VIẾT CHO NGƯỜI NẰM XUỐNG

Thắp nén hương lòng tưởng nhớ cố Trung Tá Nguyễn Tấn Minh

 

Phạm Thọ

 

 

 

- Alo! Tôi nghe đây.

- Cháu là Thư đây chú.

- Chào cháu. Có gì gọi cho chú đây?

- Chú ơi! Bác Minh mất rồi.

- Bác  Minh nào vậy cháu?

- Bác Minh ở  El Monte đó chú.

- Trời ơi! Cháu có biết Bác Minh chết bao giờ không?

- Bác chết hôm nay. Con gái của Bác Minh vừa gọi cho cháu biết.

- Cảm ơn cháu, để chú  gọi báo tin cho bạn bè biết.

 

Tôi gọi cho bạn bè ở xa cũng như ở gần báo tin anh Minh đã qua đời. Có đứa nói biết rồi, có đứa nói chưa biết. Tôi gục đầu xuống bàn suy nghĩ mông lung. Cách đây ba tuần tôi có nhận được hồi báo của anh Minh, anh sẽ đi dự đám cưới của con gái tôi. Hôm đám cưới con gái không thấy anh đi dự, tôi hỏi Nguyễn Anh Tuấn mới biết anh Minh đã vào bệnh viện. Tôi nghĩ, tuổi già thường hay đau ốm vào nằm bệnh viện chắc cũng không có gì trầm trọng. Không ngờ, bây giờ anh lại vĩnh viễn “ra đi không về.

      

Tôi buồn thở dài. Tháng 10 trời đã vào thu. Những chiếc lá vàng từ từ rơi rụng trước hiên nhà. Nhìn lá vàng rơi, tôi liên tưởng con người tuổi về già rồi cũng thế. Sinh lão bệnh tử là lẽ thường tình không ai tránh khỏi. Tôi cũng đã thường nói với anh em bạn bè, là lớp tuổi già như anh em chúng mình, tuổi đời đã leo lên tới đỉnh, đi xuống dốc bên kia như chiếc lá úa vàng dính trên cành cây. Một cơn gió nhè nhẹ đi qua, những chiếc lá úa vàng sẽ từ từ rơi rụng. Sự ra đi của anh Nguyễn Tấn Minh cũng không ai ngờ. Mới ngày nào đây, anh còn đi dự Họp mặt Hè của Đồng hương và Thân hữu Quảng Ngãi tại nhà hàng Majesty ở đường Edinger, anh vui vẻ, mạnh khỏe đùa dỡn cùng anh em bạn bè. Tôi cứ tưởng anh Minh sẽ còn sinh hoạt với anh em bạn bè chúng tôi dài dài. Và cũng mới ngày nào, anh hứa là anh sẽ đi uống rượu mừng khi con gái tôi đi lấy chồng. Nhưng rồi, mọi việc nó xảy ra thật bất ngờ không như mình tưởng.

         

Anh Nguyễn Tấn Minh sinh năm 1931, mất năm 2017, hưởng thượng thọ 86 tuổi. Quảng đường thật dài mà anh đã đi qua không phải bằng phẳng dễ đi mà phải vượt qua nhiều chông gai khó khăn gian khổ. Anh sinh ra tại quận Sơn Tịnh Quảng Ngãi và lớn lên trong thời kỳ đất nước chìm trong cảnh chiến tranh chống Pháp 1945-1954. Quảng Ngãi hồi này nghèo khổ lắm vì nằm trong vùng kháng chiến chống Pháp Liên khu 5 của Việt Minh gọi là Nam Ngãi Bình Phú (tức Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên) bị máy bay của Pháp đánh phá liên tục. Ngày 20 Thng 7 năm 1954 Hiệp định Genève ký kết giữa Việt Minh (tức cộng sản ngày nay) và thực dân Pháp. Đất nước Việt Nam bị chia đôi lấy vĩ tuyến 17 chia cắt đôi bờ Bắc Nam. Nước Việt Nam cộng hòa ra đời ở miền Nam và có tên trên bản đồ thế giới sau ngày Hiệp định Genève ký kết.

       

Buổi giao thời của nước Việt Nam cộng hòa mới được thành lập, anh Nguyễn Tấn Minh, người thanh niên 24 tuổi ý thức được bổn phận của người trai đối với đất nước, anh tình nguyện gia nhập Quân đội Quốc gia Việt Nam năm 1955, ra đi bảo vệ Quê hương Tổ quốc. Vào Quân trường phải vượt qua bao nhiêu khổ cực thử thách. Tập bắn súng, tập chiến thuật, tập bò hỏa lực, tập vượt qua các đoạn  đường chiến binh, di hành dã trại...Ôi! Ở quân trường biết bao nhiêu là thứ phải tập. Người tân binh phải cố gắng rèn luyện vì “Thao trường đổ mồ hôi, Chiến trường bớt đổ máu. Sống khắc khe theo kỷ luật của Quân đội, người chiến binh luôn giải nắng dầm mưa, học tập và rèn luyện bản thn. Ngày nào cũng thế. Lần đầu tiên xa gia đình bước chân vào đời quân ngũ, anh thấy nhớ nhà, nhớ cha nhớ mẹ, nhớ người yêu. Nhưng rồi anh phấn đấu với bản thân để làm tròn bổn phận người lính, chờ ngày ra trường sẽ có phép về thăm. Tình “Huynh đệ chi binh” sống trong quân trường, anh cảm thấy như anh em trong một đại gia đình. Anh quyết tâm rèn luyện bản thân, vui vẻ sống đời lính xa nhà.

     

Mãn khóa học ra trường anh là người lính Binh nhì. Lần theo thời gian anh cố gắng rèn luyện bản thân, học hỏi để tiến thân trên đường binh nghiệp. Anh xin đi học khóa Hạ Sĩ Quan Đồng Đế. Mấy năm sau anh lại làm đơn xin đi học khóa Sĩ Quan đặc biệt. Anh trở thành người Sĩ Quan trong Quân lực Việt Nam cộng hòa.

       

Hai mươi năm trên đường binh nghiệp, từ Binh nhì anh lên Hạ Sĩ, Trung Sĩ rồi Chuẩn uý, Thiếu úy và cấp bậc cuối cùng là Trung Tá. Anh nắm giữ những chức vụ quan trọng trong Quân đội. Làm Trưởng ban An ninh Tỉnh đoàn Địa Phương Quân Quảng Ngãi, Chỉ huy Lực lượng Thám Sát Tỉnh Quảng Nam, Tỉnh đoàn trưởng Xây dựng Nông thôn Quảng Nam và cuối cùng là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 121 ĐPQ Tiểu Khu Quảng Trị. Anh phục vụ trên phắp vùng I chiến thuật thuộc Quân khu I từ Quảng Ngãi ra đến Quảng Trị.

      

Anh là người Sĩ Quan tận tụy làm việc, luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ khi làm việc ở văn phòng. Khi ra đơn vị tác chiến, anh luôn luôn gần gũi với lính, thương yêu lính và đối xử với thuộc hạ như anh em một nhà. Khi ra chiến trường anh là người chỉ huy giỏi, lính trong đơn vị đều nể phục, nhất là khi anh làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 121 đóng ở vùng địa đầu giới tuyến Quảng Trị. Tiểu đoàn anh ngày đêm luôn đối diện với giặc thù xua quân xâm lược miền Nam trong những năm chiến trường dầu sôi lửa bỏng cho đến ngày mất nước 30 thng 4 năm 1975.

      

Là người Sĩ Quan luôn luôn đặt “Tổ Quốc Danh Dự Trách Nhiệm lên trên hết. Dù ở cương vị nào anh cũng hoàn thành nhiệm vụ, vì thế anh được Quân đội ban thưởng nhiều huy chương, trong đó có Bảo Quốc Huân chương, là huân chương cao quý của Quân đội dành ban thưởng cho những người đóng góp nhiều công sức lớn lao, hoàn thành nhiệm vụ trong công cuộc bảo vệ, phục vụ đất nước.

      

Vận nước không may, “Đồng minh tháo chạy bỏ ta một mình, Quân đội Việt Nam cộng hòa bị “Gãy sũng nửa đường, nước mất nhà tan. Sau ngày oan nghiệt 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam bị công sản cưỡng chiếm, anh Nguyễn Tấn Minh bị cộng sản bắt và đưa đi tù. Vợ anh, chị Minh một mình lặn lội tảo tần nuôi đàn con nhỏ ở quê nhà, chờ chồng đi ở tù trở về. Chị Minh cũng như bao chị em phụ nữ khác có chồng là lính bị cộng sản bắt đi tù, phải gánh chịu bao cảnh đời đắng cay, bất hạnh nghiệt ngã. Các chị đã trở thành những người vợ oan nghiệt nhất của thời đại ngày nay mà cộng sản luôn luôn ức chế và kỳ thị gọi là vợ của  “ngụy quân ngụy quyền Sài Gòn.

        

Sau bao nhiêu lần dời trại, đi từ trại tù này sang trại tù khác, cuối cùng tôi và anh Minh cũng ở tù chung một trại, đó là trại tù ác nghiệt Tiên Lãnh thuộc Tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng. Cùng là anh em trong một đại gia đình Quân đội VNCH,  gặp cảnh quốc biến gia vong đi vào chốn lao tù, nên anh em thương nhau nhiều lắm. Ở trại tù ác nghiệt Tiên Lãnh, tôi với anh Minh, tuy cùng chung một trại tù nhưng không cùng ở chung một nhà. Anh em chỉ gặp nhau lúc đi lao động ở ngoài đồng ruộng hay đi phát rẫy để trồng mì trồng lang, tỉa bắp, tỉa lúa trên núi hay đi lên núi vác củi về trại cho nhà bếp nấu ăn phục vụ cho anh em tù.

    

Gặp nhau anh em mừng lắm.  Anh tâm sự với tôi: “Cố gắng giữ gìn sức khỏe để về với gia đình nghe em. Thấy tụi em còn trẻ anh thương lắm “. Trong trại tù, anh Minh rất thương anh em. Dù đói rách thiếu ăn thiếu mặc, anh vẫn giữ tư cách của một vị Sĩ Quan cao cấp của Quân đội Việt Nam cộng hòa, không bon chen, không hạ mình khi đứng trước bọn cai tù. Lao động khổ sai, lần theo năm tháng, anh em tù càng ngày càng ốm, xanh xao, anh thường nhường cơm xẻ áo, giúp đỡ anh em khi ốm khi đau.

        

Đã mấy ngày qua không thấy anh Minh đi lao động và cũng không thấy bóng anh lảng vảng quanh quẩn trong sân trại tù. Một hôm đi lao động gặp người tù cùng nhà với anh Minh, tôi hỏi: “ Mấy ngày nay sao không thấy anh Nguyễn Tấn Minh đi lao động? “ Người đó trả lời thật nhanh rồi bỏ đi: “ Anh Minh đi trại Đồng Mộ rồi.”  Trại Đồng Mộ là nơi biệt giam những người tù mà bọn cai tù cho là nguy hiểm. Ở trong trại tù cấm những người tù ở khác nhà quan hệ với nhau. Nếu bắt gặp thì bị kỷ luật. Vì thế nghe người bạn tù trả lời, tôi chỉ biết vậy thôi, rồi mỗi người đi mỗi ngả. Tôi không hỏi gì thêm.

          

Ở trại tù Tiên Lãnh dù có đói rách nhưng đi lao động cũng bắt được con rắn, bắt được con cua, con nhái, hái được cộng rau ăn cho đỡ đói, cũng thấy được anh em tù, cũng nhìn được bầu trời, cũng nhìn thấy được ánh sáng, cũng hít được cái không khí trong lành hơn là bị nhốt trong nhà tù biệt giam tối tăm ngột ngạc. Nghĩ thương anh Minh vào nhà biệt giam, khổ gấp trăm ngàn lần ở ngoài đi lao động. Đói khát bệnh tật. Khi mãn hạn biệt giam được ra ngoài, anh em tù xanh như tàu lá vì thiếu ánh sáng, thiếu dinh dưỡng, đi đứng không được vì đôi chân bị cùm, đôi chân bị tê bại. Phải mất thời gian dài lâu với thuốc men chửa trị,  bồi dưỡng cơ thể mới mong đi đứng bình thường. Anh em tù ở trong hoàn cảnh này thật đắng cay, thật tội nghiệp.

     

Năm 1983 tôi được ra trại về đoàn tụ với gia đình. Kể từ năm ấy tôi không biết anh Minh như thế nào. Tôi về Quê hương bị quản chế 5 năm và không có cơ hội  đi đây đi đó, nên không biết tin tức gì về anh Minh, cũng như những anh em cùng ở chung trại tù Tiên Lãnh.  Hơn 10 năm sau, năm 1994 tôi và gia đình đi định cư tại Hoa Kỳ, ở Nam California mới gặp anh Minh nhân ngày Họp mặt Đồng hương và Thân hữu Quảng Ngãi vào dịp Xuân về. Hai anh em ôm nhau thật lâu, mừng vui mà nước mắt rưng rưng. Anh ra tù năm 1988. Như thế là anh ở trong lao tù cộng sản 13 năm. 13 năm với bao xương máu mồ hôi và nước mắt đổ ra, ăn không đủ no, bệnh không có thuốc chửa, lấy thân xác người tù thay thế cho con trâu con bò trong lao động sản xuất khổ sai mới cầm được miếng giấy về đoàn tụ với gia đình, với vợ với con.

          

Giờ đây anh và tôi cùng bạn bè trong chốn lao tù năm xưa như đàn chim sổ lồng tung cánh bay xa trên bầu trời Tự do nơi đất khách quê người. Từ đó anh em chúng tôi thường gặp nhau vào những lúc sinh hoạt của Hội Đồng hương và Thân hữu Quảng Ngãi, những lúc Họp mặt Xuân, Họp mặt Hè và Hội Cựu tù nhân Chính trị Quảng Nam Đà Nẵng trong những lần sinh hoạt và Hội ngộ của Cựu Tù nhân Chính trị Quảng Nam Đà Nẵng tại miền Nam California.

    

Anh là cố vấn của Hội Đồng hương và Thân hữu Quảng Ngãi và Hội Cựu tù nhân Chính trị Quảng Nam Đà Nẵng. Anh đã hăng hái đóng góp nhiều công sức và tiền bạc xây dựng Hội Đồng hương và Thân hữu Quảng Ngãi cũng như Hội Cựu tù nhân Chính trị Quảng Nam Đà Nẵng trong thời gian lâu dài. Hồi tôi còn làm Trưởng ban  giúp đỡ Thương Phế Binh VNCH  của HĐH & TH Quảng Ngãi, anh Minh là người rất tích cực, cùng với tôi vận động anh em cùng bà con Đồng hương đóng góp tiền bạc, góp bàn tay giúp đỡ cho anh em Thương phế binh VNCH đang sống cuộc đời khốn khổ bất hạnh ở Quê nhà

  

Anh Minh thật xứng đáng là người anh cả trong gia đình Đồng hương và Thân hữu Quảng Ngãi và trong gia đình Cựu tù nhân Chính trị Quảng Nam Đà Nẵng. Anh là người anh gương mẫu của anh em chúng tôi trên bước đường lưu vong tị nạn. Anh Minh đã được Hội Đồng hương và Thân hữu Quang Ngãi vinh danh, là người đã đóng góp nhiều công sức và tiền bạc xây dựng Hội và giúp đỡ TPB/VNCH trong ngày Họp mặt Xuân Đinh Dậu 2017.

  

Vợ anh Minh đã ra đi  về cõi Vĩnh hằng mấy năm rồi, giờ tới lược anh Minh cũng đã ra đi. Ngày 30 thng 9 năm 2017 được tin sét đánh, anh Nguyễn Tấn Minh qua đời. Tin không vui đến thật bất ngờ, tôi bàng hoàng xúc động. Ôi! Thế là một người anh kính mến,  một người bạn tù, một chiến hữu hết lòng phục vụ Tổ Quốc nữa đã vĩnh viễn  ra đi.

        

Sự ra đi của anh Nguyễn Tấn Minh không những là sự mất mát to lớn của các con, các cháu của anh, của tang quyến và của bà con thân thuộc mà còn là sự mất mát lớn lao của Hội Đồng hương và Thân hữu Quảng Ngãi và của Hội Cựu tù nhân chính trị Quảng Nam Đà Nẵng cũng như của  những anh em chiến hữu trong Hội Đồng Đế, Hội cựu tù nhân Chính trị Los Angeles.

 

Với quá trình 20 năm trong đời quân ngũ, sự đóng góp to lớn của anh Minh cho đất nước trong công cuộc chống cộng sản xâm lược bảo vệ đất nước, để rồi anh phải lãnh án 13 năm tù khổ sai trong lao tù ác nghiệt có một không hai Tiên Lãnh và Đồng Mộ sau ngày mất nước 30 tháng 4 năm 1975. Ở Hải ngoại, ngoài sự đóng góp công sức và tiền bạc xây dựng cho các Hội đoàn, giúp đỡ anh em Thương Phế binh khốn khổ bất hạnh nơi quê nhà, anh còn góp bàn tay cùng người Việt tị nạn cộng sản tranh đấu cho Tự do Dân chủ Nhân quyền Việt Nam. Vì vậy một số anh em chiến hữu các Hội đoàn họp lại với nhau, đã đồng ý phủ cờ VNCH cho anh. Hai giờ chiều ngày 20 tháng 10 năm 2017 làm lễ phủ cờ cho cố Trung Tá Nguyễn Tấn Minh do anh em trong Hội Đồng Đế phụ trách.

 

Rất tiếc là anh Nguyễn Tấn Minh không còn có cơ hội về thăm lại cố hương, dù chỉ một lần để nhìn thấy lại đất nước Việt Nam mình được Tự do không còn cộng sản. Vận nước không may, bao nhiêu khổ đau nghiệt ngã đè nặng lên đất nước và dân tộc Việt Nam sau ngày đau thương oan nghiệt 30 Tháng Tư năm 1975, anh Minh ngậm ngùi, uất hận mang theo nỗi buồn mất nước ra đi...

 

Lễ Phủ Cờ

 

Tham dự lễ Phủ Cờ

 

Buổi phủ cờ rất trang nghiêm và cảm động. Ngoài gia đình tang quyến, bà con thân thuộc, có rất nhiều anh em trong Hội ĐH &TH/ QN và Hội CTNCT/QNĐN. Đặc biệt có sự tham dự của Cựu Đại tá Lê Bá Khiếu, nguyên là Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Tiểu khu Quảng Ngãi và Cựu Đại tá Nguyễn Văn Quý. Sau phần phủ cờ, anh Nguyễn Tấn Đồng đọc tiểu sử của cố Trung Tá Nguyễn Tấn Minh. Tiếp theo là phát biểu cảm tưởng của các vị quan khách, trong đó có cựu Đại tá Lê Bá Khiếu. Là người đã quen biết cố Trung Tá Nguyễn Tấn Minh hồi còn ở trong Quân đội VNCH trước năm 1975, Đại Tá Lê Bá Khiếu trình bày rất chi tiết về cố Trung Tá Nguyễn Tấn Minh trong cuộc đời quân ngũ phục vụ đất nước, hoàn thành trách nhiệm của người Sĩ quan VNCH. Đồng thời ông cũng chia xẻ nỗi đau thương mất mát lớn lao và chia buồn cùng gia đình tang quyến.

 

Buổi sáng hôm sau 21 thng 10 năm 2017, gia đình và hàng trăm chiến hữu cùng bạn bè đến để tiễn anh Minh đi về cõi Vĩnh hằng. Mùa thu trời se lạnh, hàng cây hai bên đường lá úa vàng âm thầm rơi, từng chiếc từng chiếc. Quang cảnh thật buồn. Đoàn người im lặng, cúi đầu lặng lẽ đưa tiễn anh Minh đi đến nhà hỏa táng. Những vành khăn tang trắng của các con, các cháu theo sau quan tài với dòng nước mắt lăn dài trên đôi má, khóc thương Cha, khóc thương ông Nội, ông Ngoại, cùng với những giòng nước mắt của bạn bè, của người thân tiễn anh Minh ra đi không trở về. Lát nữa đây, anh Nguyễn Tấn Minh sẽ vào lò hỏa thiêu. Anh từ biệt dương thế để đi về thế giới bên kia. Thế là hết một đời người.

 

Cố Trung Tá Nguyễn Tấn Minh với 86 tuổi đời, 20 năm ra đi phục vụ Tổ quốc chống cộng sản xâm lược bảo vệ đất nước VNCH, bảo vệ Tự do.  13 năm ở trong chốn lao tù khổ sai ác nghiệt cộng sản.  26 năm bỏ Quê hương Tổ quốc ra đi tỵ nạn cộng sản. Giờ đây, anh gởi lại thân xác trên đất nước Hoa Kỳ, Quê hương thứ hai của anh bằng một nắm tro tàn. “Ta nay ở trọ trần gian, Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời.  Xin vĩnh biệt anh. Vĩnh biệt cố Trung Tá Nguyễn Tấn Minh, người anh muôn đời kính mến. Vĩnh biệt.

 

Những ngày cuối của mùa lễ Tạ Ơn trời lành lạnh, sương khuya rơi nhiều. Hồi tưởng lại một thời đã đi qua, biết bao nhiêu chuyện xảy ra trong cuộc đời.  Anh em chúng ta là những người, một thời chinh chiến, một thời lao tù, tưởng chừng như chết đi rồi sống lại, để rồi ngày hôm nay lại trở thành người lưu vong tỵ nạn, nhận đất nước Hoa Kỳ làm Quê hương thứ hai của mình.  Xin Tạ ơn Trời Phật, Tạ ơn Đời, Tạ ơn Người. Tạ ơn đất nước VNCH, Tạ ơn người lính VNCH đã hy sinh trong cuộc chiến để cho chúng ta được sống, để cho miền Nam được Tự do mãi mãi, nhưng rồi ý nguyện không thành. Tạ ơn người TPB/VNCH đã hy sinh một phần thân thể cho đất nước VNCH đang sống cuộc đời bất hạnh nơi Quê nhà. Hãy làm một việc gì đó dù nhỏ để giúp đỡ, để nhớ ơn người TPB/VNCH. Và chúng ta cũng nên góp một bàn tay dù là bàn tay nhỏ, làm một việc hữu ích cho đất nước, cùng với đồng bào tị nạn tranh đấu cho Việt Nam được tự do nhân quyền chờ ngày quang phục Quê hương.  Và cũng xin Tạ ơn nước Mỹ đã cưu mang, đã mở rộng vòng tay, giúp đỡ chúng ta xây dựng lại cuộc đời.

 

Tôi ngồi viết những dòng này giữa đêm khuya để nhớ về anh Minh, nhớ về cố Trung Tá Nguyễn Tấn Minh. Ngày lễ Tạ Ơn lại càng đến gần. Nhìn qua cửa sổ, ngoài trời sương khuya trĩu nặng lá vàng. Ánh đèn vàng nhòa sương, lặng lẽ cúi đầu, đứng im lìm trong không gian tĩnh lặng, im vắng. Mảnh trăng thượng tuần bị che khuất trong màn sương trắng đục. Tiếng còi xe hú trong đêm khuya nghe rợn người, thì ra người hàng xóm bị bệnh gọi xe cấp cứu bấm số 911. Lại có người vào bệnh viện. Gió se lạnh nhè nhẹ thổi qua rung rinh cành lá làm sương rơi lốp đốp trên khung cửa sổ trước hiên nhà như tiếng ai gõ cửa. Anh đi rồi, buồn quá anh Minh ơi!

 

Những chuyện xảy ra trong cuộc đời, sinh lão bệnh tử, anh em bạn bè lần lược ra đi, chắc chắn rồi cũng sẽ đến phiên mình. Đời là vô thường, ai biết trước việc gì sẽ xảy ra. Anh em bạn bè chúng tôi giờ cũng đã trên dưới tám mươi. Tuổi già sức yếu, thoáng chốc rồi cũng sẽ ra đi. Nói thế có người cho là quá đáng và bi quan, nhưng sự thật là như thế. Anh Minh ra đi, một tháng sau, anh Nguyễn Văn Sang ở San José cũng đã ra đi. Và mới đây,  anh Trần Văn Chi cũng lại ra đi. Chỉ hơn hai tháng thôi, đã có ba người bạn già ra đi về miền miên viễn. Tôi biết còn nhiều bạn nữa đang nằm trong bệnh viện, có lẽ rồi cũng sắp ra đi. Buồn ơi là buồn.

 

Cụ Nguyễn Công Trứ đã nói: “Thoạt sinh ra miệng đà khóc chóe, Trần có vui sao chẳng cười khì.” Quả thật đời là không vui. Ta sinh ra với hai bàn tay trắng, khi ta chết cũng hai bàn trắng tay, ta cũng chẳng đem theo được thứ gì. Sống ở trên đời này, dù ai giàu sang phú quý, quây đi ngoảnh lại, rồi cũng  thấy một trời phù vân. Vì thế sống trên đời này ta phải biết yêu thương mình và yêu thương mọi người, phải có tấm lòng bao dung và vị tha, sống cho mình và cũng sống cho mọi người. Không nên tranh dành hơn thua. Hơn thua để làm gì, để rồi phải mất đi người thân, phải mất đi người bạn, phải mất đi tình yêu thương.  Người ta thường nói:  Đời là một cánh hoa rơi, Hơn thua  nhau rồi cũng về với đất “và Đừng nên cứ mãi tranh dành, Trở về cát bụi cũng thành khói mây.  Hãy yêu thương và đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau.

 

      Sống trên đời này, giàu sang phú quý, công danh sự nghiệp có đó rồi lại không. Như ta đã biết “Mấy ai giàu bằng Vương Khải Thạch Sùng, Cũng có lúc tường xiêu ngói đổ “và“ Phú quý vinh hoa như mộng ảo, Sắc tài danh lợi tựa phù du. Suy cho cùng, chỉ có đạo đức và tình thương yêu mới tồn tại và mới ở lại với chúng  ta. “Điều quan trọng không phải là những gì ta nhận được mà là những gì ta đã cho đi. Sống được như vậy, cuộc sống của mình mới có ý nghĩa, ta sẽ đem lại niềm vui và tình yêu thương đến cho mình, cho mọi người và cho đời, lòng ta sẽ thấy an vui thanh thản và hạnh phúc. Yêu thương xin nở nụ cười, Vị tha là để lòng người thanh cao”

      “Ngỡ chỉ là một cuộc chơi, Ngoái lại sau thấy một trời phù vân.  Xin “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta có thêm ngày nữa để yêu thương.

    Anh Minh ra đi để lại cho anh em bạn bè chúng tôi nhiều thương tiếc, đã gắn bó với nhau dài lâu khó quên. Ngoài tình thương của một người anh, của một người bạn, còn có tình thương của một chiến hữu có cùng chung một lý tưởng trong thời bình cũng như trong thời khói lửa điêu linh, có cùng chung một cảnh ngộ đắng cay nghiệt ngã sau ngày bị “ Gãy súng “ nửa đường 30 tháng 4 năm 1975 đi vào chốn lao tù ác nghiệt và có cùng chung một ước nguyện chưa thành mang nặng trong lòng từ ngày anh bỏ Quê hương Tổ Quốc để ra đi lưu vong tỵ nạn, đó là ước nguyện ngày trở về Quê hương Việt Nam khi không còn cộng sản. Anh đành phái uất hận mang theo về miền miên viễn khi anh nằm xuống.

 

Anh Minh ơi!

         Thôi rồi! vĩnh biệt ngàn thu,

         Anh đi về chốn Thiên thu Vĩnh hằng.

 

Thế là,

      “Đường về khép bóng trần gian,

        Lợi danh gói một hành trang vô thường.”

 

Anh ra đi bình an và thanh thản nhé.

Mãi mãi nhớ anh...

 

Em: Phạm Thọ

CTNCT/QNĐN

 

 

Tin Tức - B́nh Luận     Vinh Danh QLVNCH     Audio Files     Tham Khảo     Văn Học Nghệ Thuật     Trang Chính