BPhuong

 

 

Một người quen nhắc; tết Nguyên Đán sắp đến rồi! Nỗi dằn vặt chợt từ đâu ập đến. Tết Canh Tý 2020 đã bỏ qua, chẳng lẽ Tết Tân Sửu 2021 sẽ bị bỏ quên, như ta đã quên ngày tháng. Năm ngoái còn hưởng chút hương vị ngày Tết với mấy đòn bánh tét, do người bạn tâm giao từ thời còn đi học mang đến tặng, giữa lúc thế giới bên ngoài vẫn bình an. Năm nay thì sao? Dù gì đi nữa con trâu sẽ bơi qua cơn sóng thần dịch bệnh, lù đù đến với thế giới loài người. Chỉ còn lời khẩn cầu chân thành nhất:

 

Chuột đi mang theo bao nỗi khổ

Trâu về mang đến vạn niềm vui

 

 

Từ mấy ngàn năm về trước, Việt Nam đã có nền văn minh lúa nước. Thời kỳ vua Hùng dựng quốc, con trâu góp phần xây dựng căn bản cho việc cày bừa trồng lúa. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy tượng trâu bằng đất nung trong thời kỳ Đồng Đậu cách đây hơn ba ngàn năm. Trên mặt trống đồng Bắc Lý (Hiệp Hòa) có chạm khắc hình ảnh hội đâm trâu của người Việt cổ. Hình ảnh con trâu kéo cày trên cánh đồng ngập nước, con trâu gặm cỏ hay con trâu đầm mình trong ao hồ, không biết tự bao giờ, trở nên quen thuộc, gắn bó với cuộc sống êm đềm miền thôn dã.

 

“Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta

Cày cấy vốn nghiệp nông gia

Ta đây trâu đấy, ai mà quản công.

Bao giờ cây lúa còn bông,

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.”

(Ca dao)

 

Ba má tôi vốn người sông nước miền Nam, nhưng sớm bỏ làng lên Sài Gòn. Tôi sinh ra và lớn lên tại thành phố, gọi theo giọng cải lương quê mùa của bà chị họ là “Sài Thành xa hoa lệ”. Vì vậy, tôi chưa bao giờ mặt đối mặt với con trâu, họa chăng chỉ thấy bóng dáng bác ta thấp thoáng trên ruộng lúa xanh rì, bám theo hai bên lề con đường về tỉnh. Thế mà hình bóng con trâu vẫn tồn tại trong tiềm thức, bơi cạnh bên tôi trên cả giòng đời…

 

Hình ảnh con trâu đầu đời là chú mục đồng, nằm ngất ngưỡng trên lưng trâu, thả hồn bay cao theo ngọn gió chiều. Tôi nhớ mãi ngày xưa còn bé, chạy theo bầy con nít trong xóm, ê a hát:

 

 

“Ai bảo chăn trâu là khổ Chăn trâu sướng lắm chứ

Ngồi mình trâu ta giật đuôi trâu Rồi ta nhéo tai trâu.”

 

 

 

Thật ra là bài “Em bé quê” (tác giả Phạm Duy-1954), không biết ai đó đã nghịch ngợm sửa lời.

 

 

Khung cảnh hồn nhiên, thơ mộng ấy theo tôi suốt tuổi thơ nơi xóm nhỏ, cho đến một ngày “mộng vàng tan vỡ”. Tôi nghe bà hàng xóm mắng con: “mầy không lo học hành, lớn lên đi chăn trâu”.

 

 

Ngày xưa, nơi các làng quê, nhiều nhà nghèo phải đem đứa con trai lớn đang tuổi ăn khỏe, gởi cho gia đình địa chủ giàu sang làm trẻ chăn trâu thuê, lo chăn dắt đàn trâu. Từ tờ mờ sáng các chú bé lùa trâu ra đồng, giao cho thợ cày, để họ quàng lên vai nó cái ách nặng nề, từ sáng tới chiều, kéo chiếc cày trên cánh đồng ngập nước. Trong lúc ấy lũ trẻ chăn trâu phải lo giữ mẹ con trâu cái, cắt cỏ non nhận đầy giỏ bội để kịp lo cho trâu bửa ăn chiều. Hằng ngày, chăn dắt trâu mà để trâu đói, để muỗi mòng đốt, đỉa cắn chúng, chính chú mục đồng cũng mất củ “khoai lùi bếp nóng, ngon hơn là vàng”.

 

Chăn trâu không sướng như tôi nghĩ!

 

“Chăn trâu khét nắng hôi bùn,

Ngủ chung với chó, ngủ hùn với heo.”

(Ca dao)

 

“Mùi đất mùi phân nhuyễn với nhau

Mùi bùn vừa nạo dưới ao sâu

Chua chua ráp ráp mùi ngâm mạ

Nghe nứt mầm xanh mỗi tế bào.”

 

(Thơ Hương Đất, Huy Cận)

 

Ngày khôn lớn, đọc chuyện “Mùa len trâu” trong tập chuyện ngắn “Hương rừng Cà Mau” của Sơn Nam, tôi càng thấm thía hơn nỗi khổ của kẻ chăn trâu. Nhưng hình ảnh êm đềm, đàn trâu trở về chuồng, thấp thoáng trong bóng chiều như lời miêu tả của vua Trần Nhân Tông vẫn không thể nào xua đuổi ra khỏi ký ức: Trâu rừng Phi châu (Cape buffalo, Syncerus caffer) không có họ hàng gần với loài trâu nước Á châu, hình thù cũng vạm vỡ hơn và chưa bao giờ được thuần hóa. Cho đến nay, các khoa học gia vẫn không khẳng định được thủy tổ của giống trâu rừng Phi Châu. Các dấu tích tìm thấy cho biết, khoảng 2000 năm TCN, ở Phi châu có loại trâu rừng khổng lồ Pelovoris, sống trong vùng rộng lớn, chạy dài từ Maroc đến Libya, cặp sừng trải rộng gần 3m. Hiện nay giống trâu này đã tuyệt chủng.

 

“Trước xóm sau thôn tựa khói lồng

Bóng chiều man mác có dường không.

Mục đồng sáo vẳng trâu về hết,

 

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.”

(Bài thơ Hán Nôm Thiên Trường vãn vọng- Ngô Tất Tố dịch)

 

Cuối thập niên 1990, có người chị họ tặng cho tượng mục đồng làm bằng đồng đen, chị đã cất giữ từ mấy chục năm. Đến bây giờ nó vẫn chiếm chỗ trên giá sách để trong phòng khách. Mai này chắc nó sẽ truyền đến đời con cháu tôi, như hình ảnh chú mục đồng sống mãi trong tôi…

 

  Theo các nhà cổ sinh vật học (Paleontologist), cụ Trâu đã có mặt trên quả địa cầu từ thời kỳ ấm áp Eemian, trước kỷ băng hà (Ice age) cuối cùng, khoảng 125.000 năm về trước. Thuở ấy, thời tiết khắp nơi tương đối ôn hòa, mùa hè mát mẻ, mùa đông không mấy lạnh, nên các bác trâu nhà ta sống thoải mái trên một vùng đất rộng lớn, chạy dài từ Á tới Âu. Trong bốn chu kỳ của kỷ băng hà, nhiệt độ trái đất bị giảm, tạo nên các vùng băng giá trên mặt địa cầu, loài trâu nước thích nghi với khí hậu ấm, bị tuyệt chủng ở Âu châu. Phạm vi sinh hoạt của các bác trâu thu hẹp lại ở Ấn Độ, Nam Dương, Nam Á, Đông Nam Á và Bắc Úc châu. Một số nhỏ có mặt ở Nam Mỹ và Bắc Phi châu. Các nhà khoa học tìm được trong hang động ở Nam Dương một bức bích họa, vẻ trên vách đá khoảng 44.000 năm về trước, mô tả cảnh một đoàn thợ săn, mang giáo và dây thừng đuổi bắt trâu và heo.

 

Tuy vẫn còn nhiều cuộc tranh cãi, người ta cho rằng, loài trâu nước được thuần hóa thành gia súc tại Ấn Độ năm 5000 TCN và trâu đầm lầy tại Trung quốc năm 4000TCN.

 

 

Trên thế giới có hai nhóm trâu, phân biệt bởi hình dáng cặp sừng; trâu rừng Phi châu (Cape buffalo, Syncerus caffer) và trâu nước Á châu (Bubalus).

 

Trâu rừng Phi châu

 

 

Trâu nước

 

 

Vào năm 1779, bác sĩ kiêm nhà thực vật học người Thụy Điển Anders Sparrman, lần đầu tiên gọi giống trâu hoang dã này là „Caffer”, theo nguồn gốc từ tiếng Á Rập, có nghĩa là đồ ngu ngốc, giống như cụ Học Lạc nhà ta (Nguyễn Văn Lạc, 1842-1915) đã từng miêu tả con trâu:

 

“Mài sừng cho lắm cũng là trâu,

Gẫm lại mà coi thật lớn đầu.

Trong bụng lam nham ba lá sách,

Ngoài cằm lém đém một chòm râu.

Mắc mưu đốt đuốc tơi bời chạy,

Làm lễ bôi chuông dớn dác sầu.

Nghé ngọ già đời quen nghé ngọ,

Năm giây đàn khảy biết nghe đâu.”

 

Trong thời gian tiến chiếm các nước Nam Phi làm thuộc địa, người Đức đã sử dụng danh từ này để miệt thị người da đen, nên hiện nay từ này đã bị cấm.

 

Trâu Cape thuộc loài ăn thực vật lớn ở châu Phi, thuộc giống nhai lại, vốn không có hàm răng trên, chỉ ăn cỏ, bụi rậm, thảo mộc, lau sậy và lá cây. Chỗ ở của chúng rất đa dạng, bao gồm các đầm lầy, vùng ngập nước, cả vùng thảo nguyên khô ráo hay trong các rừng rậm, các cánh rừng thông thưa thớt trên miền núi cao đến 3000m, miễn là có nguồn nước chảy quanh năm. Trâu Cape sống thành từng đàn, có thể lên đến cả ngàn con, trong một hệ thống xã hội rất phức tạp. Một số các con trâu cái già, có cùng huyết thống và kinh nghiệm dẫn đầu đàn, tiếp đến là đoàn trâu cái với các con nghé đi giữa đàn, cuối cùng đám trâu có địa vị thấp kém trong đàn đi bọc hậu.

 

Trâu đực sống đơn lẽ hay kết hợp thành nhóm độc thân từ 5 đến 10 con, chỉ nhập vào đàn lớn trong mùa giao phối, kéo dài ba ngày. Để chiếm đặc quyền giao phối, các con đực sẽ lao đầu vào cuộc giao tranh sống mái. Hai con trâu đực ngẩng cao đầu gườm nhau, chờ đến giây phút kịch liệt cuối cùng mới gục đầu xuống, đánh một đòn chí mạng, có thể bẻ gãy cả sừng của địch thủ. Trong thời gian ngắn ngủi ở đàn này, con đực cũng có thể chuyển từ nhóm độc thân sang đàn và ngược lại, nhưng trong đàn chúng không hòa nhập vào cấu trúc xã hội. Điều đáng chú ý là trong thời kỳ sống với đàn, con đực thường xuyên bị sụt cân do ăn ít hơn trung bình. Có lẽ đó là nguyên nhân dẫn đến việc trâu đực rời đàn.

 

 

Sống trong miền hoang dã, tranh đấu để sinh tồn theo luật thiên nhiên: „mạnh thắng yếu thua”, „khôn sống mống chết”, đàn trâu phải đối phó với muôn vàn nguy hiểm. Rắn rít, sâu bọ, các con mãnh thú luôn rình rập, ấy là chưa kể đến các tay săn thú dữ, hạ thủ chẳng lưu tình. Vốn dĩ thích dầm mình trong nước, tận hưởng chút thoải mái từ nguồn nước mát lạnh, cả đàn di chuyển đến khu vực đầm lầy. Dưới làn nước đục lờ đờ, đàn sấu há mõn, để lộ hàm răng nhọn hoắc, đã chực sẵn từ lâu, chỉ cần một chút bất cẩn là có thể bỏ mạng.

 

 

 

Đây cũng là cơ hội săn mồi tốt cho đàn sư tử. Dưới sự dẫn dắt của con thủ lĩnh, đàn sư tử tìm cách cô lập một con trâu già, tách ra khỏi đàn, nhằm dễ bề triệt hạ. Con trâu rừng đơn độc rơi vào vòng vây tấn công của những con sư tử đành chấp nhận trở thành bữa tiệc thịnh soạn cho kẻ săn mồi.

 

 

Nhưng săn được con trâu rừng mạnh bạo không phải là chuyện dễ. Trâu Cape có tầm nhìn rộng lớn, có thể thấy địch thủ cách xa 1,5 km. Chúng lập tức chụm vào nhau, xây thành một vòng tròn phòng thủ bằng những cặp sừng sắc bén. Khi bị dồn đến đường cùng, để bảo vệ các chú nghé, trâu nổi điên, dùng sừng húc, đâm thủng địch thủ hay đôi khi giẫm nát kẻ thù. Trong khi ấy, con sư tử mảnh khảnh hơn, không đủ sức để bẻ cổ con trâu trưởng thành, chỉ có thể giết chết bằng cách ngoạm vào cổ họng, xuyên qua lớp da dày từ 2-3 cm. Bỗng chốc, kẻ đi săn biến thành nạn nhân một cuộc đuổi bắt.

 

 

Giống trâu rừng có sừng to, mạnh mẽ này được các thợ săn thú hoang ở Phi châu xếp vào 5 loài động vật có vú to lớn nhất, mà cũng là những loài động vật nguy hiểm, hung dữ nhất Phi châu: voi, sư tử, báo, tê giác và trâu rừng. Hằng năm có đến khoảng hai trăm người thiệt mạng bởi các cuộc tấn công của trâu rừng, nhất là lúc nó bị mang thương tích.

 

Trâu nước Á Châu (Bubalus) có thể chia đại khái thành hai loại, trâu nhà (bubalus) và trâu rừng (Bubalus Arnee), trong đó trâu nhà gồm trâu sông (Riverbuffalo; bubalus bubalis) và trâu đầm (Swamp buffalo; bubalis carabanesis) có 74 giống khác nhau.

 

 

Trâu sông (Riverbuffalo; bubalus bubalis) ở Nam Á, được nuôi để lấy sữa và thịt. Các giống trâu sữa Murrah của Ấn Độ, được xuất cảng trên toàn thế giới.

 

 

Cách đây khoảng 4000 năm, con người đã từng thưởng thức món sữa trâu. Hiện nay sữa trâu chiếm 13% số sữa sản xuất trên toàn thế giới, thu hoạch nhiều nhất trong các nông trại ở Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Ai Cập và Nepal.

 

Ngày nay trâu nước được nuôi trên khắp các lục địa. Sữa trâu dễ tiêu hóa, ngọt hơn và béo gấp đôi sữa bò, hàm lượng casein rất cao, thích hợp cho việc sản xuất phó mát. Nỗi tiếng nhất có lẽ là phó mát Mozzarella, một sản phẩm nông nghiệp, được chế từ sữa trâu, xuất phát từ vùng Campania ở miền Nam nước Ý, tạo hương vị đặc biệt cho món ăn quốc hồn quốc túy của người Ý là bánh pizza và xà lách caprese.

 

 

Trâu nước vùng Campia (Ý)                                  Trâu nước nuôi ở Đức

 

Trâu đầm (Swamp buffalo; bubalis carabanesis) nuôi ở Đông Nam Á và Trung quốc, chủ yếu là động vật lao động, đặc biệt dùng vào công việc trong nghề trồng lúa nước. Chỉ khi chúng quá già để làm việc, chúng mới bị giết để ăn thịt và hầu như không có vai trò gì trong việc sản xuất sữa. Trong các làng quê Việt Nam, nhất là các cụ già, có người cả đời chẳng đụng đến miếng thịt trâu hay bò vì cho nó là người bạn trung thành, cả đời đã gánh vác công việc đồng áng nặng nhọc.

 

Trâu đầm lầy Á châu, ở Việt Nam còn được gọi là trâu Ngố hay trâu Gié, có cặp sừng hình trăng lưỡi liềm, gồm hai loại chính: Carabao ở Phi Luật Tân và đảo Guam; giống trâu Krbau hay Kerbau Mã Lai, phổ biến rộng rãi trong vùng đông Nam Á.

 

 

Trâu Phi Luật Tân                                                        Trâu Việt Nam

 

Trâu rừng Á châu (Bubalus arnee) là loài trâu lớn, tổ tiên của các loại trâu nhà, hiện nay còn tìm thấy trong các khu rừng ở Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Thái Lan, Miến Điện và Cam Bốt. Chúng đã bị tuyệt chủng tại Pakistan, Bangladesh, Lào và Việt Nam.

 

 

Phần lớn các loài trâu thích định cư nơi các vùng ngập nước, rừng đầm lầy và thung lũng sông, cây cối rậm rạp. Thân thể của các bác trâu cũng là chỗ sinh hoạt của các loại côn trùng ký sinh, các loại ve, hút máu trâu để sống, mang mầm dịch bệnh. Người ta kể lại, có loại bò chét trâu còn gọi là con vét, sau khi hút máu no nê, thân hình phồng to đến bằng đầu đủa, nghe mà khiếp. Để chống lại côn trùng và giải nhiệt, trong những trưa hè oi ả, các bác trâu thường dành thời gian giầm mình xuống giòng sông, ao nước hay lăn mình trong vũng bùn. Sau đó lớp da được bao phủ bởi một lớp bùn dày, không một loại côn trùng hút máu nào có thể xâm nhập.

 

 

 

 

 

 

Trong thiên nhiên, „trời sinh voi, sinh cỏ”, sinh vật sống cộng hưởng, các loại côn trùng hút máu này lại là món ăn béo bổ của vài loại chim, như chim cắt vò, chỉ chờ hội để bắt mồi. Các bác trâu cũng chỉ mong có thế, nằm yên cho chúng tha hồ mổ, gở những phiền phức, ngứa ngáy, đang bám chặt vào da thịt mình…

 

 

BPhuong

8/02/2021

27 tháng chạp năm Canh Tý

 

 

Tin Tức - Bình Luận     Vinh Danh QLVNCH     Audio Files     Tham Khảo     Văn Học Nghệ Thuật     Trang Chính