanh, thì nghe họ nói với nhau:

- Hai đứa mình vô trong Tiểu Khu, may ra còn có xe chạy về Nha Trang chăng?

- Ông ơi! biết đâu ở ngoải cũng bị mất rồi.

- Còn nước còn tát, chưa đi làm sao biết.

- Nhưng ra Nha Trang... có phải là mình lại đi xa hơn... nữa à?

- Làm sao bây giờ! Phải đi ra hướng ấy thôi.

- Ông điên à? từ Phan Thiết về Sài Gòn gần hơn.

- Không nghe hồi nãy dân họ nói hướng đi Long Khánh gần như tiêu rồi sao!?

Hai người đó im lặng một lúc, có tiếng nói tiếp:

- Vậy nên đi Nha Trang, dù sao ở đó cũng có tàu, thuyền, hoặc máy bay. Tôi có bà con ở đó.

 

Luật vui mừng như đã gặp đồng hương, anh ngồi bật dậy:

- Anh bạn nói phải.


Hai người đàn ông kia sửng sốt giật mình, toan đứng lên vùng chạy, vì họ nghĩ Luật cũng là một xác chết cứng đơ, hoặc ít ra là một người lạ, có thể là “dân cướp cạn” cũng nên. Luật bò bò qua bên kia góc tối trong căn nhà hoang, thì ra anh nhận diện được một người quen sơ giao trong lúc đoàn quân Đà Lạt triệt thoát. Thế là ba người đàn ông chạy vô Tiểu khu, cũng may họ xin đi ké xe GMC ra Nha Trang. Tới Nha Trang, trước tiên Luật ghé qua nhà Oanh, thì anh rất vui mừng được biết mẹ, vợ con mình đã an toàn lên máy bay vô Sài Gòn rồi. Luật hỏi tại sao Oanh và gia đình không di tản? Oanh đã trả lời giống y như nàng đã nói với bạn. “Không thể đi đâu hết vì ở nhà còn ông bà ngoại già hơn 90t, còn cha mẹ và... không biết bỏ nhà cửa mà đi đâu!” Oanh gói cho Luật một bịch xôi đậu xanh to, và chai nước lọc. Luật e ngại cầm mà bùi ngùi bỏ trong túi xách nhỏ.


Hai ông bạn mới quen đứng bên góc đường Hồng Bàng chờ Luật trong giây lát. Thấy nhau rồi, họ đi từ nhà Oanh ra mé biển chưa đầy năm phút. Thành phố Nha Trang càng đông người kinh khủng. Quan sát khắp nơi, biết tình trạng nầy nếu chờ tàu lớn, hoặc máy bay quân sự hay dân sự gì cũng không xong, nên họ bàn tính với nhau hồi lâu, họ quyết định thuê ghe buôn của thường dân đi vô Vũng Tàu, cho chắc ăn. Ba người đi rảo quanh bãi biển Nha Trang tìm thêm người có thể chung nhau tiền lộ phí, lại rủ thêm được mấy người nữa, kiểm tiền cá nhân rồi, sau đó họ ra xóm Bóng mướn ghe đánh cá nhỏ, ghe nầy đang chuẩn bị chuyển hàng về Bà Rịa hôm nay. Đi Bà Rịa cũng tốt, miễn sao về gần thủ đô là mừng. Mặc cả giá tiền cho tám người đàn ông cũ và mới chung chuyến đi, ai nấy tự động móc tiền túi ra đóng cho chủ ghe xong xuôi, họ mừng rỡ lên ghe. Đúng là may mắn!

 

Sợ chủ ghe ra đi bất ngờ, nên không có ai kịp mua gì phòng hờ, may mà có chai nước và bọc xôi đậu xanh chắm muối mè Oanh đưa cho Luật, anh lấy ra chia cho tám người đồng hành, mỗi người chỉ nhón một ít xôi cỡ bằng trái chanh mà e dè ăn ngấu nghiến. Họ còn đói, (nhất là Luật đã chưa có hột cơm nào từ hơn hai ngày qua) và khát kinh khủng, nhưng tám người bó tay chịu trận. Trên ghe bây giờ cộng thêm cha con chủ ghe là ba người, thì có tất cả mười một người đàn ông. Khi ghe đã êm ái bình an ra khỏi cửa biển Nha Trang, và lướt xuôi về hướng Phan Rí cửa, qua Hàm Thuận Bắc, Bình Lâm rồi tới gần Mũi Né khoảng 20 hải lý, thì chủ ghe dỡ chứng trở quẻ, ông ta viện cớ:

- Tui sợ ngoải cũng lộn xộn, chẳng ai mua hàng, tui muốn quay ghe về Nha Trang.
Mọi người chưng hửng! Đức, người đi trong nhóm nói:

- Ông giỡn chơi à! Ông muốn gì?... Nói.

- Tui không đủ xăng chạy tới bển.

 

Tâm cười gằn:

- Ông muốn chúng tôi đóng thêm tiền, để ông mua thêm xăng chớ gì?

- Phải.


Mấy người đàn ông thuê bao ghe nhìn nhau, rất bực tức nhưng “đã lỡ đò rồi”... nên họ hí húi móc tiền ra, kẻ nhiều người ít, gom tất cả thêm 185.000 ngàn đồng nữa, nộp cho chủ ghe. Thế mà tên nầy vẫn không chịu. Bình (là người quen đã đi chung với Luật từ Đà Lạt) định móc thêm tiền ở túi kia, để “dâng” cho tên chủ ghe. Nhưng Luật ngăn lại, thì thầm bằng tiếng Anh với mấy “anh bạn vừa quen”:
- Anh điên à. Từ đây đến Sài Gòn... còn nhiều đoạn phải có tiền chi trả, chớ vàng thì không ai muốn... vì họ sợ vàng giả. Để đó.


Luật lột đồng hồ Omega, để xuống sàn, anh lấy lại đống tiền vừa để trên sàn ghe, ai nộp bao nhiêu tiền, thì anh đưa trả lại xong xuôi. Luật móc củ súng colt 45 đeo ở nách ra, cầm lên:

- Chúng tôi mặc cả sòng phẳng và rõ ràng với anh trước khi lên ghe rồi. Chúng tôi đã hào phóng tặng thêm cho anh rất nhiều, nhiều tiền hơn số tiền mà anh đã định giá. Từng ấy... anh chưa hài lòng sao? Thế thì, bây giờ chúng tôi cần số tiền 185.000 nầy để làm lộ phí khi rời khỏi ghe của anh. Vậy, anh có muốn nhận thêm chiếc đồng hồ có sợi dây làm bằng vàng thật 18K hai lượng của tôi. Hay là anh thích nhận khẩu súng lục có những viên đạn thật nầy, mới hả dạ. Hở?


Tất nhiên... tên “cướp cạn” kia không thể ngờ là trong người Luật còn có “củ súng chết người” đang bị cái áo lạnh che phủ bên ngoài. Hắn lại nhìn lom lom sợi dây chuyền hai lượng vàng y chói lói lấp lánh ánh mặt trời rọi lại, nó đang lung linh lủng lẳng trên ngực trần của Luật, mà thèm... ứa nước miếng.

Thanh nói như hét:

- Ông là một thằng hèn hạ, không có tình đồng loại, bộ ông muốn chết tiệt vì hám của hả!

 

Đức nhếch mép:

- Ông hãy cám ơn Trời đã cứu mạng ông, khi ông may mắn gặp những quân nhân như chúng tôi đó.


Chủ ghe không dám nhìn ai mà cúi cúi liếc liếc, riu ríu len lén run run lượm cái đồng hồ, theo lệnh của Luật:

 

- Anh phải cầm lấy chiếc đồng hồ của tôi, giữ làm kỷ niệm, mà nhớ đời. Nha.



Tình Hoài Hương

 

 

Tin Tức - Bình Luận     Vinh Danh QLVNCH     Audio Files     Tham Khảo     Văn Học Nghệ Thuật     Trang Chính