Cắt nhượng cẳng tù nhơn

 

Bùi Phú

 

 

 

(Dư âm ngày tưởng niệm Quốc Hận thứ 42 vẫn còn, một nén hương lòng kính dâng lên hương hồn Đại Úy HÙNG, đã chết tức tưởi trong lao tù CS Z.30A Xuân Lộc Đồng Nai)

 

Nói đến tù nhơn trốn trại, ta không thể không đề cập đến 3 trại tù Z.30A, Z.30B, và Z.30C Xuân Lộc Đồng Nai là những trại tù có nhiều tù nhơn trốn trại nhiều nhất bằng nhiều phương cách như: tù nhơn ưu tiên ở căn nhà ngoài trại để phụ trách coi máy phát điện cho toàn trại cũng trốn trại đi luôn, một tù nhơn cả gan tìm mọi cách lén lấy cho được bộ sắc phục và nón Công An, giặt phơi kế văn phòng của Cán bộ trực trại, rồi ngang nhiên mặc sắc phục, đội nón chỉnh tề, hiên ngang đi ra khỏi cổng trại kiểm soát trước sự hiện diện của Công An trực và còn biết bao trường hợp trốn trại khác.

 

Đặc biệt một cuộc trốn trại tập thể thiệt ly kỳ và thành công, độc nhất vô nhị của 32 tù nhơn thuộc lực lượng biệt kích Fulrô khoảng năm 1981-1982 tại trại tù Z.30A Xuân Lộc, Đồng Nai.

 

Sở dĩ, Cộng Sản đã tóm gọn toàn thể Bộ Tham mưu lực lượng biệt kích Fulro 32 người gồm Đại Tá, Bác Sĩ, Sĩ quan, binh lính được lệnh tập trung tại một địa điểm nào đó, để được đón đưa ra nước ngoài, không ngờ có 1 kẻ phản bội (nội tuyến) báo cho Cộng Sản biết trước nên chúng đã vây bắt được và đem về giam giữ họ trong trại tù Z.30A Xuân Lộc Đồng Nai, một trại tù vô cùng kiên cố, kín cổng cao tường, có hàng rào kẽm gai cuốn tròn bao quanh trên bức tường cao 2 mét rưỡi, có 4 trạm gác kiểm soát là những chòi cao ở 4 góc trại, có vệ binh canh gác thường xuyên, thiệt khó có tù nhơn nào có thể trốn trại được.

 

Vậy mà vào một đêm mưa phùn hơi se lạnh của vùng Gia Ray Xuân Lộc, toàn bộ Ban tham mưu của lực lượng Biệt kích Fulro đã trèo tường trốn thoát được 31 người chỉ còn lại 1 Fulro già yếu, bịnh hoạn, kém may mắn trốn không nổi.

 

Sáng sớm hôm sau trước khi tập họp diểm danh anh em tù nhơn đi lao động như thường lệ, đám cán bộ quản giáo và vệ binh mới phát giác ra lán nhốt tù nhơn Fulro trống rỗng, chỉ còn lại 1 Fulro gìà duy nhứt mà thôi. Quá hốt hoảng, chúng liền chạy tức tốc lên gặp ngay Trại trưởng, báo cáo nội vụ xẩy ra. đồng thời ngay lúc đó, trại đã huy động 1 số Công An trong trại bủa vây, kiểm soát khắp mọi nơi mong sao tìm bắt cho được số tù nhơn Fulro đã may mắn trốn thoát, nhưng chúng hoàn toàn thất vọng vì một khi Cọp đã xổ chuồng về rừng thì làm sao mà bắt lại được, chỉ hoài công vô ích ví như: “Mò kim đưới đáy biển” mà thôi.

 

Đây là một cuộc vượt ngục có tầm vóc quan trọng và vô cùng lớn lao khiến Bộ Nội Vụ Cộng Sản ở Trung Ương Saigon đã khẩn cấp cử một phái đoàn thanh tra xuống ngay trại tù Xuân Lộc Đồng Nai để tìm nguyên nhơn và truy cứu trách nhiệm. Ai nấy đều tưởng rằng Tù trưởng Trung Tá Trịnh Văn Thích có thể sẽ bị khiển trách hoặc bị trừng phạt nặng nề, và có thể còn bị cách chức nữa.

 

Nhưng thiệt không ngờ, mọi việc đều được giải quyết êm thắm và ổn thỏa tốt đẹp như không có gì xẩy ra và thời gian kế tiếp Tù trưởng còn được phong thêm 1 chức Thượng Tá nữa cho đến khi đóng cửa nhà tù vì hết tù nhơn giam giữ. Hỏi ra mới biết, hắn thuộc băng đảng Lê Duẫn, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản lúc bấy giờ.

 

Nhưng nổi bật nhứt phải đề cập đến một cuộc trốn trại thiệt vô cùng táo bạo và nguy hiểm nhứt của 18 anh em tù nhơn quân nhơn từ trại Cà Tum chuyển về nhốt ở trại đặc biệt Z. 30A Xuân Lộc Đồng Nai do Đại Úy HÙNG, chỉ huy..

 

Được biết khoảng năm 1978-1979, một số anh em tù nhơn quân nhơn từ trại Cà Tum chuyển về ở tù tiếp tại trại Z.30A Xuân Lộc Đồng Nai, trại tù kiên cố nhứt trong 3 trại tù Z.30B và Z.30C, mỗi trại chứa khoảng 1,200 tù nhơn do Trung Tá Trịnh Văn Thích, tù trưởng Lý Bá Sơ từ ngoài Bắc chuyển vào đảm trách trại trưởng nhà tù.

 

Vào một ngày đẹp trời, trong sáng của vùng Gia Rây Xuân Lộc Đồng Nai, dường như đã có dự tính trước, trong lúc anh em tù nhơn trong đội đang cuốc đất bình thường tại một khu đất đã được chỉ định sẵn ở ngoài trại, bất thần 18 anh em tù nhơn trong đội đồng loạt ra tay bắt trọn cán bộ quản giáo và 2 vệ binh CS coi tù, trói chúng lại và tước hết võ khí rồi cùng nhau bỏ chạy lên núi “Chứa Chan” mà anh em tù nhơn ở đây thường gọi là núi “Chán Chưa” hầu mong có thể giải thoát được thảm cảnh tù đày khổ sai không bản án cho bản thân mình đã bao lâu chịu đựng.

 

Thiệt không ngờ, việc trốn trại của anh em tù nhơn quân nhơn Cà Tum bị bọn CS phát giác kịp thời nên vệ binh CS coi tù nhơn đang lao động bên cạnh hốt hoảng cầm súng chạy đuổi theo và la lối om sòm: “Có tù nhơn trốn trại, có tù nhơn trốn trại, hãy bắt hết bọn chúng lại, hãy bắt hết bọn chúng lại”. Nghe la, những cư dân canh tác, cư ngụ dưới núi Chứa Chan, đa số là thân nhơn, bà con liên hệ với CS cũng ùa theo vệ binh CS đuổi bắt khiến đa số anh em tù nhơn trốn trại gần như bị chúng bắt lại toàn bộ, chỉ còn lại số ít anh em tù nhơn may mắn thoát được nhưng bản thân cũng khó toàn mạng.

 

Sau khi bắt được, đám vệ binh CS bèn áp tải anh em tù nhơn trốn trại về trại liền ngay lúc đó không để chậm trễ.

 

Trên đường di chuyển tù nhơn về trại, bất thần có tên Đại Úy, phó trại tù Cộng Sản chạy, hớt ha hớt hải từ ban trực trại tới, hỏi dồn dập trong cơn bực tức sau khi gặp đám vệ binh áp giải tù trốn trại: “Ai? Ai là kẻ đứng đầu tổ chức trốn trại này?”, thì một tên vệ binh CS trong toán dẫn tù chỉ ngay Đại Úy HÙNG, la lớn: “Chính hắn, chính hắn đấy!”. Vừa nghe xong, Tên Đại Úy CS, Phó trại tù, chẳng nói chẳng rằng, không ngần ngại, rút ngay lưỡi lê thường xuyên đem theo trong mình, cúi người xuống rồi dùng lưỡi lê sắc bén cắt đứt ngay nhượng cẳng của Đại Úy HÙNG, máu me chảy ra lênh láng trông rất khiếp đảm. Vì chịu đựng đau đớn không nổi, Đại Úy HÙNG thất thanh la lớn rồi bất tỉnh nhơn sư, thân người từ từ ngã quỵ ngay tại chỗ. Đám vệ binh áp giải hoảng sợ bèn kêu anh em tù nhơn hiện diện khiêng Đại Úy HÙNG về trại cấp cứu liền, Tại đây nhơn viên trạm xá nhận được chỉ thị chỉ băng bó sơ sài, không thuốc men chữa trị khiến vết thương của Đại Úy HÙNG tư từ bị nhiễm trùng nặng, lở loét đầy cả bàn chân, trông rất ghê tởm, vô phương cứu chữa cho đến khi Đại Úy HÙNG bất hạnh buông tay nhắm mắt lìa đời trong đau đớn và tủi nhục để lại biết bao niềm thương tiếc, mất mát lớn lao cho gia đình và bạn bè chiến hữu.

 

Đây là một tội ác vô cùng thâm độc, mất nhơn tính của CS trong sách lược trả thù và đối xử tàn bạo đối với tù binh chiến tranh là những Quân, Cán, Chính của Chinh thể VNCH đã bị bức tử trong cuộc chiến vì Đồng Minh phản bội, bán dứng VNCH cho Cộng Sảm xâm lược.

 

Tội ác này được chứng kiến tận mắt của đội tù nhơn anh em bắt gặp trên quãng đường di chuyển về trại sau khi hết giờ lao động. đây có thể nói là những nhơn chứng sống sự kiện lịch sử thì đúng hơn.

 

Tên Đại Úy CS, phó trại tù tỏ vẻ hoảng hốt vì tội ác của hắn đã bị anh em tù nhơn phát giác kịp thời, hắn vội vã lấy ngón tay trỏ điểm mặt từng anh em tù nhơn hiện diện dằn mặt, răn đe: “Cấm nóí, cấm nói đấy nhé!”. nhưng tội ác của hắn làm sao mà che dấu được dưới ánh sáng mặt trời.

 

Sau đó anh em tù nhơn âm thầm, lẳng lặng di chuyển về trại, nhưng ai nấy đều không khỏi ôm ấp trong tâm khảm một cảnh tượng thiệt rùng rợn, dã man tàn bạo mất nhơn tính không bao giờ quên giữa con người đối với con người cùng dân tộc Việt.

 

Đây là một bài học bằng xương máu và nước mắt để đời, để chung ta thấu hiểu sâu sắc về chủ nghĩa CS, về bản chất con người CS XHCH đã được rèn luyện, nung đúc, thấm nhuần sâu sắc chủ thuyết tam vô: Vô gia đình, vô tôn giáo và vô tổ quốc.”

 

Đây cũng chỉ là một trong muôn vàn tội ác mà Đảng Cộng Sản đã gây ra cho dân tộc VN kể từ khi có đảng Cộng Sàn đến nay.

 

Do đó những ai chưa tìm hiểu để biết về bản chất của chế độ CS mà vẫn còn bị CS quyến rũ, mê hoặc, một thiên đàng mù không tưởng được xây dựng trong một chủ thuyết ngoại lai, dối trá và bạo lực thì hãy sớm mau mau thức tỉnh.

 

Hơn nữa, dù người tỵ nạn CS định cư ở hải ngoại hưởng được cái may mắn sống trong một đất nước tự do, thoải mái cả về tinh hần lẫn thể xác, cuộc sống đầy đủ tiện nghi, tương đối sung sướng và hạnh phúc, nhơn phẩm con người luôn được tôn trọng và bảo đảm thực sự, nhưng chúng ta cũng phải luôn khẳng định chúng ta chỉ là những kẻ lưu vong xa xứ mà thôi làm sao so sánh được với một cuộc sống được hít thở bầu không khí hoàn toàn tự do ngay chính quê hương mình cùng với bạn bè, họ hàng, chiến hữu và đồng bào liên hệ trong một đất nước tự do không Cộng Sản như Chế độ VNCH trước đây.

 

Tóm lại, trong cuộc sống ly hương, xa quê cha đất tổ, dù cuộc sống có sung sướng và hạnh phúc thế nào chăng nữa chúng ta cũng phải có bổn phận và trách nhiệm với quê hương mình như thế nào để có thể góp một bàn tay trong phương cách giải trừ chế độ CS, cứu dân tộc VN thoát khỏi gọng kìm vô cùng tàn bạo của chúng, Một chế độ hèn với giặc, ác với dân, cam tâm làm chư hầu cho kẻ thù ngàn năm phương Bắc, lại sắp đưa dân tộc VN Hán hóa lần nữa qua hiệp ước Thành Đô, được thể hiện qua bài hát với những lời than thở thống thiết gần như tuyệt vọng Việt Nam tôi đâu” của tuổi trẻ yêu nước Việt Khang, nhất là với đoạn kết của bài hát thật quá bi thảm..... “Khi thế giới này sẽ không còn Việt Nam” không những đã làm thức tỉnh dân tộc Việt mà còn đánh động lương tâm những người có lương tri yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới nữa.

 

Nhứt là cuộc đấu tranh giải trừ chế độ CS còn đang dang dở, Người Việt tỵ nạn hải ngoại cần phải phối hợp nhơn dân yêu nước và tuổi trẻ quốc nội, kiên trì đấu tranh cho đến khi giải thể được chế độ CS, cho một VN không CS, hầu đưa đất nước VN sớm trở lên hùng cường và giàu mạnh ngang hàng với các nước tự do tiên tiến trên thế giới để khỏi hổ thẹn với Tiền Nhơn trong suốt chiều dài lịch sử hơn 4,000 năm văn hiến dựng nước và giữ nước.

 

Vì cuộc đời là vô thường, trước sau gì mọi người cũng phải ra đi, nếu một khi ta sớm không may nhắm mắt lìa đời theo mạng số, bỏ xác nơi xứ người, không những ta chỉ là những hồn ma lưu vong mà thôi mà ta cũng không khỏi hổ thẹn và chịu trách nhiệm trước lịch sử sau này nữa.

 

Viết dịp ngày Quốc Hận 42 (bài viết đã được chỉnh sửa bổ sung) 

 

 

Tacoma, Bùi Phú/VBMN

Nguồn Việt Báo

 

 

 

Tin Tức - Bình Luận     Vinh Danh QLVNCH     Audio Files     Tham Khảo     Văn Học Nghệ Thuật     Trang Chính